Tăng cường tiếp cận thị trường cho người dân nông thôn

NDO -

Ngày 30/3, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp Quỹ Phát triển nông nghiệp quốc tế (IFAD) tổ chức hội thảo kết thúc dự án “Tăng cường tiếp cận thị trường cho người dân nông thôn thông qua mạng lưới thông tin thị trường dựa trên nền tảng công nghệ thông tin trong xây dựng nông thôn mới”.

Quang cảnh Hội thảo.
Quang cảnh Hội thảo.

Theo số liệu từ Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương cho biết, kết quả thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), tính đến tháng 1/2022 có 6.010 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên, trong đó, thực phẩm chiếm 81%, đồ uống 6%, thảo dược chiếm 3%, đồ lưu niệm nội thất chiếm 8%, còn lại nhóm sản phẩm vải may mặc và dịch vụ du lịch chiếm 1% cho mỗi loại; 20 sản phẩm OCOP quốc gia đạt 5 sao; 3.277 chủ thể có sản phẩm OCOP từ 3 sao trong đó doanh nghiệp chiếm 27%; hợp tác xã/tổ hợp tác chiếm 41% còn lại các hộ kinh doanh chiếm 32%; sản phẩm OCOP được lựa chọn làm quà ngoại giao, xây dựng hình ảnh thương hiệu Việt Nam. 

Hiệu quả của dự án IFDA tại Việt Nam đã đạt được một số kết quả như: Thu thập thông tin và cập nhật cơ sở dữ liệu trên cổng thông tin điện tử:  https://ketnoiocop.vn/. Dự án đã thu thập thông tin của hơn 400 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên; trong đó trực tiếp hỗ trợ đăng tải công khai trên hệ thống đối với thông tin của gần 300 sản phẩm OCOP thuộc 3 tỉnh Bắc Kạn, Hà Tĩnh và Bến Tre. Đăng tải lên hệ thống 20 video và tài liệu trực tuyến về các chủ đề như: Hướng dẫn lập kế hoạch phát triển sản xuất sản phẩm OCOP; Lập kế hoạch kinh doanh thương mại điện tử; Ứng dụng công nghệ 4.0 trong phát triển chuỗi giá trị sản phẩm OCOP; Phân tích thị trường cho sản phẩm OCOP. Bên cạnh đó, dự án cũng hỗ trợ giúp vận hành thí điểm cổng thông tin thương mại điện tử hỗ trợ kết nối thị trường cho các sản phẩm OCOP tại một số tỉnh. Hỗ trợ trực tiếp tại cơ sở và trực tuyến qua điện thoại, nhóm zalo… 

Theo Giám đốc Chương trình IFAD tại Việt Nam Pichon Francisco, dự án đã thực hiện tốt nhiệm vụ của mình là nâng cao kiến thức cho người nông dân khu vực nông thôn; sử dụng công nghệ thông tin tìm hiểu thông tin cần thiết phục vụ cuộc sống và sản xuất. Đặc biệt, những mô hình thí điểm về thương mại điện tử trong khuôn khổ của chương trình phát triển nông thôn mới. Dự án đã đẩy mạnh sản xuất và tiêu thụ các mặt hàng nông sản. Những kết quả và hoạt động của dự án mang lại những hiệu quả thiết thực cho người nông dân tại các địa phương. 

Ông Pichon Francisco cũng cho rằng, cần phải thiết kế, xây dựng được kế hoạch của chương trình; đồng thời bày tỏ tin tưởng, chương trình OCOP đến năm 2026 sẽ được phê duyệt, người nông dân và các tiểu nông hộ có thể chuyển đổi được mô hình nông nghiệp của mình. 

Còn theo Phó Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới Hà Tĩnh Nguyễn Hữu Dực cho biết, Chương trình đã tạo điều kiện cho các hộ nông dân quen dần với thương mại điện tử, từ việc sản xuất và tiêu thụ nông sản OCOP. Tỉnh đã thiết lập được hệ thống thông tin sản phẩm bao gồm các quy chuẩn như: ngày sản xuất, quy trình sản xuất, tem điện tử quản lý qua hệ thống. Đồng thời, gắn với sàn thương mại điện tử các cơ sở quản lý kết nối sản phẩm. Ví dụ như: Bưởi Phúc Trạch xây dựng truy xuất nguồn gốc và bước đầu bán hàng trên sàn thương mại điện tử. Nhiều đơn hàng của người dân được kết nối tiêu thụ tốt. Bình quân tăng trưởng bán hàng hơn 40%. 

Còn theo Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn TP Hà Nội Nguyễn Văn Chí, TP Hà Nội đã tổ chức một số sự kiện như: tuần hàng OCOP; mời các tỉnh thành đến tham dự, mang sản phẩm giao lưu, trao đổi các địa phương với nhau. Bên cạnh đó, vấn đề hạ tầng cơ sở, khoa học kỹ thuật phải đồng bộ và hoàn thiện. Tại Hà Nội, vấn đề chất lượng sản phẩm, câu chuyện sản phẩm, mẫu mã bao bì, nhãn mác cần có chính sách hỗ trợ để các chủ thể phát huy được vai trò của mình…

Tăng cường tiếp cận thị trường cho người dân nông thôn -0
Ông Nguyễn Thanh Tùng, Điều phối viên IFAD tại Việt Nam phát biểu tại hội thảo.

Đại diện phía IFAD Nguyễn Thanh Tùng cho biết, đối với IFAD khung hợp tác chiến lược được xác định với 3 mục tiêu chính đó là: Phát triển chuỗi giá trị, không những sử dụng nguồn ngân sách nhà nước mà còn thu hút đầu tư của các đối tác khác; Phát triển các dịch vụ hỗ trợ cải thiện sự tiếp cận nguồn vốn cho doanh nghiệp đặc biệt những hộ nông dân nhỏ thông qua quỷ tổ chức tín dụng và Vấn đề phát triển bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu, thảm họa thiên thai.

Dự án nhằm hỗ trợ người dân nghèo, đồng thời đưa ra những đột phá phát triển nông nghiệp nông thôn, bảo vệ tính đa dạng của môi trường. Những hệ thống về đo độ mặn của đồng bằng sông Cửu Long cùng 2 tỉnh Trà Vinh và Bến Tre bắt đầu hoạt động hiệu quả... Bên cạnh đó, những dự án hỗ trợ nghiên cứu ban đầu về làng thông minh như hạ tầng cơ bản dùng cho nông nghiệp: thủy lợi tự động sử dụng hệ thống kết nối internet đo được mực nước, máy bơm; hệ thống sử dụng ICT đo được sâu bệnh trên các ruộng đồng.