Tăng lương và vấn đề ổn định thị trường lao động

NDO -

Tính toán của Viện Công nhân và Công đoàn từ số liệu thống kê cho thấy, công nhân lao động trong doanh nghiệp hiện nay chỉ chiếm khoảng 15% dân số và khoảng 27% lực lượng lao động xã hội, nhưng đã đóng góp trên 75% ngân sách và trên 65% GDP của cả nước.

Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu phát biểu tại Hội thảo.
Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu phát biểu tại Hội thảo.

Thế nhưng, trải qua 2 năm đại dịch Covid-19, nếu không làm thêm giờ, tiền lương cơ bản của công nhân lao động chỉ ở mức trung bình 4,92 triệu đồng/tháng. Hầu hết những gia đình công nhân rơi vào khó khăn, túng quẫn ngay cả khi họ không làm thêm giờ...

Đây là số liệu công bố tại Hội thảo khoa học “Tăng lương và vấn đề ổn định thị trường lao động, phát triển sản xuất, kinh doanh” do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức bằng hình thức trực tuyến tới 81 điểm cầu vào chiều 26/4, tại Hà Nội .  

Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho biết, Hội thảo diễn ra trong bối cảnh cả nước đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế; đồng thời Hội đồng tiền lương Quốc gia vừa “chốt” đề xuất Chính phủ xem xét tăng mức lương tối thiểu vùng 6% từ 1/7/2022 sau gần 2 năm “lỗi hẹn” với người lao động. Tuy nhiên, thời gian qua xuất hiện nhiều ý kiến xoay quanh mối quan hệ giữa tăng lương và phục hồi, phát triển kinh tế.

Thực tiễn cho thấy, trong quan hệ lao động, người sử dụng lao động và người lao động cùng gặp khó khăn, phải tiết kiệm từng đồng. Tăng lương là tăng chi phí cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, tăng lương cũng chính là khoản đầu tư sinh lời mạnh bởi nó giúp người lao động có thêm hứng thú và động lực để làm việc với năng suất cao hơn, chất lượng tốt, giúp doanh nghiệp phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh nhanh hơn, bền vững hơn.

Do vậy, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam mong muốn Hội thảo không chỉ nhằm trả lời câu hỏi đang quan tâm của dư luận, mà còn là căn cứ để tổ chức công đoàn Việt Nam tiếp tục nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện chính sách đối với người lao động những năm tiếp theo.

Tiền lương của người lao động phải là yếu tố đi trước

Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn, TS Vũ Minh Tiến cho rằng, tiền lương của người lao động có mối quan hệ chặt chẽ, biện chứng với sự ổn định của thị trường lao động, phát triển sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, của nền kinh tế. Trong đó, tiền lương của người lao động phải là yếu tố đi trước. Tuy nhiên hiện nay, công nhân lao động có việc làm, cuộc sống bấp bênh từ hậu quả lương thấp. Đặc biệt, qua hơn 2 năm đại dịch Covid-19 bùng phát, những vấn đề hiện ra rõ hơn, trầm trọng hơn: người lao động có tiền lương thấp và thiếu tích lũy; việc làm, thu nhập bấp bênh; nhà ở và điều kiện sinh hoạt, giáo dục, y tế khó khăn; an sinh và phúc lợi xã hội chưa bảo đảm.

Số liệu thống kê của Viện Công nhân và Công đoàn cho thấy, trong thời gian qua, dịch Covid-19 đã tác động sâu sắc đời sống, việc làm, thu nhập của công nhân, lao động và gia đình họ. Một bộ phận lớn công nhân, lao động đã bị rơi vào hoàn cảnh rất khó khăn. Điều tra năm 2021 của Viện Công nhân và Công đoàn cho thấy, có 5% người được hỏi cho biết rất ít khi trong bữa ăn của họ có thịt cá (chỉ khoảng 1-2 lần/tuần) và 34% cho biết thỉnh thoảng (3 lần thịt cá/tuần); 41% cho biết, họ chỉ đủ tiền để mua một số loại thuốc cơ bản. Họ không dám đi khám bệnh vì không có tiền.

Để bảo đảm cuộc sống, 11,2% người lao động cho biết, hằng tháng phải vay tiền; 35,6% người lao động thỉnh thoảng (từ 3 đến 4 tháng/lần) phải đi vay. Hơn 21% số người được khảo sát cho biết, họ từng rút bảo hiểm xã hội 1 lần.

69,8% doanh nghiệp ủng hộ điều chỉnh tăng lương từ ngày 1/7

Có một nghịch lý khá phổ biến là công nhân, lao động phải làm việc với cường độ cao, thời gian kéo dài nhưng lương và thu nhập không cao. Công nhân, lao động ở một số ngành, lĩnh vực phải làm thêm giờ nhiều, có khi lên đến 60 đến 70 giờ/tháng như ngành dệt may, điện tử, chế biến thủy hải sản, sản xuất gỗ... Có lẽ vì làm việc vất vả nhưng lương thấp nên có tới 72% không muốn con mình sau này theo nghề nghiệp của mình.

TS Đỗ Quỳnh Chi (Trung tâm Nghiên cứu quan hệ lao động) khẳng định, nỗi khổ của người lao động hiện nay không ai phủ nhận được. Đại dịch Covid-19 làm người lao động kiệt quệ về vật chất, sức khỏe, tinh thần. Khảo sát của Trung tâm tiến hành vào tháng 9/2021 cho thấy, số vụ bạo lực gia đình trong nữ công nhân ngành dệt may gia tăng gần gấp đôi so trước đại dịch. Điều đó cho thấy, người lao động kiệt sức và họ buộc phải quay trở lại quê hương.

Còn TS Phạm Thu Lan, Phó Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn thẳng thắn chia sẻ, ai cũng nói lao động là nguồn lực quý giá nhất của mọi doanh nghiệp cần nuôi dưỡng, chăm lo chu đáo cho nguồn lực quyết định này. Chỉ khi tiền lương được quan tâm và tương xứng với năng suất, sự cống hiến thì mới đủ khả năng động viên và yêu cầu công nhân, lao động làm việc với năng suất, chất lượng, hiệu quả và mang lại doanh thu và lợi nhuận lớn hơn cho doanh nghiệp, cho sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.

Tuy nhiên cho đến nay, vẫn còn những ý kiến chưa đồng tình với việc tăng lương cho đội ngũ quan trọng này. Bên cạnh đó, tăng lương cũng là chính sách thu hút lao động, thúc đẩy chuyển đổi số và phù hợp với quy luật kinh tế thị trường. Do vậy, đề nghị các Hiệp hội rút đơn kiến nghị hoãn tăng lương cho người lao động.

Bên cạnh đó, bà Lan cũng cho biết, khảo sát thực tế thực trạng đời sống công nhân, lao động tại doanh nghiệp và nhu cầu tăng lương, thu nhập  do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tiến hành tháng 4/2022 cho thấy, nhu cầu tăng lương của người lao động là rất chính đáng, cấp thiết. Khảo sát của tổ chức công đoàn cho thấy, có gần 70% doanh nghiệp được hỏi ý kiến đồng tình và thiện chí với việc tăng lương từ ngày 1/7/2022.