Tăng cường công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Ðắk Nông

Xác định công tác bảo vệ môi trường có vai quan trọng, tác động trực tiếp, làm ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của địa phương, nhất là đối với lĩnh vực kinh tế - xã hội, thời gian qua Ðắk Nông đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, cụ thể hóa và quyết liệt thực hiện các chủ trương, chính sách của Ðảng, Nhà nước về bảo vệ môi trường; ban hành nhiều Chỉ thị, Nghị quyết, kế hoạch, giải pháp nhằm thực hiện đồng bộ, tăng cường công tác bảo vệ môi trường gắn với phát triển kinh tế - xã hội và đạt được kết quả quan trọng trên nhiều lĩnh vực…

Kiểm tra công tác bảo vệ môi trường tại Nhà máy Alumin Nhân Cơ của Công ty Nhôm Đắk Nông - TKV.
Kiểm tra công tác bảo vệ môi trường tại Nhà máy Alumin Nhân Cơ của Công ty Nhôm Đắk Nông - TKV.

Quyết liệt từ chủ trương

Sau khi Chính phủ ban hành Chỉ thị số 25 ngày 31-8-2016, về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách về bảo vệ môi trường, Ðắk Nông đã ban hành Nghị quyết số 10 ngày 13-1-2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Ðắk Nông về tăng cường công tác bảo vệ môi trường giai đoạn 2016 - 2020. Trong đó, nhấn mạnh yêu cầu việc khắc phục những hạn chế, chủ động phòng ngừa, ngăn chặn và giảm thải ô nhiễm, tạo bước chuyển biến cơ bản trong công tác bảo vệ môi trường; tăng cường năng lực tổ chức thực hiện trong chỉ đạo, điều hành công tác bảo vệ môi trường.

Tiếp theo trong các năm từ 2018 đến 2020 Ðắk Nông đã ban hành nhiều Chỉ thị, Quyết định, Nghị quyết, Kế hoạch… nhằm tăng cường công tác bảo vệ môi trường gắn với phát triển bền vững của địa phương. Cụ thể: UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 15/CT-UBND, ngày 23-11-2018, về nâng cao chất lượng công tác thẩm định, đánh giá tác động môi trường (ÐTM) đối với các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh; Quyết định số 39/2018/QÐ-UBND, ngày 27-12-2018 của UBND tỉnh về quy định bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Ðắk Nông; tổ chức tổng kết đánh giá thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 13-1-2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Ðắk Nông về việc tăng cường công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020; công bố Báo cáo hiện trạng môi trường 5 năm tỉnh Ðắk Nông giai đoạn 2016 - 2020; hoàn thiện 10 nhiệm vụ trọng tâm về bảo vệ môi trường và đề xuất giải pháp quản lý; phê duyệt đề án tăng cường năng lực quan trắc môi trường; Kế hoạch bảo vệ nguồn nước hồ Gia Nghĩa và hồ Ðắk R’tih; Quy chế phối hợp bảo vệ môi trường trên sông Sêrêpôk giữa hai tỉnh Ðắk Nông và Ðắk Lắk; Chỉ đạo chấn chỉnh và các giải pháp bảo vệ môi trường trong lĩnh vực chăn nuôi; công khai các kết quả của chương trình quan trắc định kỳ năm 2020.

Tăng cường công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Ðắk Nông -0
Kiểm tra công tác bảo vệ môi trường tại Nhà máy Alumin Nhân Cơ của Công ty Nhôm Đắk Nông - TKV thông qua hệ thống giám sát tự động.
 

Các chủ trương, giải pháp được ban hành kịp thời, thực hiện quyết liệt; công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ môi trường được triển khai thực hiện với nhiều hình thức đa dạng, phong phú cho nên công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn từng bước có hiệu quả. Việc thẩm định Báo cáo ÐTM, xác nhận kế hoạch bảo vệ môi trường được nâng cao; công tác thanh tra, kiểm tra về bảo vệ môi trường đối với các đối tượng nhạy cảm và có nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường được thực hiện có hiệu quả; đã kịp thời chấn chỉnh, hướng dẫn các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực hiện nghiêm chỉnh các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường, đồng thời tiến hành xử lý các hành vi vi phạm pháp luật và yêu cầu thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả do ô nhiễm môi trường; tổ chức triển khai các nhiệm vụ về bảo vệ môi trường trọng tâm có hiệu quả, chất lượng; tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn đô thị và nông thôn được nâng cao; thẩm định tiêu chí bảo vệ môi trường trong công tác xây dựng nông thôn mới được chặt chẽ. Thẩm định thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp, ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường đối với cơ sở khai thác khoáng sản đạt kết quả cao.

Lĩnh vực sản xuất công nghiệp, chế biến được đặc biệt quan tâm, trong đó có vấn đề môi trường tại Nhà máy Alumin Nhân Cơ của Công ty Nhôm Ðắk Nông - TKV. Tỉnh Ðắk Nông đã tổ chức họp giải quyết các khó khăn, vướng mắc đối với dự án khai thác quặng bauxite và Nhà máy Alumin Nhân Cơ. Chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường triển khai và đến nay đã hoàn thiện nhiệm vụ "quan trắc, đánh giá mức độ ảnh hưởng của hoạt động sản xuất từ Nhà máy Alumin Nhân Cơ đến môi trường không khí khu vực chung quanh" nhằm giải quyết vấn đề phản ánh của nhân dân sống khu vực chung quanh Nhà máy Alumin Nhân Cơ về khói, bụi, mùi hôi. Phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài nguyên và Môi trường giám sát định kỳ công tác bảo vệ môi trường đối với nhà máy.

