Tăng kết nối giao thông Đồng Nai-Thành phố Hồ Chí Minh

Hiện nay, việc kết nối giao thông đường bộ giữa tỉnh Ðồng Nai và Thành phố Hồ Chí Minh chủ yếu thông qua quốc lộ và đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây, trong khi hai tuyến giao thông này đang bị quá tải, thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông. Ðể vực dậy giao thương hàng hóa, phát triển kinh tế-xã hội, cả hai địa phương đang nỗ lực đầu tư các dự án giao thông kết nối mang tính liên vùng.
0:00 / 0:00
0:00
Cầu Nhơn Trạch kết nối Ðồng Nai và Thành phố Hồ Chí Minh đang được xây dựng.
Cầu Nhơn Trạch kết nối Ðồng Nai và Thành phố Hồ Chí Minh đang được xây dựng.

Với tuyến quốc lộ, Quốc lộ 1 qua cầu Ðồng Nai và Quốc lộ 1K qua cầu Hóa An đều qua địa phận tỉnh Bình Dương để kết nối với Thành phố Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, hiện tất cả các tuyến kết nối đường bộ nêu trên đều đang bị quá tải, thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông. Cụ thể, cầu Ðồng Nai với quy mô tám làn xe đang khai thác với lưu lượng 216 nghìn xe/ngày đêm, vượt gấp đôi thiết kế. Ðáng lưu ý, cầu Long Thành là điểm duy nhất kết nối trực tiếp đường bộ giữa hai địa phương, với quy mô bốn làn xe, lưu lượng khoảng 65 nghìn xe/ngày đêm, trong khi thiết kế là 48 nghìn xe/ngày đêm. Tương tự, cầu Hóa An cũng rơi vào tình trạng quá tải, ùn tắc nhiều năm nay...

Ông Nguyễn Văn Thanh, Giám đốc một công ty chuyên về vận tải hàng hóa chia sẻ: Thành phố Hồ Chí Minh và Ðồng Nai là hai địa phương liền kề, cả hai đều có lượng người lao động qua lại làm việc và giao thương rất lớn. Chưa kể, sắp tới người dân Thành phố Hồ Chí Minh phải di chuyển đến sân bay Long Thành (Ðồng Nai) để ra nước ngoài cho nên hạ tầng giao thông đòi hỏi phải được mở rộng, đầu tư mạnh mẽ hơn. Hiện việc đi lại đơn thuần trên tuyến cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây đã không gánh nổi thì sẽ còn khó khăn hơn nếu sân bay Long Thành đưa vào khai thác, cho nên ngay từ bây giờ, hai địa phương cần phải xúc tiến mở thêm đường, làm cầu… đi lại.

Theo Sở Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh, nhằm tăng kết nối giữa hai địa phương, có nhiều dự án giao thông đã lập nhưng chưa thực hiện được. Tuy nhiên, trước mắt đã có hai cầu nằm trong quy hoạch giao thông đang triển khai xây dựng là cầu Phước Khánh trên cao tốc Bến Lức-Long Thành và cầu Nhơn Trạch trên tuyến vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh.

Cầu Nhơn Trạch là hạng mục quan trọng nhất của dự án thành phần 1A, đoạn Tân Vạn-Nhơn Trạch thuộc dự án đường vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh. Cầu Nhơn Trạch bắc qua sông Ðồng Nai để kết nối tỉnh Ðồng Nai với Thành phố Hồ Chí Minh được khởi công xây dựng vào tháng 9/2022, với chiều dài hơn 2 km, rộng gần 20 m và phần đường dẫn hai đầu cầu dài 560 m. Tổng mức đầu tư của cầu Nhơn Trạch là hơn 1.800 tỷ đồng. Ðến nay, cầu Nhơn Trạch đã thi công đạt khoảng 30% tiến độ. Ðối với đầu cầu phía tỉnh Ðồng Nai, khó khăn lớn nhất hiện nay là mặt bằng dự án chưa được bàn giao đủ. Dự kiến, cầu Nhơn Trạch sẽ hoàn thành và đưa vào khai thác trong năm 2025.

