Tạo điều kiện để các tôn giáo phát huy tối đa nguồn lực

Trong quá khứ và hiện tại, các tôn giáo ở Việt Nam đã tích cực tham gia các cuộc vận động thi đua yêu nước, các phong trào và các hoạt động tốt đời đẹp đạo…, qua đó góp phần quan trọng vào công cuộc chung, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Để hiểu rõ thêm về vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi ý kiến với PGS, TS Nguyễn Hồng Dương, nguyên Viện trưởng Nghiên cứu Tôn giáo-Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam.
0:00 / 0:00
0:00
Thượng tọa Thích Nhật Tứ, Phó Viện trưởng Thường trực Học viện Phật học Việt Nam tại TP Hồ Chí Minh, Trưởng nhóm điều phối tình nguyện Phật giáo dặn dò tình nguyện viên Phật giáo. Ảnh: TTXVN
Thượng tọa Thích Nhật Tứ, Phó Viện trưởng Thường trực Học viện Phật học Việt Nam tại TP Hồ Chí Minh, Trưởng nhóm điều phối tình nguyện Phật giáo dặn dò tình nguyện viên Phật giáo. Ảnh: TTXVN
Tạo điều kiện để các tôn giáo phát huy tối đa nguồn lực ảnh 1

- Xin ông cho biết đánh giá về những đóng góp của tôn giáo trong các cuộc vận động thi đua yêu nước của nhân dân Việt Nam?

- Khi dân tộc ta bước vào hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ thì tôn giáo có vai trò rất lớn. Nghe theo lời kêu gọi, hiệu triệu của Chủ tịch Hồ Chí Minh dân tộc ta tiến hành cuộc kháng chiến toàn dân-toàn diện trong chín năm để đấu tranh chống thực dân Pháp, trong thời gian này chính quyền cách mạng đã nhận được sự nhiệt liệt hưởng ứng của đông đảo đồng bào các tôn giáo.

Các tổ chức tôn giáo yêu nước ra đời như Phật giáo cứu quốc, Công giáo cứu quốc. Nhiều tín đồ của các tôn giáo đã hăng hái tham gia cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Có thể nói đến những tấm gương tiêu biểu như: Linh mục Phạm Bá Trực (1898-1954), hòa thượng Thích Thế Long (1909-1985), hòa thượng Kim Cương Tử (1914-2001), mục sư Bùi Hoành Thử (1913-1996), Trưởng pháp Cao Triều Phát (1889-1956)…

Trường hợp linh mục Phạm Bá Trực là một điển hình của đạo Công giáo. Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, linh mục đã mang hết tâm huyết, tài lực để giúp dân, giúp nước, mọi việc làm của linh mục luôn kết hợp giữa đạo đức bác ái theo lời Chúa dạy với truyền thống yêu nước của dân tộc. Ông đã được Đảng và Nhà nước tin tưởng giao trọng trách Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội. Rất tiếc là khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp sắp kết thúc thì ông bị bệnh nặng và qua đời, trước khi mất linh mục Phạm Bá Trực chỉ mong làm sao nước nhà sớm độc lập thống nhất.

Với Phật giáo, trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đã có hàng chục nhà sư "cởi áo cà sa khoác chiến bào", tiêu biểu là các nhà sư ở chùa Cổ Lễ, Nam Định. Rất nhiều ngôi chùa đã trở thành cơ sở để nuôi giấu cán bộ, là nơi thành lập chi bộ Đảng, lực lượng vũ trang, du kích, đào hầm bí mật trong chùa để nuôi giấu cán bộ. Một số chùa ở Thái Nguyên là nơi ra đời của các tổ chức cứu quốc quân. Sang đến cuộc kháng chiến chống Mỹ, một số nhà sư đã lên đường vào nam, chống đế quốc Mỹ.

- Theo ông, những nguyên nhân, động lực nào khiến các tôn giáo dấn thân trong các cuộc vận động thi đua yêu nước?

