Tạo cơ chế đồng bộ trong xử lý nợ xấu, tái cơ cấu hệ thống ngân hàng

NDO -

Ngày 30-9, tại Hà Nội, đã diễn ra Diễn đàn Toàn cảnh ngân hàng Việt Nam 2020 với chủ đề “Tái cơ cấu, xử lý nợ xấu: Kết quả và khuyến nghị chính sách”. Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Nguyễn Kim Anh tham dự và phát biểu khai mạc Diễn đàn. 

Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh phát biểu tại Diễn đàn.
Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh phát biểu tại Diễn đàn.

Phát biểu tại Diễn đàn, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh khẳng định, Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21-6-2017 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tính dụng (Nghị quyết 42) là văn bản có giá trị pháp lý rất quan trọng.

Lần đầu tiên, các vấn đề vướng mắc về pháp lý của ngành ngân hàng liên quan đến xử lý nợ xấu và xử lý tài sản bảo đảm đã kéo dài nhiều năm qua được giải quyết trong một văn bản của Quốc hội, tạo cơ chế đồng bộ, thống nhất, hiệu quả, khả thi nhằm bảo đảm quyền của chủ nợ trong xử lý nợ xấu. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tín dụng (TCTD) phát huy tốt vai trò là kênh dẫn vốn chủ đạo, đáp ứng nhu cầu vốn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của nền kinh tế.

Cùng với đó, Quyết định 1058/QĐ-TTg ngày 19-7-2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020 (Đề án 1058) tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được và những bài học kinh nghiệm từ thực tế triển khai tái cơ cấu hệ thống các TCTD và xử lý nợ xấu. Theo đó, tập trung vào việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, cơ chế, chính sách về tiền tệ và hoạt động ngân hàng nhằm đổi mới mạnh mẽ và toàn diện các TCTD. Trong đó, đặc biệt chú trọng đổi mới mô hình quản trị, điều hành; nâng cao năng lực tài chính, tăng cường năng lực đánh giá, kiểm soát rủi ro; chuyển đổi mô hình kinh doanh theo hướng đa dạng và hiện đại hóa các sản phẩm dịch vụ; tăng cường đổi mới công tác thanh tra, giám sát ngân hàng; cơ cấu lại các TCTD theo từng nhóm.

Cũng theo Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh, đến nay, Nghị quyết 42 và Quyết định 1058 đã đi vào triển khai được hơn ba năm, có thể khẳng định các giải pháp đồng bộ trong văn bản quy phạm trên đã tạo ra những dấu ấn rõ nét và chuyển biến tích cực trong công tác xử lý nợ xấu và cơ cấu lại các TCTD gắn với các mục tiêu phát triển ngành ngân hàng trong thời gian tới, thể hiện định hướng, chính sách đúng đắn của Quốc hội và Chính phủ, tạo niềm tin đối với hệ thống các TCTD nói riêng và của cả xã hội nói chung.

Về kết quả cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu, theo ông Trần Đăng Phi, Phó Chánh Thanh tra (Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng - NHNN), đến nay, khuôn khổ pháp lý về tiền tệ, ngân hàng và xử lý nợ xấu được hoàn thiện phù hợp chuẩn mực quốc tế và thực tiễn tại Việt Nam; sự ổn định, an toàn của hệ thống các TCTD được giữ vững. Quy mô, năng lực tài chính, năng lực quản trị, điều hành được nâng cao, mở rộng, phù hợp thông lệ quốc tế. Tính minh bạch trong hoạt động tín dụng của TCTD từng bước được cải thiện. Chất lượng tín dụng được cải thiện, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của các TCTD giảm dần qua các năm. Cụ thể, tỷ lệ nợ xấu nội bảng năm 2016 là 2,46% tổng dư nợ nền kinh tế; năm 2017 là 1,99%; năm 2018 và 2019 là 1,89%. Tính đến cuối tháng 8-2020, tỷ lệ nợ xấu nội bảng các TCTD là 1,96%, tăng so cuối năm 2019.

“Nguyên nhân chính khiến nợ xấu nội bảng các TCTD tăng từ đầu năm là do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Tuy nhiên, xu hướng những năm gần đây của tỷ lệ nợ xấu nội bảng vẫn là giảm liên tục”, ông Trần Đăng Phi nêu rõ.