Trong báo cáo của ADB có tiêu đề “Phục hồi kinh tế hậu đại dịch Covid-19 ở Ðông Nam Á”, định chế tài chính này đã nhận định tích cực về khả năng phục hồi mạnh mẽ của các nền kinh tế ASEAN thời gian tới. Báo cáo đồng thời khảo sát các cơ hội tăng trưởng, chiến lược ngành và cải cách ưu tiên có thể giúp các quốc gia thành viên ASEAN thúc đẩy phục hồi kinh tế trong trung hạn…
Trước khi ADB đưa ra đánh giá nêu trên, dự báo của các định chế tài chính khác cũng lạc quan về triển vọng tăng trưởng của các nền kinh tế ở khu vực Ðông Nam Á. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) mới đây dự báo năm 2022, nhóm nước đạt tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) ASEAN sẽ gồm Việt Nam (7,2%), Philippines (6,5%), Malaysia và Campuchia cùng đứng thứ ba với mức tăng trưởng dự báo đạt 6%. Trong khi đó, theo dự báo của May Bank (Malaysia), GDP năm 2022 của ASEAN-5 (gồm năm nước Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Việt Nam, Philippines) sẽ tăng 5,6% và nếu dự báo này trở thành hiện thực, thì lần đầu tiên kể từ năm 1990, mức tăng trưởng GDP của ASEAN có thể bắt kịp mức tăng trưởng GDP của Trung Quốc vào năm 2022 được dự báo là 5%.
Tuy nhiên, giới phân tích cũng cho rằng, chặng đường phục hồi phía trước của các nền kinh tế ASEAN vẫn còn không ít chông gai. Tổng Giám đốc ADB khu vực Ðông Nam Á Ramesh Subramaniam nhận định những rủi ro đối với triển vọng phục hồi trong khu vực bao gồm những tác động tiêu cực từ cuộc xung đột tại Ukraine khiến giá dầu tăng vọt; sự xuất hiện các biến thể của vi-rút SARS-CoV-2 khiến đại dịch Covid-19 diễn biến khó lường, làm gián đoạn chuỗi cung ứng và sản xuất, giảm niềm tin của doanh nghiệp cũng như hạn chế tốc độ tăng năng suất lao động… Ðể tạo động lực tăng trưởng kinh tế bền vững, ông Subramaniam khuyến cáo các chính phủ tại Ðông Nam Á cần can thiệp theo ngành nghề và tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, cải thiện cơ sở hạ tầng và liên kết nội vùng mạnh mẽ hơn nữa.
Các chuyên gia của ADB trong bản báo cáo cuối tuần qua cũng nhấn mạnh rằng, đại dịch Covid-19 đã tạo ra những thách thức mới đối với ngành du lịch. Bởi vậy, để vực dậy “ngành công nghiệp không khói” này, các nước Ðông Nam Á cần kích cầu du lịch thông qua các chiến dịch tiếp thị mạnh mẽ, tiêu chuẩn du lịch an toàn hơn, dịch vụ du lịch đa dạng hơn, tuyển chọn nhân lực có trình độ chuyên môn cao hơn… Bên cạnh đó, các nước trong khu vực cần chú trọng phát triển thương mại điện tử - ngành đang có tiềm năng phát triển mạnh mẽ ở Ðông Nam Á. Ðồng thời, cần nâng cao tính năng động của ngành công nghiệp điện tử, xây dựng các chính sách hỗ trợ cụ thể cho ngành như phối hợp nhịp nhàng hơn giữa doanh nghiệp địa phương, các công ty quốc tế và chính phủ…
Tháo gỡ các nút thắt và xác định những ưu tiên để bảo đảm kinh tế khu vực phục hồi mạnh mẽ, bền vững trong thời gian tới đã trở thành chủ đề được quan tâm hàng đầu tại các nước Ðông Nam Á trong thời gian gần đây. Tại Hội nghị Bộ trưởng Tài chính ASEAN 26 do Campuchia chủ trì mới đây, các đại biểu tham dự đã vạch ra ba ưu tiên hành động của ASEAN, gồm: hồi phục kinh tế, thích ứng linh hoạt và gắn kết. Với tư cách nước Chủ tịch luân phiên ASEAN 2022, Campuchia khẳng định sẽ quan tâm chặt chẽ việc tăng cường hợp tác giữa các nước thành viên ASEAN để thúc đẩy thương mại và xúc tiến đầu tư, hỗ trợ hội nhập tài chính ASEAN một cách sâu rộng với các đối tác, thúc đẩy triển khai các hệ thống thanh toán xuyên biên giới trong khu vực và tăng cường hỗ trợ tài chính bền vững để huy động thêm nguồn lực cho hồi phục kinh tế.
Kinh tế khu vực và thế giới vừa trải qua khủng hoảng do “cơn bạo bệnh” nghiêm trọng mang tên Covid-19. Trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc gặp nhiều khó khăn do chưa thể từ bỏ chính sách “zero Covid”, kinh tế châu Âu đang chao đảo bởi cuộc xung đột tại Ukraine, lạm phát đang tăng cao tại Mỹ và nhiều quốc gia khác…, việc hợp tác chặt chẽ giữa các quốc gia ASEAN để tạo động lực tăng trưởng bền vững cho kinh tế khu vực là hết sức quan trọng. Một khu vực ASEAN có nền kinh tế năng động, bền vững không chỉ đóng góp vào tăng trưởng chung của kinh tế toàn cầu, mà còn giúp khối giữ vững được “vai trò trung tâm” trong các cơ chế hợp tác đa phương ở khu vực Ấn Ðộ Dương-Thái Bình Dương.