- Các tôn giáo đều hiểu rằng, chính dân tộc này, mảnh đất này, là nơi nuôi sống các tín đồ và là nơi phát triển của mỗi tôn giáo. Do đó, các tôn giáo phải gắn bó với dân tộc thì người dân mới hưởng ứng. Ở Việt Nam, dù là tôn giáo nội sinh hay tôn giáo ngoại nhập, thì người Việt Nam chỉ chấp nhận những tôn giáo nào gắn bó, đồng hành cùng dân tộc. Chẳng hạn, Công giáo là một trong những tôn giáo ngoại nhập nhưng tín đồ Công giáo Việt Nam có một quan niệm rằng: Trước khi là người Công giáo thì tôi đã là người Việt Nam. Hay với trường hợp đạo Phật, với tinh thần khế ký, khế cơ, khế thời, khế xứ, các tín đồ Phật giáo sớm nhận ra phải yêu quý và gìn giữ đất nước Việt Nam nơi mà đạo Phật được truyền bá và phát triển. Các tôn giáo ở Việt Nam luôn xác định rõ hai vai trò của mình, đó là vai trò của công dân và vai trò của tín đồ. Tóm lại, chỉ có sống tốt đời, đẹp đạo thì tôn giáo mới được quần chúng đón nhận, tham gia và gắn bó. Như Bác Hồ nói, nước có độc lập thì tôn giáo mới được tự do.

- Vậy, vai trò của tôn giáo trong cuộc vận động thi đua yêu nước ở thời điểm hiện tại có khác gì so với các giai đoạn trước, thưa ông?

- Sau khi đất nước thống nhất thì có các phong trào như toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, đây là một phong trào do Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động. Trên cơ sở đó, các tôn giáo phát động các phong trào như: xứ đạo bình yên, xứ đạo an ninh, xứ đạo không có ma túy. Trong mỗi giai đoạn khác nhau, tùy theo nhiệm vụ của đất nước và dân tộc, thì các tôn giáo đều có những ủng hộ và thay đổi về các hoạt động thể hiện lòng yêu nước của mình. Một thí dụ điển hình là trong đại dịch Covid-19 vừa qua, nhiều tín đồ và các tổ chức tôn giáo đã đóng góp công sức, tài chính để cùng đất nước đẩy lùi dịch bệnh. Nhiều cơ sở tôn giáo đã được dùng làm nơi để đón nhận các bệnh nhân. Tôi cho đây là việc làm hết sức hữu ích.

- Vậy ông có suy nghĩ gì để phát huy hết vai trò của tôn giáo trong cuộc vận động thi đua yêu nước hiện nay?

- Như chúng ta đã biết, Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, có nói đến vấn đề nguồn lực tôn giáo. Thiết nghĩ, để phát huy được những nguồn lực này, cần phải có quan điểm và chính sách phù hợp, làm sao phải tạo điều kiện để cho các tôn giáo phát huy một cách tối đa nguồn lực của mình vào việc phát triển, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Hiện nay, một điều mà chúng ta đang thấy rất rõ, là những đóng góp của tôn giáo về từ thiện, y tế. Nhưng chúng ta vẫn chỉ cho phép nguồn lực tôn giáo trong lĩnh vực y tế với việc mở các phòng khám nhỏ lẻ, theo tôi trong thời gian tới, một số tôn giáo như Phật giáo và Công giáo nếu có điều kiện thì nên để cho họ mở các bệnh viện. Đó không chỉ là nơi chữa bệnh cho các bậc chức sắc, tu hành mà còn là nơi chữa bệnh cho người nghèo.

Trong lĩnh vực giáo dục, theo tôi cần thiết phải cho tôn giáo tham gia vào việc giáo dục phổ thông, đại học thậm chí là sau đại học. Nhiều quốc gia trên thế giới đã làm tốt vấn đề này. Cuối cùng, hệ thống chính sách pháp luật cần sớm có các quy định cụ thể, rõ ràng và nhất quán để khuyến khích các tổ chức tôn giáo hợp pháp đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước qua việc tham gia xã hội hóa các hoạt động y tế, giáo dục, bảo trợ xã hội, dạy nghề.

- Xin trân trọng cảm ơn ông.