Tăng cường “sức trẻ” cho Đảng

Thời gian qua, công tác xây dựng tổ chức cơ sở đảng và phát triển đảng viên được Đảng bộ Hà Nội chú trọng với các giải pháp cụ thể, sáng tạo. Nhờ đó, chất lượng công tác xây dựng Đảng không ngừng được nâng lên, góp phần quan trọng thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị trên địa bàn.
0:00 / 0:00
0:00
Một buổi sinh hoạt của Chi bộ thôn Hoàng Trung, xã Hồng Dương (huyện Thanh Oai) với sự tham dự của đồng chí Bí thư Huyện ủy.
Một buổi sinh hoạt của Chi bộ thôn Hoàng Trung, xã Hồng Dương (huyện Thanh Oai) với sự tham dự của đồng chí Bí thư Huyện ủy.

Nhận thức được tầm quan trọng của việc phát triển đảng viên là học sinh trung học phổ thông (THPT), thời gian qua, Quận ủy Tây Hồ đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác tạo nguồn, chú trọng bồi dưỡng các em học sinh tiêu biểu, xuất sắc, đủ các điều kiện, tiêu chuẩn. Quận chỉ đạo Trường THPT Chu Văn An tổ chức hội nghị chuyên đề “Tăng cường công tác phát triển đảng viên là học sinh trong trường THPT”.

Bí thư Quận ủy Lê Thị Thu Hằng cho biết: “Quận gắn trách nhiệm của các đồng chí ủy viên Ban Thường vụ, cấp ủy phụ trách cơ sở và người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng với kết quả kết nạp đảng viên mới ở từng địa phương, đơn vị hằng năm và cả nhiệm kỳ”. Kết quả, từ đầu năm 2023 đến nay, Quận ủy Tây Hồ đã có 118 quần chúng ưu tú là học sinh tham gia học lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng, kết nạp được 12 đảng viên là học sinh THPT.

Không chỉ tại quận Tây Hồ, từ năm 2023 đến nay, hầu hết các địa phương tại Hà Nội đều đã làm tốt công tác tạo nguồn, phát triển đảng viên trong học sinh, góp phần tăng cường “sức trẻ” cho Đảng. Trong năm 2023 và bốn tháng đầu năm 2024, Đảng bộ thành phố đã kết nạp 223 học sinh. Đây là điểm nhấn rõ nét trong công tác phát triển Đảng tại Hà Nội, nhất là sau khi Ban Thường vụ Thành ủy ban hành Đề án số 20-ĐA/TU ngày 24/10/2022 về “Nâng cao chất lượng kết nạp đảng viên ở Đảng bộ thành phố Hà Nội trong giai đoạn mới”.

Các cấp ủy trực thuộc Thành ủy đã chủ động rà soát, xây dựng kế hoạch tạo nguồn, bồi dưỡng kết nạp đảng viên; tích cực, chủ động, thường xuyên rà soát quần chúng, chú trọng đến nhóm đối tượng quần chúng trong lực lượng trí thức (bác sĩ, giáo viên, sinh viên, học sinh), thanh niên trúng tuyển nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ tham gia công an nhân dân hoặc đã hoàn thành nghĩa vụ về tham gia công tác tại địa phương, người lao động trực tiếp trong doanh nghiệp.

Cấp ủy giao cho các tổ chức đoàn thể, các chi bộ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng ở địa phương; thông qua các phong trào thi đua ở cơ sở, ở đoàn thể để lựa chọn quần chúng đưa vào nguồn phát triển Đảng. Căn cứ kết quả rà soát nguồn đối tượng, chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội và chỉ tiêu thành phố giao, các cấp ủy trực thuộc đã giao chỉ tiêu cho từng tổ chức cơ sở đảng, coi đây là một trong những tiêu chí quan trọng đánh giá chất lượng tổ chức Đảng và người đứng đầu cấp ủy cuối năm.