Song song với những kết quả đạt được, công tác bảo vệ môi trường ở Ðắk Nông vẫn còn những tồn tại, hạn chế đó là: một số vấn đề môi trường Nhà máy Alumin Nhân Cơ, các bãi rác thải cấp huyện, các trang trại chăn nuôi chưa được xử lý triệt để; xử lý nước thải sinh hoạt khu vực đô thị, chợ chưa bảo đảm; rác thải vẫn còn tình trạng tập kết không đúng nơi quy định; bụi, khí thải phát sinh từ hoạt động xay xát, sấy cà-phê chưa được xử lý bảo đảm theo quy định.

Tăng cường kiểm tra, giám sát

Ðể thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường trong những năm tới, đồng thời bảo đảm thực hiện thành công chỉ tiêu nhiệm vụ năm 2021 và nhiệm vụ 5 năm giai đoạn 2021 - 2025 theo Nghị quyết số 01-NQ/TU, ngày 23-10-2020 Ðại hội Ðảng bộ tỉnh Ðắk Nông lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Ðắk Nông sẽ tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, nâng cao nhận thức về môi trường, đặc biệt là các nội dung quy định tại Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi.

Tham mưu ban hành Nghị quyết chuyên đề của Tỉnh ủy về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến 2030.

Ban hành quy định về cụ thể hóa 17 nội dung tại Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 liên quan đến: quy định khuyến khích thực hiện xã hội hóa hạ tầng bảo vệ môi trường; cơ chế chính sách ưu đãi, hỗ trợ xử lý chất thải, bảo vệ môi trường nông thôn; thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn y tế; quản lý chất thải rắn sinh hoạt, công nghiệp; bố trí quỹ đất đầu tư hoặc khuyến khích đầu tư xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải đô thị, khu dân cư;… triển khai có hiệu quả Chỉ thị số 41/CT-TTg, ngày 1 tháng 12 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp cấp bách tăng cường quản lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh và đề án tổng thể thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn tỉnh Ðắk Nông đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Thẩm định chặt chẽ và kiên quyết loại bỏ các dự án công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường, sản xuất không hiệu quả gây tiêu tốn nhiều năng lượng và tài nguyên, không bảo đảm khoảng cách về môi trường, quy hoạch sử dụng đất…

Tăng cường kiểm soát ô nhiễm đối với các cơ sở gây ô nhiễm và có nguy cơ cao gây ô nhiễm; việc thực hiện khắc phục hậu quả ô nhiễm đối với các trang trại chăn nuôi, cơ sở y tế, cơ sở chế biến mủ cao-su, Nhà máy Alumin Nhân Cơ… Triển khai Nghị quyết số 19/NQ-HÐND, ngày 11-12-2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh Ðắk Nông Quy định khu vực thuộc nội thành của thành phố, thị trấn, khu dân cư không được phép chăn nuôi; vùng nuôi chim yến; chính sách hỗ trợ khi di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Ðắk Nông để triển khai thực hiện trong thực tế.

Ban hành kế hoạch phòng ngừa và chủ động triển khai có hiệu quả phòng ngừa sự cố môi trường từ các nguồn thải lớn, dự án khai thác chế biến khoáng sản sử dụng và tiêu tốn năng lượng; giám sát chặt chẽ các nguồn thải từ Nhà máy Alumin Nhân Cơ, Khu công nghiệp, Nhà máy chế biến tinh bột sắn, các bãi rác thải sinh hoạt, các trang trại chăn nuôi, các bệnh viện, trung tâm y tế các huyện. Kiểm soát chặt chẽ công tác bảo vệ môi trường đối với các dự án năng lượng điện mặt trời, điện gió (các sự cố trong quá trình vận hành, chất thải phát sinh như: pin năng lượng, chất thải nguy hại…). Tăng cường công tác kiểm soát công tác cải tạo, phục hồi môi trường, đóng cửa mỏ đối với các cơ sở khai thác khoáng sản theo đề án được duyệt.

Tiếp tục đánh giá, cập nhật và quản lý có hiệu quả cơ sở dữ liệu về nguồn nước thải, khí thải, chất thải rắn trên địa bàn tỉnh. Theo dõi, đôn đốc các cơ sở có quy mô xả thải lớn kết nối dữ liệu quan trắc online với Sở Tài nguyên và Môi trường nhằm theo dõi chất lượng nước thải, khí thải.

Rà soát, chấn chỉnh, tăng cường chất lượng, hiệu lực, hiệu quả các công cụ, biện pháp quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường. Kiện toàn bộ máy quản lý môi trường các cấp. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương, giáo dục đạo đức công vụ, nâng cao tinh thần trách nhiệm, ý thức phục vụ nhân dân cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm công tác bảo vệ môi trường.

Lê Trọng Yên

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ðắk Nông