Tạo “bệ đỡ” cho ngành dầu khí phát triển

Là một trong những doanh nghiệp chủ lực của nền kinh tế đất nước, mỗi năm Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đóng góp cho ngân sách hàng trăm nghìn tỷ đồng. Hiện ngành dầu khí đang phải đối diện với nhiều khó khăn trong quá trình đầu tư, mở rộng sản xuất,... do những rào cản về  pháp lý. Do đó, Nhà nước cần khẩn trương nghiên cứu và “cởi trói” những vướng mắc nhằm giúp ngành phát triển.

Giàn khai thác dầu khí của Tổng công ty Thăm dò khai thác dầu khí (PVEP).
Giàn khai thác dầu khí của Tổng công ty Thăm dò khai thác dầu khí (PVEP).

Khác với dự án đầu tư thông thường, dự án dầu khí thường có quy mô lớn, được xếp vào nhóm dự án quan trọng quốc gia, công nghệ cao và đi kèm những rủi ro lớn. 

Bên cạnh sự điều chỉnh của Luật Dầu khí (ban hành năm 1993; sửa đổi, bổ sung một số điều vào các năm 2000 và 2008), các dự án dầu khí còn chịu chi phối chồng chéo của nhiều luật và các văn bản dưới luật. 

Cản trở đầu tư

Tổng Giám đốc PVN Lê Mạnh Hùng cho biết, hoạt động thăm dò khai thác dầu khí đang phải đối mặt với khó khăn về điều kiện kỹ thuật, địa chất, tình hình triển khai thực địa. Đặc biệt, cơ chế, chính sách pháp luật về dầu khí không còn phù hợp tình hình mới, không đủ khuyến khích các nhà đầu tư phát triển các mỏ nhỏ, mỏ cận biên hay áp dụng các giải pháp để tận thăm dò, nâng cao hệ số thu hồi dầu (EOR). 

Mặc dù Luật Dầu khí thể hiện khá đầy đủ các giai đoạn, bước thực hiện đối với dự án thăm dò khai thác dầu khí nhưng chưa chỉ rõ các thủ tục đầu tư đầy đủ khi một doanh nghiệp nhà nước như PVN hay đơn vị trực thuộc có tham gia đầu tư vào dự án dầu khí, trong khi Luật Đầu tư cũng không quy định. 

Chính sự chồng chéo, thiếu quy định đã khiến việc triển khai các dự án thăm dò khai thác dầu khí gặp khó khăn, nhiều doanh nghiệp nước ngoài “nản chí” khi có ý định đầu tư vào các dự án loại này, nhất là khi điều kiện khai thác hiện nay chủ yếu là mỏ nhỏ, ở vùng nước sâu, xa bờ đòi hỏi chi phí lớn. 

Việc thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong lĩnh vực thăm dò khai thác những năm gần đây gần như “giẫm chân tại chỗ”. Trong giai đoạn 2016-2020, PVN chỉ ký được 8 hợp đồng dầu khí mới, chưa bằng một phần ba so giai đoạn 2010-2015 khi ký 27 hợp đồng dầu khí mới. 

Đề cập tới vấn đề này, Tổng Giám đốc PVN Lê Mạnh Hùng cũng cho biết, bên cạnh quy định chồng chéo tại các văn bản quy phạm pháp luật làm cản trở quá trình đầu tư, đẩy mạnh sản xuất thì Luật Quản lý sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (Luật 69/2014/QH13) quy định đối với các dự án nhóm A cần phải có chấp thuận của đại diện chủ sở hữu trước khi chủ đầu tư quyết định đầu tư. 

Với đặc thù của ngành khi Nhà nước vừa quản lý đầu tư, vừa quản lý tài nguyên, Luật Dầu khí quy định rất chặt chẽ các bước thực hiện dự án thăm dò khai thác dầu khí, toàn bộ các thay đổi của hợp đồng dầu khí cần được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, các bước đầu tư dự án thăm dò khai thác dầu khí (ODP, EDP, FDP) khi thẩm định đều có sự tham gia của đại diện các bộ, ngành liên quan và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp. 

Vì vậy, việc yêu cầu phải trình và đạt được chấp thuận của đại diện chủ sở hữu trước khi quyết định đầu tư theo Luật 69/2014/QH13 sẽ dẫn đến doanh nghiệp sử dụng vốn có nguồn gốc vốn nhà nước phải trình phê duyệt dự án theo hai quy trình thủ tục khác nhau, làm kéo dài thời gian phê duyệt, nhiều khi không khả thi vì tiến độ và nội dung phê duyệt theo hai quy trình không giống nhau. Đây chính là khó khăn khiến việc triển khai đầu tư các dự án thăm dò khai thác đang bị chậm trễ.

Cần cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp

Phó Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam Nguyễn Quốc Thập khẳng định, do luật quy định chồng chéo khiến thủ tục đầu tư gặp khó khăn. Theo quy định tại Luật 69/2014/QH13, các dự án hơn 2.300 tỷ đồng thuộc thẩm quyền Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. 

