Tăng trưởng sau tái cơ cấu nông nghiệp ở Quảng Ngãi

Sau gần 3 năm thực hiện kế hoạch tái cơ cấu, sản xuất nông nghiệp của tỉnh Quảng Ngãi có bước tăng trưởng khá, cơ cấu nội ngành tiếp tục chuyển dịch đúng hướng và mang lại hiệu quả thiết thực. Diện mạo nông thôn thay đổi rõ rệt, đời sống vật chất và hưởng thụ văn hóa của nông dân được nâng lên, khoảng cách nông thôn và thành thị giảm dần.
0:00 / 0:00
0:00
Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng vùng bãi ngang ven biển Phổ Vinh, thị xã Đức Phổ của Công ty Thiên Hoàng Thịnh.
Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng vùng bãi ngang ven biển Phổ Vinh, thị xã Đức Phổ của Công ty Thiên Hoàng Thịnh.

Điểm nổi bật sau tái cơ cấu là vai trò chủ thể của nông dân được phát huy qua nhiều mô hình, cách làm sáng tạo, góp phần tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả, thích ứng biến đổi khí hậu.

Nhiều mô hình mới

Với bờ biển dài hơn 130 km, gồm sáu cửa biển lớn và một huyện đảo, Quảng Ngãi có nhiều tiềm năng phát triển ngành thủy sản. Những năm qua, tỉnh triển khai thành công nhiều mô hình nuôi tiên tiến, như: Nuôi ghép tôm cá, nuôi ghép tôm-cua-cá, nuôi ghép ốc hương-hải sâm, nuôi ghép cá măng-cá dìa-ốc hương, nuôi thủy sản lồng bè trong vật liệu mới HDPE vùng ven biển đảo Lý Sơn...

Đặc biệt, mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng trên đất cát có lót bạt ở một số vùng trong tỉnh đạt hiệu quả cao, đã mở ra hướng mới cho nghề nuôi tôm ở Quảng Ngãi. Đất cát hoang hóa vùng bãi ngang ven biển từng bước được khai thác tốt, góp phần tăng thu nhập, vươn lên làm giàu cho người dân. Đơn cử, tại vùng bãi ngang ven biển phường Phổ Vinh, thị xã Đức Phổ, Công ty Thiên Hoàng Thịnh đã mạnh dạn đầu tư hạ tầng hệ thống ao nuôi, áp dụng các giải pháp đồng bộ từ thiết kế hệ thống ao, quy trình kỹ thuật nuôi tiên tiến đến kiểm soát nguồn chất lượng con giống, thức ăn, cách thức chăm sóc và kiểm soát môi trường nước nuôi hợp lý nên tôm tăng trưởng nhanh, ngăn ngừa và hạn chế dịch bệnh.

Bà Trương Thị Hoàng Tiên, Giám đốc công ty Thiên Hoàng Thịnh cho biết: Với diện tích nuôi 2 ha, mỗi năm năng suất thu hoạch luôn ổn định từ 40-45 tấn, cỡ tôm thu hoạch 40 con/kg, giá bán bình quân 160 nghìn đồng/kg. Trung bình 1 ha nuôi cho doanh thu khoảng 3,2 tỷ đồng, lợi nhuận khoảng 600 triệu đồng/ha/năm, mang lại nguồn thu nhập khá tốt và ổn định cho công ty. Công ty đang xúc tiến thủ tục đầu tư nuôi 19,5 ha tại vùng ven biển bãi ngang xã Phổ Khánh (thị xã Đức Phổ), đồng thời tiếp tục học hỏi, áp dụng các quy trình, giải pháp, mô hình nuôi mới hơn, tiên tiến hơn.

Song song với nuôi trồng, tỉnh đẩy mạnh khai thác thủy sản hiệu quả, bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái, phù hợp với yêu cầu hội nhập quốc tế, bảo vệ quốc phòng, an ninh trên các vùng biển, hải đảo. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi Hồ Trọng Phương cho biết, ngành nông nghiệp cùng các địa phương tích cực hướng dẫn, vận động ngư dân phát triển các nghề khai thác mới như lưới chụp, câu cá ngừ đại dương, lồng bẫy nhằm khai thác các đối tượng mới, đạt năng suất cao; áp dụng tiến bộ công nghệ trong khai thác, chuyển đổi đối tượng, mùa vụ, ngư trường.

Nhờ vậy, sản lượng khai thác hải sản năm sau luôn cao hơn năm trước. Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021 của ngành thủy sản tăng 3,15%/năm, cơ cấu nghề nghiệp khai thác thủy sản theo hướng tăng dần đội tàu xa bờ với trang thiết bị hiện đại, bám biển dài ngày, giảm dần đội tàu khai thác vùng biển ven bờ và vùng lộng, phát triển tổ đội đoàn kết gắn với dịch vụ hậu cần trên biển, thực hiện các mô hình liên kết thu mua, chế biến tiêu thụ sản phẩm.

