Tăng thị phần mỹ phẩm nội

Thị trường hóa mỹ phẩm tại Việt Nam nói chung và TP Hồ Chí Minh nói riêng được đánh giá là tiềm năng với mức tăng trưởng bình quân khoảng 30%/năm trong vài năm trở lại đây. Tuy nhiên, ngay trên "sân nhà", các thương hiệu nước ngoài vẫn đang chiếm phần lớn thị phần, nhất là với đối tượng tiêu dùng cao cấp.

Người tiêu dùng chọn mua mỹ phẩm Thorakao của thương hiệu Lan Hảo - Thorakao.
Người tiêu dùng chọn mua mỹ phẩm Thorakao của thương hiệu Lan Hảo - Thorakao.

Thương hiệu trong nước "lép vế"

Theo Hội Hóa mỹ phẩm TP Hồ Chí Minh, cả nước hiện có hơn 430 doanh nghiệp (DN) và cơ sở hoạt động trong lĩnh vực hóa mỹ phẩm, tập trung nhiều nhất ở hai đô thị lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Hiện, trên các quầy kệ ở các siêu thị, trung tâm thương mại lớn, các cửa hàng buôn bán hóa mỹ phẩm trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, các thương hiệu hóa mỹ phẩm nước ngoài đang tràn ngập. Nói cách khác, thị trường thành phố đang là "sân chơi" của các thương hiệu ngoại ở lĩnh vực hóa mỹ phẩm. Trong khi đó, DN trong nước mới chỉ chiếm khoảng 10% thị phần với các tên tuổi đã quen thuộc từ lâu với người tiêu dùng như Mỹ phẩm Sài Gòn, Thorakao, Lana, Lan Hảo, Đông Á... Các nhãn hiệu mỹ phẩm nội này cũng chỉ "sống" được ở phân khúc giá rẻ với lượng người tiêu dùng không nhiều. Theo các chuyên gia, tầng lớp trung lưu tại các đô thị lớn như TP Hồ Chí Minh ngày càng nhiều, theo đà phát triển kinh tế, nên nhu cầu sử dụng hóa mỹ phẩm cao cấp cũng sẽ tăng theo và đây sẽ là thị trường hấp dẫn đối với các thương hiệu nước ngoài.

Theo các chuyên gia, chất lượng hóa mỹ phẩm của DN ở thành phố không thua kém hàng ngoại nhập vì cùng nhập nguyên liệu từ một nguồn, công nghệ chế biến hiện đại cũng đã được nhập về, nhưng hóa mỹ phẩm trong nước lại yếu ở khâu tiếp thị, quảng bá. Tổng Giám đốc Công ty cổ phần mỹ phẩm Mỹ Hảo Lương Văn Vinh cho biết: Điểm yếu của DN trong nước là chưa có sự đầu tư lớn về bao bì, nhất là chưa đưa được sản phẩm vào các kênh quảng bá hiện đại do ít kinh phí. Hiện nay, kênh quảng bá hiệu quả nhất cho sản phẩm hóa mỹ phẩm là truyền hình, giới thiệu và bày bán tại các trung tâm thương mại lớn. Tuy nhiên, chi phí cho một phút phát sóng vào giờ "vàng" trên các kênh truyền hình hiện rất cao, phần lớn DN hóa mỹ phẩm trong nước không kham nổi. Còn giá thuê không gian, mặt bằng tại các trung tâm thương mại lớn cũng vượt quá tầm tay DN trong nước. Trong khi đó, hằng ngày, hằng giờ trên các kênh truyền hình, tần suất xuất hiện của các thương hiệu hóa mỹ phẩm nước ngoài lại luôn dày đặc.

Vẫn còn nhiều lợi thế

Tuy thương hiệu nước ngoài đang được nhiều người tiêu dùng, nhất là tầng lớp trung lưu trở lên, ưa chuộng, nhưng ít ai biết rằng người tiêu dùng phải trả thêm 50% giá trị thật để sở hữu những thương hiệu ấy. Điều này cũng là một lợi thế của các DN trong nước. Cũng theo các chuyên gia, dù DN trong nước yếu thế trong khâu quảng bá nhưng lại có thế mạnh riêng và đã được vài thương hiệu hóa mỹ phẩm tận dụng, mang lại thành công không ngờ. Đó là dễ dàng nắm bắt tâm lý người tiêu dùng. Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần mỹ phẩm Sài Gòn Nguyễn Thị Kim Thoa cho biết: Do nắm bắt thị hiếu người tiêu dùng, chọn được phân khúc thị trường, đối tượng tiêu dùng... mỹ phẩm Sài Gòn vẫn có được thị phần nhất định. Còn theo ông Lương Văn Vinh, lợi thế của DN Việt Nam là hiểu rõ nhu cầu, mức sống, khả năng chi tiêu của người tiêu dùng trong nước để làm ra sản phẩm đúng yêu cầu, bán với giá phù hợp. Nhờ lợi thế nói trên mà sau một thời gian "chới với", sản phẩm nước rửa chén của Mỹ Hảo đã lấy lại thị phần của mình. Mỹ Hảo đã tăng cường khảo sát thị trường, lắng nghe ý kiến người tiêu dùng phản ánh về chất lượng, giá cả nhằm kịp thời điều chỉnh. Kinh nghiệm của Mỹ Hảo cho thấy, DN Việt Nam phải dựa vào người tiêu dùng trong nước và khi chiếm lĩnh được thị trường trong nước thì mới tính đến con đường xuất khẩu.

Một lợi thế nữa của DN trong nước là có điều kiện thuận lợi để phát triển nguồn nguyên liệu tại chỗ như các loại tinh dầu, hương liệu, bạc hà, sả, hồi...; và đây cũng là các loại nguyên liệu truyền thống trong nước tin dùng. Các loại nước rửa chén với những thành phần nguyên liệu gần gũi nói trên của Mỹ Hảo đang có chỗ đứng khá dày trên các quầy kệ ở các siêu thị, trung tâm thương mại lớn đã chứng minh lợi thế này, bởi nó còn hợp với xu hướng tiêu dùng của thế giới là quay về với chất liệu thiên nhiên. Có thể nói, thành công của hóa mỹ phẩm Sài Gòn và Mỹ Hảo nên được xem là hướng đi đúng đắn. Tuy nhiên, sự hội nhập với sân chơi chung đang cận kề, đặc biệt là khi thị trường chung ASEAN hình thành trong vài năm tới, DN trong nước cần có sự đầu tư bài bản hơn, nên có chiến lược phát triển dài hạn, tìm phân khúc thị trường riêng và phải đặc biệt chú trọng sự phát triển bền vững. Đặc biệt, phải tăng cường công tác quảng bá, tiếp thị tốt hơn nữa.