Ðường vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh qua địa bàn Ðồng Nai có chiều dài hơn 11 km; điểm đầu tuyến tại xã Vĩnh Thanh, điểm cuối tại cầu Nhơn Trạch thuộc khu vực xã Long Tân, huyện Nhơn Trạch. Dự án có tổng mức đầu tư gần 2.600 tỷ đồng, được Ủy ban nhân dân tỉnh Ðồng Nai tổ chức khởi công vào ngày 18/6 vừa qua. Theo kế hoạch, toàn bộ dự án sẽ hoàn thành đưa vào khai thác đồng bộ vào năm 2026, kết nối hạ tầng giao thông liên vùng không chỉ đối với Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Ðồng Nai mà còn kết nối với Bình Dương, Long An.

Lãnh đạo UBND tỉnh Ðồng Nai đánh giá, đường vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh đóng vai trò kết nối giao thông, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, mở ra những không gian phát triển mới cho mỗi địa phương cũng như cho toàn vùng Ðông Nam Bộ. Cùng với đó, tuyến đường sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối các địa phương dự kiến sẽ được quy hoạch trở thành vùng động lực phía nam, một trong 4 vùng động lực quốc gia. Trước mắt, đối với Ðồng Nai, đường vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh được kỳ vọng sẽ phát triển đô thị mới Nhơn Trạch, sau hơn 20 năm quy hoạch xây dựng vẫn chưa đạt tiêu chí đô thị loại II.

Ông Phan Công Bằng, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh nhận định: Hiện có hai dự án có thể thực hiện ngay để tăng tính kết nối giữa Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Ðồng Nai là mở rộng đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây từ bốn lên tám làn xe; đầu tư xây cầu kết nối phía nam Thành phố Hồ Chí Minh với huyện Nhơn Trạch, tỉnh Ðồng Nai (tạm gọi là cầu Phú Mỹ 2). Thực hiện được hai dự án này sẽ tạo "lối thoát" nhằm đưa hành khách từ Thành phồ Hồ Chí Minh đi sân bay Long Thành và ngược lại khi sân bay này đưa vào khai thác vận hành dự kiến vào năm 2026.

Bên cạnh đó, theo Sở Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh, hiện nay tuyến đường Nguyễn Thị Ðịnh ra vào cảng Cát Lái (phía Thành phố Hồ Chí Minh) đã quá tải, thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông. Do đó, Thành phố Hồ Chí Minh đang nghiên cứu chủ trương đầu tư xây dựng đường Liên cảng Cát Lái-Phú Hữu, kết nối từ đường Nguyễn Thị Ðịnh đến nút giao vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh; thời gian dự kiến hoàn thành đầu tư và đưa vào sử dụng trong giai đoạn 2026-2030.

Mới đây, góp ý vào việc kết nối đường bộ giữa Ðồng Nai và Thành phố Hồ Chí Minh, Ủy ban nhân dân tỉnh Ðồng Nai thống nhất đề nghị với Thành phố Hồ Chí Minh xây dựng thêm ba cầu. Cụ thể, bổ sung vào quy hoạch vị trí cầu kết nối giữa thành phố Thủ Ðức, Thành phố Hồ Chí Minh với xã Tam An, huyện Long Thành, tỉnh Ðồng Nai (tạm gọi là cầu Ðồng Nai 2). Cầu sẽ có quy mô sáu làn xe, đầu tư trong giai đoạn 2026-2030. Tỉnh Ðồng Nai cũng đề nghị Thành phố Hồ Chí Minh bổ sung cầu thay vì phà Cát Lái. Bởi lẽ, cầu thay phà Cát Lái đã được Thủ tướng Chính phủ thống nhất bổ sung vào quy hoạch giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh.

Riêng đối với cầu kết nối phía nam Thành phố Hồ Chí Minh với huyện Nhơn Trạch, tỉnh Ðồng Nai (tạm gọi là cầu Phú Mỹ 2), tỉnh Ðồng Nai thống nhất bổ sung vào quy hoạch tuyến cầu. Vị trí thống nhất kết nối từ đường Nguyễn Hữu Thọ đi theo đường Hoàng Quốc Việt (Thành phố Hồ Chí Minh), vượt sông Ðồng Nai theo hướng vuông góc sang Nhơn Trạch, cắt ngang khu dân cư Phú Hữu; qua đó kết nối từ sân bay Long Thành đến khu vực phía nam Thành phố Hồ Chí Minh.