Theo mục tiêu đặt ra của Nghị quyết số 76, phải bảo đảm ít nhất 90% hộ cận nghèo tham gia BHYT, 70% xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế, hơn 90% trạm y tế xã có đủ điều kiện khám bệnh, chữa bệnh BHYT, điều chỉnh cơ cấu đầu tư cho lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và chính sách BHYT để bảo đảm tăng cơ hội tiếp cận các dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe cho người nghèo, người cận nghèo.
Báo cáo của Chính phủ về kết quả sáu năm thực hiện Nghị quyết số 76/2014/QH13 của Quốc hội cho thấy, đến năm 2018 đã có 2.308.000 người thuộc hộ cận nghèo tham gia BHYT, chiếm khoảng 95,3%; đến năm 2019 có 2.327.000 người thuộc hộ cận nghèo tham gia BHYT, chiếm khoảng 96%, vượt chỉ tiêu đề ra. Có kết quả nêu trên là do phần lớn các địa phương đều xây dựng chính sách giảm nghèo đặc thù và có chính sách hỗ trợ thêm mức đóng thẻ BHYT cho các đối tượng thuộc hộ gia đình cận nghèo từ các nguồn kinh phí tại ngân sách địa phương và các tổ chức khác, ngoài phần được ngân sách hỗ trợ 70%. Như, tại Hà Nội, thực hiện hỗ trợ 100% mức đóng BHYT cho hộ nghèo, hộ cận nghèo (không phân biệt có thiếu hụt tiếp cận dịch vụ y tế hay không); ngoài ra còn hỗ trợ 100% mức đóng BHYT cho thành viên hộ nghèo sau khi được công nhận thoát cận nghèo (tối đa 36 tháng sau khi thoát cận nghèo). Tại tỉnh Bình Dương ban hành chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2016-2020 riêng của tỉnh cao hơn mặt bằng cả nước, trong đó, ngoài việc hỗ trợ 100% thẻ BHYT cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, từ ngày 1-5-2019 đến 13-1-2020, Bình Dương còn có chính sách hỗ trợ BHYT cho nhóm học sinh, sinh viên tới 30% ngoài mức hỗ trợ tối thiểu 30% từ ngân sách Nhà nước, nâng mức hỗ trợ lên tới 60% (học sinh, sinh viên chỉ còn phải đóng 40% kinh phí tham gia BHYT); đối với nhóm hộ gia đình nông - lâm - ngư nghiệp có mức sống trung bình, ngoài phần ngân sách Nhà nước hỗ trợ tối thiểu 30% mức đóng theo quy định, được hỗ trợ thêm 70%, nâng tổng mức hỗ trợ lên 100%; đối với thành viên hộ gia đình tham gia BHYT chưa được hỗ trợ từ ngân sách, được hỗ trợ thêm 20%, cho nên chỉ còn phải đóng 80% kinh phí tham gia BHYT; người nhiễm HIV khi tham gia BHYT được hỗ trợ 100% mệnh giá thẻ...
Hay, tại Vĩnh Phúc, cơ quan Bảo hiểm xã hội tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản về chính sách hỗ trợ cho các đối tượng chính sách, như: hỗ trợ cho 100% người cận nghèo tham gia BHYT từ năm 2013; hỗ trợ phần cùng chi trả khám, chữa bệnh BHYT, tiền ăn, tiền đi lại cho người nghèo, người bị ung thư, chạy thận nhân tạo khi điều trị nội trú; ban hành Đề án thực hiện lộ trình tiến tới BHYT toàn dân trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2014-2015 và 2020; cấp thẻ BHYT cho người nghèo, người cận nghèo và người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại xã có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn...
Đồng thời, cơ sở vật chất của các trạm y tế xã từng bước được đầu tư nâng cấp. Đến hết năm 2019, đã có 90,2% số trạm y tế xã, phường, thị trấn có bác sĩ làm việc, tỷ lệ xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế là 91,4%, hơn 90% số xã có đủ điều kiện khám, chữa bệnh BHYT, đạt và vượt chỉ tiêu Nghị quyết 76 đề ra.
Theo quy định của Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, từ ngày 1-1-2016, người có thẻ BHYT đăng ký ban đầu tại các cơ sở y tế tuyến huyện được quyền lựa chọn khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế tuyến huyện khác trên địa bàn tỉnh mà không cần giấy chuyển viện.
Người có thẻ BHYT được khám, chữa bệnh trái tuyến tại các bệnh viện tuyến huyện trên toàn quốc, được hưởng 100% chi phí khám, chữa bệnh. Đồng thời, mở thông tuyến khám, chữa bệnh BHYT đến tuyến tỉnh và tuyến Trung ương trong phạm vi cả nước đối với người thuộc hộ gia đình nghèo và người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn, người đang sinh sống tại các xã đảo, huyện đảo...
Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức, triển khai thực hiện vẫn còn một số hạn chế, khó khăn. Thực tế, chất lượng khám, chữa bệnh BHYT vẫn chưa đáp ứng sự hài lòng của người bệnh, nhất là tại y tế tuyến cơ sở. Người dân vẫn còn chưa hài lòng với thủ tục trong khám, chữa bệnh, trong chuyển tuyến, trong thanh toán BHYT. Nhóm đối tượng người cận nghèo là người có thu nhập thấp, đời sống còn gặp nhiều khó khăn, nên khả năng tham gia BHYT còn hạn chế, mặc dù đã được ngân sách hỗ trợ tới 70% mệnh giá thẻ. Trong khi đó, nhận thức của nhiều hộ gia đình về chính sách BHYT còn hạn chế, có tư tưởng lựa chọn người, chỉ khi nào ốm đau mới tham gia BHYT. Các địa bàn nghèo phần lớn thuộc các tỉnh nhận hỗ trợ, phân bổ từ ngân sách Trung ương cho nên việc bố trí ngân sách địa phương để đầu tư cho các trạm y tế cấp xã hiện rất khó khăn...
Để hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu giảm nghèo theo Nghị quyết 76 của Quốc hội đề ra, phấn đấu đến năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm xuống dưới 3% theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016-2020; hạn chế thấp nhất tình trạng tái nghèo, phát sinh nghèo..., hiện các bộ, ngành, địa phương đang tăng cường đẩy mạnh các giải pháp, triển khai hiệu quả các cơ chế, chính sách giảm nghèo, trong đó, tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hỗ trợ về y tế, hỗ trợ hộ cận nghèo tham gia BHYT, bảo đảm tăng cơ hội tiếp cận các dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe cho người nghèo, người cận nghèo...
Theo báo cáo của Bộ Y tế, cùng với việc cải cách thủ tục, quy trình khám, chữa bệnh, quy định “thông tuyến” trong Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT đã tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người tham gia BHYT trong việc tiếp cận các dịch vụ y tế cao. Năm 2018, đã sử dụng khoảng 31.140 tỷ đồng, năm 2019 sử dụng khoảng 32.300 tỷ đồng chi sự nghiệp y tế (chiếm khoảng 35%) để hỗ trợ người nghèo, các đối tượng chính sách tham gia BHYT, góp phần đạt tỷ lệ 89,6% dân số tham gia BHYT vào tháng 8-2019 (hoàn thành trước bốn năm so mục tiêu Quốc hội đặt ra là đến năm 2020 đạt ít nhất 80% dân số tham gia BHYT).