Phó Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội Triệu Thị Ngọc cho biết, qua thực hiện nghiêm túc, toàn diện, thống nhất trong toàn Đảng bộ thành phố, công tác phát triển đảng viên có nhiều chuyển biến tích cực. Từ năm 2020 đến nay, Đảng bộ thành phố đã kết nạp được 54.823 đảng viên mới. Trình độ học vấn và chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ đảng viên mới ngày càng được nâng cao; độ tuổi và cơ cấu nghề nghiệp tương đối phù hợp, trong đó số đảng viên là giáo viên ngoài công lập tăng 1,1%, sinh viên tăng 3,5%, chủ doanh nghiệp tăng 0,3%; đảng viên có trình độ đại học, cao đẳng tăng 6,2%; số lượng học sinh THPT tăng 14 lần so với thời điểm trước khi thực hiện Đề án số 20-ĐA/TU.

Bên cạnh việc phát triển số lượng, Thành ủy cũng quan tâm nâng cao chất lượng đảng viên. Ngày 24/10/2022, Ban Thường vụ Thành ủy ban hành Quy định 09-QĐ/TU về “Một số vấn đề về công tác quản lý đảng viên; rà soát, sàng lọc, kịp thời đưa những đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng thuộc Đảng bộ thành phố”.

Theo lãnh đạo Ban Tổ chức Thành ủy, quy trình, thủ tục kết nạp đảng viên, chuyển đảng chính thức, chuyển sinh hoạt đảng cho đảng viên, phát thẻ đảng viên, đề nghị tặng Huy hiệu Đảng được quan tâm thực hiện; nền nếp sinh hoạt chi bộ, sinh hoạt cấp ủy được duy trì tốt. Công tác quản lý đảng viên có chuyển biến, bảo đảm chặt chẽ, các cấp ủy, tổ chức đảng đã tích cực, chủ động tìm nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác quản lý đảng viên, cụ thể hóa tiêu chuẩn đảng viên.

Cùng với đó, các đơn vị thường xuyên rà soát, sàng lọc, đưa những đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng bộ thành phố. Từ năm 2023 đến nay, Đảng bộ thành phố đưa 1.346 đảng viên ra khỏi Đảng; khai trừ 191 đảng viên, xóa tên 1.146 đảng viên vì các lý do khác nhau.

Công tác đánh giá tổ chức đảng và đảng viên có nhiều đổi mới. Không chỉ tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, “số hóa”, Ban Thường vụ Thành ủy tiến hành sửa đổi, bổ sung quy định, nhất là hoàn thiện quy định đánh giá xếp loại tổ chức đảng cấp trên cơ sở, tăng cường trách nhiệm cá nhân của các đồng chí lãnh đạo chủ chốt thành phố trong đánh giá, xếp loại tổ chức đảng và cán bộ cấp dưới.

Các cấp ủy, chi bộ đã duy trì tốt nền nếp sinh hoạt chi bộ định kỳ; một số cấp ủy đã ban hành các nghị quyết, kế hoạch để cụ thể hóa các nội dung sinh hoạt cấp ủy, sinh hoạt chi bộ, phân công ủy viên thường vụ, cấp ủy viên theo dõi cơ sở tham dự các kỳ sinh hoạt cấp ủy, sinh hoạt chi bộ định kỳ hằng tháng.

Một số đơn vị có cách làm đổi mới, sáng tạo, hiệu quả: Sinh hoạt chi bộ có các slide trình chiếu; phân công đảng viên phụ trách hộ gia đình; triển khai mẫu nghị quyết sinh hoạt chuyên đề và mẫu ghi biên bản sinh hoạt chi bộ gửi kèm văn bản định hướng chỉ đạo nội dung sinh hoạt chuyên đề; ban hành kế hoạch xây dựng “Chi bộ bốn tốt”, “Đảng viên bốn tốt”; 100% chi bộ có bản đăng ký xây dựng “Chi bộ bốn tốt, đảng viên bốn tốt”; 100% đảng viên đăng ký thực hiện tiêu chí “đảng viên bốn tốt” và đăng ký đảm nhận việc mới, việc khó.

Theo Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong, những kết quả này là kinh nghiệm quan trọng để Đảng bộ Hà Nội tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác xây dựng tổ chức cơ sở đảng và phát triển đảng viên trên địa bàn thành phố trong giai đoạn tới.