Tăng cường hợp tác trong lĩnh vực tư pháp Việt Nam-Thụy Sĩ

NDO -

Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Liên bang Thụy Si của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, chiều 26/11 (theo giờ địa phương), tại trụ sở Bộ Tư pháp và Cảnh sát liên bang Thụy Sĩ ở thành phố Bern, Thứ trưởng Tư pháp Việt Nam Nguyễn Khánh Ngọc đã có buổi làm việc với đại diện Bộ Tư pháp và Cảnh sát liên bang Thụy Sĩ, ông Niklaus Meier, Vụ trưởng Vụ Tư pháp quốc tế.

Thứ trưởng Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc làm việc với đại diện Bộ Tư pháp và Cảnh sát liên bang Thụy Sĩ, ông Niklaus Meier, Vụ trưởng Vụ Tư pháp quốc tế. (Ảnh: TTXVN)
Thứ trưởng Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc làm việc với đại diện Bộ Tư pháp và Cảnh sát liên bang Thụy Sĩ, ông Niklaus Meier, Vụ trưởng Vụ Tư pháp quốc tế. (Ảnh: TTXVN)

Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc đánh giá cao việc hai Bộ Tư pháp đã ký Bản ghi nhớ hợp tác pháp luật và tư pháp (MOU) năm 2018, đồng thời cảm ơn Bộ Tư pháp và Cảnh sát liên bang Thụy Sĩ đã có nhiều hoạt động thiết thực triển khai MOU này như hỗ trợ Bộ Tư pháp Việt Nam nghiên cứu kinh nghiệm của Thụy Sĩ về tư pháp quốc tế nói chung, trong đó có kinh nghiệm gia nhập và thực thi các Công ước trong khuôn khổ Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế (HccH) như Công ước tống đạt giấy tờ, Công ước thu thập chứng cứ.

Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc cho rằng trong thời gian tới, ngoài lĩnh vực trọng tâm là tư pháp quốc tế, hai Bộ cần mở rộng hợp tác sang các lĩnh vực khác thuộc chức năng, nhiệm vụ của mỗi bên như: Hộ tịch, quốc tịch, con nuôi quốc tế và đặc biệt là sớm chấp nhận Việt Nam gia nhập Công ước thu thập chứng cứ.

Ngoài ra, Thứ trưởng cũng đề nghị phía Thụy Sĩ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong nghiên cứu kinh nghiệm gia nhập và thực thi Công ước về bắt cóc trẻ em 1980; kinh nghiệm thực thi Công ước New York 1958 về công nhận và thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài; kinh nghiệm xây dựng và thi hành luật về tư pháp quốc tế; kinh nghiệm tham gia UNCITRAL; phối hợp thực hiện tốt các ủy thác tư pháp theo kênh Công ước tống đạt và cả kênh ngoại giao; kinh nghiệm cải cách pháp luật, cải cách tư pháp vì Thụy Sĩ là quốc gia có hệ thống pháp luật và tư pháp phát triển, phục vụ đắc lực cho phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập quốc tế.

Về phần mình, ông Niklaus Meier nhấn mạnh, Thụy Sĩ rất tự hào về việc có truyền thống lâu đời và có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực tư pháp quốc tế nói chung, gia nhập và thực thi các công ước của HccH nói riêng.

Ông nói rõ, Thụy Sĩ luôn hiểu rõ quan trọng của luật pháp quốc tế, trong đó có tư pháp quốc tế, vì hội nhập quốc tế sâu rộng cần phải xử lý nhiều vấn đề pháp lý có yếu tố nước ngoài. Mỗi quốc gia có quy định khác nhau về nội dung quyền, nghĩa vụ, thẩm quyền giải quyết nên cần có pháp luật trong nước phù hợp để giải quyết khi có xung đột pháp luật và xung đột thẩm quyền.

Về đề nghị sớm chấp nhận Việt Nam gia nhập Công ước thu thập chứng cứ, ông Niklaus Meier hứa sẽ báo cáo với cơ quan có thẩm quyền để sớm có phản hồi tích cực.

Về các công ước thuộc hệ thống HccH, ông nhấn mạnh, Thụy Sĩ luôn sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trong nghiên cứu gia nhập và thực thi các công ước như: Công ước về bắt cóc trẻ em, Công ước về lựa chọn thẩm quyền của Tòa án, đồng thời sẵn sàng phối hợp với Bộ Tư pháp Việt Nam trong xử lý các vấn đề hộ tịch, quốc tịch, tương trợ tư pháp về dân sự; chia sẻ kinh nghiệm tham gia UNCITRAL.

Về hình thức hợp tác, ông Niklaus Meier chia sẻ trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, hai bên cần ưu tiên phương thức chia sẻ thông tin qua thư điện tử, tổ chức hội thảo trực tuyến. Việc trao đổi đoàn khả năng cao chỉ thực hiện được từ nửa cuối năm 2022.

Phía Bộ Tư pháp Thụy Sĩ cam kết sẽ huy động các chuyên gia giỏi nhất ở từng lĩnh vực để hỗ trợ Việt Nam trong từng vấn đề cụ thể trên cơ sở đề nghị của Bộ Tư pháp Việt Nam.

Ngoài ra, Bộ Tư pháp Thụy Sĩ cũng sẵn sàng chia sẻ thông tin, kinh nghiệm cho phía Việt Nam trong cải cách pháp luật và cải cách tư pháp nói chung.

Về MOU đã ký giữa hai bộ năm 2018, ông Niklaus Meier cho biết trên thực tế, Bộ Tư pháp và Cảnh sát liên bang Thụy Sĩ rất ít khi ký MOU với Bộ Tư pháp của nước khác, do đó Việt Nam có thể xem đây là ưu tiên đặc biệt.

Theo quy định về thời hạn, MOU này sẽ hết hiệu lực vào năm 2022. Trong trường hợp dịch Covid-19 khiến hai bên không kịp ký MOU mới thì hợp tác giữa hai bộ vẫn tiếp tục được thực hiện, không bị gián đoạn.