Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Nguyễn Huy Cường cho biết, nhu cầu vật liệu được khảo sát tại Hà Nội và 9 tỉnh với tổng số 102 mỏ. Tổng trữ lượng và khả năng khai thác đều vượt quá nhiều lần nhu cầu của dự án.
Tuy nhiên, ở từng loại vật liệu để bảo đảm cung cấp theo nhu cầu, tiến độ đều có những khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ như mỏ có giấy phép thì trữ lượng thấp hoặc ở xa, không được áp dụng cơ chế đặc thù nâng công suất; mỏ ở gần có thể khai thác thì giấy phép hết hạn hoặc chưa có giấy phép, chưa đấu giá...
Thí dụ, trữ lượng các mỏ đá đã khảo sát lên tới 280 triệu m3, trong khi nhu cầu cho dự án chỉ là hơn 7,5 triệu m3. Tuy nhiên, khó khăn chính là cự ly vận chuyển đá đến vị trí thi công xa từ 50-80km.
Thảo luận tại hội nghị, lãnh đạo các bộ và các tỉnh tham dự đều khẳng định, quan điểm chung là có trách nhiệm tham gia, phối hợp và cố gắng tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất, bảo đảm đủ vật liệu phục vụ thi công dự án.
Thứ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Quý Kiên cho rằng, nhu cầu vật liệu dự án chỉ chiếm khoảng 10% trữ lượng của các mỏ đã khảo sát, cho nên việc cung cấp đủ vật liệu thi công Vành đai 4 là hoàn toàn trong tầm tay.
Đối với các mỏ phục vụ dự án, trừ cát sỏi lòng sông, được áp dụng cơ chế đặc thù có thể tăng công suất lên 200-300%. Các mỏ mới mở chỉ đăng ký khối lượng là có thể khai thác, không cần báo cáo đánh giá tác động môi trường.
Ngoài ra, nếu chủ mỏ không cung cấp cho dự án, mà không có lý do chính đáng thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có quyền thu hồi giấy phép khai thác mỏ đó.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình Đinh Công Sứ cho biết, tỉnh sẽ thực hiện với trách nhiệm cao để hỗ trợ cung cấp vật liệu phục vụ Dự án Vành đai 4 bảo đảm tiến độ, chất lượng, hiệu quả và quy định.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam Nguyễn Đức Vượng cho biết, tỉnh xác định, dự án Vành đai 4 là dự án trọng điểm quốc gia rất quan trọng, là trách nhiệm chung của các địa phương...
Tỉnh có trữ lượng vật liệu khoảng 500 triệu tấn, năng lực khai thác hằng năm khoảng 20 triệu tấn; mặc dù nhu cầu trên địa bàn cũng lớn, nhưng Hà Nam sẵn sàng chia sẻ để phục vụ Dự án Vành đai 4.
Kết luận buổi làm việc, đồng chí Đinh Tiến Dũng cho biết, thời gian qua, Hà Nội đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc thực hiện công tác giải phóng mặt bằng.
Đến thời điểm này, có thể tự tin khẳng định, Hà Nội sẽ có từ 70% mặt bằng sạch trở lên để khởi công dự án đúng như kế hoạch vào ngày 30/6/2023. “Chúng tôi dự kiến khởi công Vành đai 4 tại 4 điểm.
Ban Chỉ đạo hoan nghênh tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên đang cố gắng để có thể khởi công dự án; hy vọng có thể khởi công trên toàn tuyến vào tháng 6 tới”, đồng chí Đinh Tiến Dũng nói.
Về vấn đề mỏ vật liệu phục vụ thi công dự án, Trưởng ban Chỉ đạo khẳng định sẽ báo cáo đề xuất, kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ cho phép mở rộng địa bàn các tỉnh (ngoài Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh) có mỏ vật liệu đáp ứng yêu cầu có thể cung cấp phục vụ thi công Dự án Vành đai 4 được áp dụng cơ chế đặc thù như Nghị quyết số 60/NQ-CP ngày 16/6/2021 và Nghị quyết số 133/NQ-CP ngày 19/10/2021 của Chính phủ.
Thứ hai là kiến nghị cho phép nhà thầu bổ sung thực hiện xây lắp trong dự án thành phần 3 (đối tác công tư-PPP) cũng được hưởng các chính sách đặc thù liên quan vật liệu xây dựng như các nghị quyết nêu trên.
Ban Chỉ đạo thống nhất giao cho Tư vấn làm việc với Ban Chỉ đạo các tỉnh lên phương án về các mỏ vật liệu xây dựng phục vụ thi công Dự án Vành đai 4, cụ thể từng mỏ, từng vị trí, công suất, sản lượng theo tiến độ; trong đó, phải bảo đảm nguyên tắc ưu tiên các mỏ gần nhất, dễ khai thác nhất và quan trọng là giá rẻ nhất.
Cho rằng tiến độ phê duyệt các dự án thành phần đang chậm so yêu cầu của Chính phủ, Bí thư Thành ủy Hà Nội đề nghị các bộ, nhất là Bộ Tài nguyên và Môi trường đẩy nhanh tiến độ thẩm định các dự án thành phần, nhất là các báo cáo đánh giá tác động môi trường mà các địa phương đã trình hồ sơ.
Về tổng mức đầu tư dự án thành phần, Trưởng ban Chỉ đạo một lần nữa nêu rõ quan điểm đã thống nhất là căn cứ vào thực tế để tính toán, trường hợp vượt tổng mức dự toán ban đầu thì được phép sử dụng ngân sách địa phương.
Đồng chí lưu ý trong quá trình thực hiện công tác giải phóng mặt bằng phải đặc biệt chú ý xác định chính xác về nguồn gốc đất và diện tích đất, làm chỉn chu, tránh để xảy ra sai sót.
Quá trình thực hiện giải phóng mặt bằng có thể tham khảo kinh nghiệm hay của tỉnh Bắc Ninh như tách riêng phần di chuyển mồ mả thành dự án riêng hay kinh nghiệm của Hà Nội trong việc huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, ưu tiên dành vị trí đất đấu giá, trong các vị trí đất đấu giá lại chọn vị trí đất tốt nhất để làm đất tái định cư cho dân.