Tăng hiệu quả từ các chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp nhà nước

NDO -

Chiều 16/12, Báo Đại biểu nhân dân và Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông khoa học - công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) tổ chức giao lưu trực tuyến “Hiệu quả từ các chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp nhà nước”.

Ảnh: Báo Đại biểu nhân dân.
Ảnh: Báo Đại biểu nhân dân.

Chương trình nhằm đánh giá và thông tin đến công chúng những kết quả đạt được của các chương trình khoa học - công nghệ trọng điểm cấp Nhà nước.

Bên cạnh đó, nêu rõ những đóng góp của ngành khoa học - công nghệ đối với sự phát triển kinh tế-xã hội; vai trò của khoa học - công nghệ trong công cuộc đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa. Đồng thời, khẳng định khoa học - công nghệ chính là động lực trong phát triển kinh tế-xã hội của đất nước; nhận diện những khó khăn hạn chế; đề xuất và kiến nghị các giải pháp để xây dựng chương trình khoa học - công nghệ trọng điểm thời gian tới.

Trong giai đoạn 2016-2020, Bộ Khoa học và Công nghệ đã phê duyệt triển khai 7 chương trình khoa học - công nghệ trọng điểm cấp quốc gia do Bộ trực tiếp quản lý. Đó là một số chương trình như: Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ tiên tiến phục vụ bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cộng đồng; Nghiên cứu các vấn đề trọng yếu của khoa học xã hội và nhân văn phục vụ phát triển kinh tế-xã hội; Nghiên cứu khoa học và công nghệ phục vụ bảo vệ môi trường và phòng tránh thiên tai; Nghiên cứu khoa học và công nghệ phục vụ quản lý biển, hải đảo và phát triển kinh tế biển…

Ông Trần Đỗ Đạt, Phó Giám đốc phụ trách Văn phòng các chương trình trọng điểm cấp Nhà nước (Bộ Khoa học và Công nghệ), chia sẻ, các chương trình khoa học - công nghệ trọng điểm cấp quốc giai đoạn 2016-2020 được phê duyệt trên cơ sở Quyết định số 1318/QĐ-BKHCN ngày 5/6/2015 của Bộ trưởng Khoa học - Công nghệ và Nghị quyết số 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015 của Chính phủ về Chính phủ điện tử.

Cụ thể, có 7 chương trình, bao gồm 6 chương trình thuộc lĩnh vực khoa học - công nghệ (chương trình KC) và 1 chương trình thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn (chương trình KX.01).

Một số kết quả thuộc các chương trình:
469 loại sản phẩm dạng 1 trong đó có 103 loại thiết bị máy móc; 85 loại vật liệu mới; 31 dây chuyền công nghệ; 69 là các mẫu, mô hình; 136 loại sản phẩm là hàng hóa có thể tiêu thụ và những sản phẩm khác như giống cây trồng, chủng nấm... đã thương mại hóa hàng trăm tỷ đồng trong quá trình thực hiện.
384 giải pháp, quy trình công nghệ, 90 cơ sở dữ liệu/ bộ số liệu, 60 phần mềm các loại.
Nhiều giải pháp/quy trình công nghệ sau khi được hoàn thiện đã được ứng dụng ngay vào thực tiễn đồng thời được nhân rộng phổ biến.
Nhiều phần mềm sau khi được thử nghiệm đã được sử dụng và ứng dụng triển khai ngay sau khi kết thúc đề tài tại các cơ quan của bộ, ngành trung ương và địa phương.

Sau 5 năm hoạt động, đã có 257 nhiệm vụ được phê duyệt và triển khai. Với sự nỗ lực rất lớn của các nhà khoa học, các cơ quan nghiên cứu và các cơ quan quản lý. Đến nay, 97% các nhiệm vụ khoa học - công nghệ của các chương trình đã được đánh giá nghiệm thu với 40 nhiệm vụ có kết quả xuất sắc.

Nhiều báo cáo kiến nghị, chắt lọc từ kết quả của nhiệm vụ đã được gửi tới các cơ quan ban ngành của Đảng, Chính phủ và Quốc hội như: Hội đồng Lý luận Trung ương, Ban Kinh tế Trung ương, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, bộ, ban, ngành... phục vụ cho việc soạn thảo một số nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII.

Kết quả chung đáng chú ý là đầu tư Ngân sách Nhà nước tăng đáng kể cho các nhiệm vụ, trung bình tăng trên 50% so với các nhiệm vụ thuộc cả chương trình KC và KX giai đoạn 2011-2016.

Về kết quả khoa học, số lượng công bố quốc tế tăng mạnh. Tính trung bình trên đầu nhiệm vụ, các chương trình KC, các bài báo quốc tế thuộc danh mục ISI và Scopus tăng: KC tăng 2 lần (1,04 bài/NV ; 0,49 bài/NV (2011-2015)); KX tăng 3 lần (0,75 bài/NV ; 0,24 bài/NV (2011-2015)

Kết quả này minh chứng hiệu quả đầu tư, đồng thời minh chứng các nhiệm vụ không chỉ giải quyết những nội dung, vấn đề không chỉ đáp ứng yêu cầu đòi hỏi ở trong nước, mà còn tiếp cận với các bài toán, những vấn đề được quan tâm nghiên cứu tầm thế giới.

Đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của các nhiệm vụ thuộc các chương trình KC tăng 48% so với 6 Chương trình tương ứng của giai đoạn trước.

Tiếp tục nâng cao tiềm lực khoa học và công nghệ thông qua hỗ trợ hơn 9.700 lượt thành viên tham gia thực hiện, với hơn 2.900 cán bộ, nhà khoa học là thành viên tham gia thực hiện chính triển khai các nhiệm vụ.

Mỗi chương trình đều có những kết quả nổi bật trong làm chủ kỹ thuật và công nghệ tiên tiến, ứng dụng trong thực tiễn và đem lại hiệu quả kinh tế cao.