Theo đó, ở lĩnh vực công nghiệp, sẽ tập trung và ưu tiên hỗ trợ phát triển các ngành, sản phẩm công nghiệp thuộc Danh mục nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực và Nhóm sản phẩm công nghiệp tiềm năng của thành phố giai đoạn 2021-2025, làm động lực để phát triển các ngành công nghiệp khác.
Về thương mại nội địa, xuất, nhập khẩu, phát triển ngành logistics trở thành ngành dịch vụ mũi nhọn, phát huy vai trò trung tâm phân phối hàng hóa lớn nhất phía nam, nơi giao thương giữa các tỉnh, thành phố; cửa ngõ xuất, nhập khẩu khu vực phía nam và cả nước; đồng thời phục vụ tốt nhu cầu tiêu dùng của nhân dân thành phố.
Cùng với đó, tạo sự liên kết giúp doanh nghiệp sản xuất ra sản phẩm bắt tay với các đơn vị có hệ thống phân phối lớn, đủ khả năng mở rộng mạng lưới tiêu thụ sản phẩm, xây dựng thương hiệu, chiếm lĩnh thị trường nội địa và xuất khẩu. Ngành thương mại giữ vai trò chủ lực, trong đó, có nhiệm vụ phát triển thị trường tiêu thụ ra các nước và tận dụng lợi thế cạnh tranh của hàng Việt Nam để mở rộng xuất khẩu, tham gia hội nhập quốc tế thông qua các hiệp định song phương và đa phương.
Đồng thời, nâng cao chất lượng xúc tiến thương mại và đầu tư theo hướng tập trung vào những nhóm ngành đã được xác định có lợi thế cạnh tranh; hướng vào những thị trường đã và sẽ ký kết Hiệp định thương mại tự do (FTA).
Đề xuất những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động, phát triển tốt hơn trong năm 2023, đại diện Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (SATRA) cho rằng: Để chuỗi cung ứng hàng hóa không bị đứt gãy, cần phải đẩy mạnh xây dựng vùng nguyên liệu phát triển bền vững tại các địa phương, nhằm giúp hình thành chuỗi sản xuất cho ngành lương thực, thực phẩm.
Cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ để khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp mở rộng đầu tư hoặc liên kết đầu tư trong việc phát triển vùng nguyên liệu, sơ chế, chế biến nông sản, kho lạnh phục vụ bảo quản, dự trữ nguyên liệu. Đẩy mạnh chuyển đổi số, hình thành hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung, hướng đến vùng nguyên liệu đáp ứng nhu cầu của thị trường; cung cấp thông tin về nguyên liệu, sản phẩm dự trữ trong dân, về chất lượng sản phẩm giữa các địa phương tham gia vào chuỗi cung ứng...
Theo Chủ tịch Hội Lương thực, thực phẩm thành phố Lý Kim Chi, cần nhanh chóng thực hiện hai đề án về phát triển kho lạnh, kho dự trữ bảo quản và xây dựng vùng nguyên liệu. Đây được xem là những đề án quan trọng trong chương trình phát triển ngành chế biến thực phẩm thành phố giai đoạn 2021-2030 và là cú huých không chỉ cho sự phát triển của ngành lương thực, thực phẩm mà cả ngành thủy sản trong thời gian tới.
Thành phố cần tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, liên kết thương mại và đầu tư; khởi động và tổ chức lại các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối trực tiếp cho doanh nghiệp sang các thị trường xuất khẩu trọng điểm hoặc đang có lợi thế xuất khẩu như Ấn Độ, EU... nhằm giúp doanh nghiệp mở rộng cơ hội hợp tác kinh doanh.
Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp thành phố Nguyễn Ngọc Hòa cho rằng: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần có chính sách tiền tệ để giải phóng nguồn lực phát triển trong cộng đồng doanh nghiệp. Trong đó, nên tiếp tục thực hiện chính sách gia hạn nợ vay thêm một năm (2023) đối với các khoản vay trung và dài hạn, áp dụng chính sách ân hạn một năm thay vì gộp trả nợ ngay trong năm sau. Đồng thời, cần có chính sách hạ lãi suất vốn vay để hỗ trợ doanh nghiệp bị thiếu hụt đơn hàng, phải cho công nhân làm việc luân phiên…
Ông Hòa kiến nghị Nhà nước tiếp tục áp dụng thuế suất thuế VAT 8% cho tất cả các ngành kinh tế, thời hạn áp dụng đến hết năm 2024 và cần chỉ đạo quyết liệt việc giải quyết hoàn thuế VAT đúng thời hạn cho doanh nghiệp.
Nhà nước cũng cần xây dựng gói chính sách ổn định thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp để không làm tình trạng xấu hơn, ảnh hưởng tới nền kinh tế và an sinh xã hội. Ngoài ra, cần đẩy mạnh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công để hỗ trợ doanh nghiệp trong nước duy trì được hoạt động và giải quyết việc làm cho người lao động...
Giám đốc Sở Công thương thành phố Bùi Tá Hoàng Vũ cho biết: Trong năm 2023, ngành công thương thành phố sẽ tập trung hỗ trợ phát triển các ngành, sản phẩm công nghiệp chủ lực, trọng điểm, công nghiệp hỗ trợ; phát triển các sản phẩm công nghiệp có hàm lượng khoa học-công nghệ cao dựa trên nền tảng công nghiệp công nghệ cao và kinh tế số; hỗ trợ doanh nghiệp về vốn, đổi mới công nghệ như:
Thực hiện chương trình kích cầu đầu tư các dự án phát triển sản phẩm công nghiệp công nghệ cao, chủ lực, công nghiệp hỗ trợ của thành phố để hỗ trợ cho doanh nghiệp đầu tư đổi mới máy móc, thiết bị, công nghệ, mở rộng sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm... Về lĩnh vực thương mại, xuất, nhập khẩu, theo dõi sát diễn biến cung-cầu, giá cả các mặt hàng thiết yếu, phối hợp với các doanh nghiệp để có biện pháp điều tiết kịp thời; bảo đảm cân đối cung-cầu, lưu thông hàng hóa qua việc triển khai các Chương trình bình ổn thị trường hằng năm...
Đồng thời, thúc đẩy phát triển thương mại theo hướng hiện đại gắn với triển khai các chương trình kích cầu tiêu dùng trong nước; nâng cao tính kết nối giữa sản xuất với thị trường theo chuỗi cung ứng; phát triển hệ thống phân phối thông qua triển khai đề án phát triển thị trường trong nước gắn liền với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”...
Phó Chủ tịch UBND thành phố Võ Văn Hoan đề nghị: Ngành công thương tập trung nguồn lực cho công tác nắm bắt tình hình hoạt động của doanh nghiệp; tham mưu cơ chế, chính sách hỗ trợ dựa trên nhu cầu thực tiễn của doanh nghiệp. Trong đó, có các chính sách về kích cầu đầu tư lĩnh vực công nghiệp, hỗ trợ kết nối ngân hàng-doanh nghiệp, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số...