Trong khi đó, Điều lệ của PVN cũng như các quy định khung mẫu tại các nghị định của Luật Doanh nghiệp quy định doanh nghiệp được quyết các dự án đầu tư tới 50% vốn điều lệ. Ngoài ra, Luật Đầu tư cho rằng hoạt động đầu tư phải tuân theo luật chuyên ngành, trong khi Luật Dầu khí hiện hành chưa có điểm nào quy định về mức đầu tư. 

Khi PVN đầu tư các dự án sẽ gặp nhiều khó khăn, bởi phần lớn đều là dự án có quy mô hơn 2.300 tỷ đồng. Trong quá trình xem xét, đánh giá, thẩm định các dự án dầu khí xuất hiện tình trạng đưa lên, đặt xuống và cuối cùng không quyết được. Chính vì vậy, PVN phải được quyền quyết định các dự án đầu tư trong lĩnh vực thăm dò, khai thác dầu khí có tổng mức đầu tư tới 50% vốn điều lệ. 

Khi đó PVN sẽ sử dụng luật chuyên ngành đúng tinh thần của Luật Đầu tư quy định và sẽ giải quyết được các vướng mắc còn lại. Nếu dự án vượt mức 50% vốn điều lệ, PVN có trách nhiệm báo cáo cơ quan đại diện chủ sở hữu. 

Đồng thời đề xuất, Thủ tướng Chính phủ chỉ phê duyệt những dự án phát triển mỏ có quy mô từ 3 tỷ USD, Bộ trưởng Công thương phê duyệt dự án từ 1-3 tỷ USD, còn dưới 1 tỷ USD giao cho PVN quyết định.

Theo kết quả nghiên cứu của Viện Dầu khí Việt Nam, không chỉ các dự án thượng nguồn gặp khó khăn mà việc triển khai dự án dầu khí ở lĩnh vực trung và hạ nguồn như chế biến khí, điện khí cũng gặp “trắc trở” bởi sự chồng chéo về văn bản quy phạm pháp luật và một loạt thông tư hướng dẫn của các bộ, ngành liên quan. 

Đề cập tới vấn đề này, ông Nguyễn Quốc Thập cho rằng, Luật Dầu khí mới cần tập trung vào những nội dung then chốt như sửa đổi luật theo hướng thu hút được các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài nhiều hơn. 

Trong đó, cần quy định thêm cơ chế chia sẻ lợi nhuận, chia sẻ rủi ro với nhà đầu tư. Đồng thời, có các điều khoản linh hoạt, nhất là về cách tính thuế, tỷ lệ ăn chia phần trăm. Tiếp đến, nhanh chóng xóa bỏ những vướng mắc để đẩy mạnh hoạt động thăm dò khai thác dầu khí. 

Hiện nay, số lượng dầu khí đã phát hiện còn khoảng 200 triệu tấn dầu nhưng chủ yếu nằm ở các mỏ nhỏ, mỏ cận biên và ở những mỏ đang khai thác. Muốn khai thác được trữ lượng này, cần phải đầu tư công nghệ, gia tăng hệ số thu hồi, cần phải đầu tư thông minh. 

Ngoài ra, luật cũng cần quy định rõ vai trò, vị trí pháp lý của PVN là đại diện nước chủ nhà như nhiều quốc gia khác đang làm. Điều này giúp đối tác yên tâm hơn, đồng thời tạo điều kiện để các bên dễ dàng thực hiện dự án, xử lý kịp thời những vướng mắc phát sinh,... 

“Tiềm năng dầu khí nước ta còn rất lớn. Riêng năm 2021, ngành dầu khí đóng góp cho ngân sách hơn 112 nghìn tỷ đồng (gần 5 tỷ USD), ngoài ra, lãi trước thuế của PVN khoảng 45 nghìn tỷ đồng (gần 2 tỷ USD). Nếu luật mới ra đời với các cơ chế thông thoáng không chỉ giúp doanh nghiệp phát triển mà ngành dầu khí còn tiếp tục đóng góp lớn hơn cho ngân sách nhà nước”-ông Nguyễn Quốc Thập nhấn mạnh.

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 2/2022 và cơ bản thống nhất quan điểm về các vấn đề lớn của dự án Luật Dầu khí.  

Đồng thời, yêu cầu Bộ Công thương phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan hoàn thiện dự án luật theo hướng hoàn thiện quy định nguyên tắc các vấn đề tài chính cho PVN nhằm minh bạch cơ chế tài chính đặc thù của PVN, bảo đảm thống nhất, đồng bộ với pháp luật ngân sách nhà nước, kế toán, kiểm toán và bảo đảm lợi ích Nhà nước. 

Hoàn thiện quy định phân cấp cho Hội đồng thành viên PVN quyết định, chịu trách nhiệm việc góp vốn tham gia các hợp đồng dầu khí gắn với cơ chế kiểm tra, giám sát chặt chẽ theo thẩm quyền của Bộ Công thương, các bộ liên quan và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp,...