Toàn huyện Nghĩa Hành có hơn 729 ha cây ăn quả, trong đó hình thành 32 vườn cây ăn quả với các loại cây chủ lực như bưởi da xanh, sầu riêng, chôm chôm, mít Thái, chuối ngự... Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Nghĩa Hành Đàm Bàng, các loại cây ăn quả đang trồng trên địa bàn huyện sinh trưởng phát triển tốt, chất lượng sản phẩm tương đương với các vùng trồng trong nước; đặc biệt có tính chất trái vụ nên hiệu quả kinh tế cao, khoảng 100-250 triệu đồng/ha/năm. Trong đó, sầu riêng cho lợi nhuận cao nhất, hơn 537 triệu đồng/ha/năm, bưởi da xanh đạt 250,4 triệu đồng/ha/năm, chôm chôm hơn 191 triệu đồng/ha/năm. “Phát triển vùng chuyên canh cây ăn trái không chỉ tạo sự chuyển biến tích cực trong việc cơ cấu lại nền nông nghiệp của huyện, hình thành những điểm tham quan, du lịch trải nghiệm mà còn là cơ hội để người dân tiếp cận những quy trình sản xuất tiên tiến, hiện đại, từng bước nâng cao kỹ năng tay nghề, tự làm chủ trên mảnh đất của mình để vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng”, đồng chí Đàm Bàng khẳng định.

Ở các huyện đồng bằng, thông qua chủ trương dồn điền đổi thửa, các địa phương xây dựng được 287 cánh đồng lớn, với tổng diện tích hơn 5.466 ha; qua đó đưa cơ giới hóa vào sản xuất đã góp phần giải phóng sức lao động nặng nhọc, giảm chi phí sản xuất, bảo vệ môi trường, tạo ra sản phẩm an toàn với giá trị cao, tăng thu nhập cho nông dân. Bên cạnh đó, tỉnh còn chuyển đổi hơn 2.226 ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang cây trồng khác cho giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích sản xuất cao hơn trồng lúa từ 10 đến 20 triệu đồng/ha.

Đối với chăn nuôi, phương thức chăn nuôi quy mô nông hộ nhỏ lẻ dần được chuyển đổi sang quy mô trang trại. Hiện, địa bàn tỉnh có nhiều trang trại chăn nuôi áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn, công nghệ sinh học, công nghệ cao tạo ra một lượng sản phẩm lớn, năng suất cao, chất lượng tốt, thân thiện với môi trường; một số cơ sở chăn nuôi còn liên kết với người nông dân, ký hợp đồng bền vững giúp bà con an tâm sản xuất, lợi nhuận ổn định.

Mang lại lợi ích cho nông dân

Theo ông Hồ Trọng Phương, qua gần ba năm thực hiện kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025 đạt được kết quả khá toàn diện. Điểm nhấn là nông nghiệp của tỉnh đã bắt đầu sản xuất theo định hướng và nhu cầu thị trường; sản xuất gắn liền với bảo đảm an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường; nhiều mô hình sản xuất hiệu quả, an toàn, bền vững được nhân rộng, góp phần nâng cao giá trị sản xuất trên đơn vị đất canh tác.

“Động lực của tái cơ cấu nông nghiệp và chuyển đổi cơ cấu sản xuất là đem lại lợi ích cho nông dân. Do vậy, cần có các cơ chế chính sách phù hợp, tạo tiền đề mang tính đột phá, thúc đẩy phát triển sản xuất. Trong đó, cần có giải pháp, cơ chế tập trung nguồn lực để đầu tư, phát triển các sản phẩm lợi thế, chủ lực thành hàng hóa”, ông Hồ Trọng Phương nhấn mạnh và cho biết thêm, thời gian tới tỉnh sẽ thực hiện chuyển mạnh từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp; từ phát triển đơn ngành sang hợp tác, phát triển đa ngành; thúc đẩy tích hợp đa giá trị trong sản phẩm nông, lâm, thủy sản; chuyển từ chuỗi cung ứng nông sản sang phát triển các chuỗi ngành hàng, phấn đấu đạt mức tăng trưởng ngành nông nghiệp bình quân đạt từ 4-5%/năm.

Để thực hiện thắng lợi mục tiêu này, ngành nông nghiệp đã xây dựng nhiều giải pháp cụ thể cho từng lĩnh vực. Về trồng trọt, tỉnh phát triển các vùng sản xuất hàng hóa chuyên canh quy mô lớn, chất lượng cao gắn với hợp tác, liên kết sản xuất, phát triển chuỗi giá trị; xây dựng mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc và phát triển thương hiệu; áp dụng cơ giới hóa đồng bộ từ khâu sản xuất đến thu hoạch, bảo quản, chế biến theo chuỗi giá trị.

Đối với thủy sản, tỉnh định hướng giảm dần sản lượng khai thác ven bờ, đẩy mạnh khai thác xa bờ phù hợp với trữ lượng nguồn lợi thủy sản; chuyển đổi các nghề xâm hại lớn đến nguồn lợi; đầu tư thiết bị bảo quản chế biến trên tàu cá để giảm tổn thất sau thu hoạch, nâng cao hiệu quả khai thác; gắn khai thác thủy sản với bảo vệ chủ quyền quốc gia trên các vùng biển, đảo của Tổ quốc; tiếp tục khắc phục triệt để các khuyến nghị của EC về chống khai thác IUU; phát triển nuôi hiệu quả các đối tượng chủ lực (tôm sú, tôm thẻ chân trắng) và các loài thủy sản có giá trị kinh tế gắn với lợi thế của từng vùng...

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi Trần Phước Hiền, phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao thu nhập cho nông dân là nhiệm vụ quan trọng cả trước mắt và lâu dài. Do vậy, người đứng đầu cấp ủy phải luôn chăm lo, quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện thật tốt các nhiệm vụ, giải pháp đề ra một cách hiệu quả, sát với tình hình thực tiễn địa phương, để từ đó phát triển toàn diện ngành nông nghiệp tỉnh theo hướng hiện đại, phát huy tính chủ động sáng tạo của người dân trong phát triển nông nghiệp.