Tạo “luồng xanh” để du lịch cất cánh

NDO -

Ngày 11/3, tại Hà Nội, Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp (Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)) phối hợp Tổng cục Du lịch tổ chức Diễn đàn “Luồng xanh cho du lịch cất cánh”, chuyên đề I: Mở cửa du lịch linh hoạt-an toàn-hiệu quả theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Tổng cục trưởng Du lịch Nguyễn Trùng Khánh phát biểu tại diễn đàn.
Tổng cục trưởng Du lịch Nguyễn Trùng Khánh phát biểu tại diễn đàn.

Diễn đàn thu hút sự tham dự của lãnh đạo Tổng cục Du lịch Việt Nam, Bộ Y tế, Bộ Ngoại giao, Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không, Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Sở Du lịch các địa phương và nhiều doanh nghiệp lữ hành, khách sạn.

Phát biểu khai mạc diễn đàn, bà Trần Thị Lan Anh, Tổng thư ký VCCI khẳng định: Thế giới đã bước vào năm thứ ba của đại dịch Covid-19 và trước những diễn biến vẫn còn phức tạp hiện nay, chắc chắn việc sống chung với Covid-19 sẽ còn kéo dài. Hơn 2 năm qua, do tác động của đại dịch, du lịch Việt Nam đang phải đối mặt với những khó khăn chưa từng có. Tuy vậy, trước làn sóng mở cửa toàn cầu, thời điểm này chính là cơ hội đặc biệt để ngành đón đầu nhu cầu du lịch, nhất là khi Việt Nam là một trong 10 nước có tỷ lệ tiêm vaccine phòng Covid-19 cao nhất thế giới, lượng tìm kiếm quốc tế về du lịch Việt Nam đang tăng mạnh.

“Đối với doanh nghiệp, việc được quan tâm nhất lúc này là mở cửa như thế nào để vừa không làm du khách ngại ngần vì thêm các thủ tục, vừa bảo đảm an toàn sức khỏe cho người dân, nhất là khi Tổ chức Y tế Thế giới cảnh báo, đại dịch Covid-19 chưa thể kết thúc trong năm nay”, Tổng thư ký VCCI chia sẻ.

Với 3 phiên: Chính sách mở đường, Tận dụng thời cơ-Kiến nghị từ doanh nghiệp, Đối thoại; các diễn giả và đại biểu tham dự diễn đàn đã trao đổi, chia sẻ nhiều kiến nghị, giải pháp để có thể khơi thông hoạt động du lịch khi mở cửa hoàn toàn, bảo đảm tiêu chí thích ứng linh hoạt, an toàn và hiệu quả.

Tạo “luồng xanh” để du lịch cất cánh -0

Toàn cảnh diễn đàn “Luồng xanh cho du lịch cất cánh”.

Theo Tổng cục trưởng Du lịch Nguyễn Trùng Khánh: Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tại Thông báo kết luận số 43/TB-VPCP ngày 16/2/2022 về phương án mở cửa lại hoạt động du lịch trong điều kiện mới, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã hoàn thiện phương án mở cửa lại hoạt động du lịch bảo đảm an toàn, hiệu quả trong điều kiện bình thường mới từ ngày 15/3 với việc mở cửa lại hoạt động du lịch quốc tế và nội địa thông qua đường không, đường bộ, đường biển, đường sắt bảo đảm an toàn, phù hợp với các quy định phòng, chống dịch Covid-19.

Tuy nhiên, đối với yêu cầu bảo đảm an toàn y tế cho khách nhập cảnh vẫn còn có một số ý kiến khác nhau của Bộ Y tế. Vì vậy, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. Việc mở lại hoạt động du lịch cần bảo đảm bám sát chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 28/TB-VPCP ngày 28/01/2022, đó là “Hoạt động du lịch được mở lại sớm nhất có thể nhưng không ồ ạt, có tổ chức chặt chẽ và bảo đảm lộ trình, an toàn, khoa học, phù hợp, hiệu quả; không cầu toàn, không nóng vội và phải thực hiện đồng bộ, nhất quán”.

Theo Tổng cục trưởng Du lịch, trước bối cảnh dịch bệnh ở Việt Nam đang trong tầm kiểm soát, đây sẽ là điều kiện tiên quyết mở ra cơ hội lớn cho ngành du lịch mau chóng tái khởi động, phục hồi và phát triển trong giai đoạn bình thường mới.

Để tạo “luồng xanh’’ cho du lịch Việt Nam, cần chú ý một số vấn đề sau: bảo đảm việc tuân thủ thống nhất các quy định phòng, chống dịch phải được các địa phương, doanh nghiệp du lịch quán triệt triển khai thống nhất và được xem là nội dung ưu tiên hàng đầu trong hoạt động du lịch; tăng cường khai thác các đường bay thương mại quốc tế; khôi phục các chính sách đơn giản hóa thủ tục nhập xuất cảnh cho khách du lịch để thu hút khách quốc tế, gỡ bỏ các hạn chế về chính sách nhập cảnh; tăng cường đàm phán với các nước, vùng lãnh thổ về việc chấp nhận chứng nhận tiêm chủng Covid-19 của Việt Nam; nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch, tăng cường bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ nhân sự để đảm bảo chất lượng phục vụ khách du lịch; cải thiện năng lực cạnh tranh, nâng cao sức hấp dẫn điểm đến; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch; tiếp tục xây dựng, áp dụng các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp du lịch phục hồi.