Tân Trào, nơi giữ gìn ký ức Tháng Tám

NDO -

NDĐT - Với những người dân đất Việt, Tân Trào đã trở thành điểm đến không thể thiếu trong mỗi chuyến hành trình đến huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang. Chuyến về nguồn của chúng tôi vào đúng dịp kỷ niệm 71 năm Cách mạng Tháng Tám để thăm lại nhiều điểm di tích lịch sử với lán Nà Lừa, cây đa Tân Trào, đình Tân Trào, Hồng Thái...

Cây đa Tân Trào luôn là nơi thu hút đông đảo du khách tới tham quan chụp ảnh kỷ niệm.
Cây đa Tân Trào luôn là nơi thu hút đông đảo du khách tới tham quan chụp ảnh kỷ niệm.

Ký ức xưa

Điểm đến đầu tiên của chúng tôi là nhà cụ Nông Thị Thu, thôn Tân Lập, xã Tân Trào, (con dâu trưởng của cụ Hoàng Trung Dân, là nơi ở và làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ ngày 21-5 đến ngày 16-8-1945). Trong ngôi nhà sàn sạch sẽ thoáng mát, dưới bàn thờ Đại tướng, qua lời kể của cụ Thu, chúng tôi được biết nhiều hơn về ký ức một thời gian khó đã qua.

Đang tất bật với công việc của mình dưới sân nhà, được giới thiệu có nhà báo tới hỏi thăm, cụ Thu mời chúng tôi lên nhà sàn nói chuyện. Cụ Thu năm nay đã 81 tuổi nhưng vẫn minh mẫn. Câu chuyện của cụ Thu mộc mạc, cụ Thu cho biết: Tôi là con dâu nên cũng chỉ nghe được chuyện từ bố chồng thôi. Có nhiều người và tôi cũng không nhớ hết tên, tôi chỉ nhớ tên bác Giáp (Đại tướng Võ Nguyên Giáp) thôi, bởi bác ở lại đây lâu. Bác sống chung với cả gia đình, có gì thì ăn thế, như người nhà. Khi nào bác bảo mai có cuộc họp đột xuất, bí mật thì gia đình sơ tán đi. Hết ngày, xong cuộc họp thì lại về nhà. Nhà tôi ngày xưa vẫn hình thức như thế này, ba gian hai chái, nhưng cột nhỏ hơn. Khi bác Giáp làm việc ở đây, bác ngủ ở cái gian này, xưa còn vách che ở đây, nếu có người lạ đến thì bác lại vào trong này.

Tân Trào, nơi giữ gìn ký ức Tháng Tám ảnh 1

Bàn thờ Đại tướng Võ Nguyên Giáp được đặt tại nơi trang trọng trong căn nhà cụ Nông Thị Thu. (Ảnh Phan Anh)

Cụ Thu kể tiếp: "Ông cụ tôi kể bác đưa giấy tờ cho đi giao thông, bây giờ gọi là chạy giấy tờ. Nếu vào trong kia thì chiều tối mới dám vào. Đưa giấy cho các bác xong, bảo về thì các bác không cho về bởi sợ gặp địch. Đến sáng hôm sau mới cho người đưa về tận nhà".

Ngày xưa tôi ở xóm ngoài, tôi làm ruộng làm nương ở ngay đường quốc lộ, tôi gặp Bác Hồ rồi, hàng ngày Bác đi lại lúc nào tôi cũng thấy. Tuy vậy, thấy Bác thì chỉ biết thế thôi chứ không dám chào hỏi. Trong hồi ức của cụ, Bác Hồ ăn mặc giản dị, bộ quần áo nâu, đội một cái nón lá cũ, có lúc Bác đội mũ cối. Ngày xưa Bác Hồ ở hang Bòng, hang ở trên cao, chúng tôi cấy ở dưới chân hang, Bác ở trên ấy ho cũng nghe thấy tiếng. Ngày xưa khổ lắm, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc. Đường sá thì lầy lội khó khăn, đi lại chỉ đi bộ. Ngay như nhà tôi, mười đứa con thì chỉ có cơm khoai cơm sắn thôi. Cả năm nhà ai nuôi được con lợn 30-40 kg đến Tết mới mổ ăn, nhà bên cạnh nếu không có thì chia nhau một vài cân.

Chia tay cụ Thu, chúng tôi tới nhà cụ Hoàng Ngọc, 80 tuổi ở cùng thôn. Cụ Ngọc là con cả cụ Hoàng Trung Nguyên, một "tự vệ đỏ" năm xưa tham gia đón Bác Hồ về ở và làm việc tại Tân Trào (từ ngày 21-5-1945) và bảo vệ Bác đến cuối tháng 8-1945.

Thắp nén hương thơm lên bàn thờ gia đình cụ Hoàng Trung Nguyên, chúng tôi có cuộc trò chuyện với cụ Ngọc. Cụ Ngọc tiếp chuyện chúng tôi rất sôi nổi: "Bố tôi lúc đó là liên lạc đặc biệt cho Bác Hồ, bố đi đâu con đi đấy, lúc ấy tôi mới mười tuổi. Bác Hồ rất quý tôi".

Tân Trào, nơi giữ gìn ký ức Tháng Tám ảnh 2

Cụ Hoàng Ngọc tự hào kể về bốn thế hệ cầm súng của gia đình. (Ảnh Phan Anh)

Trong câu chuyện với cụ Ngọc cho chúng tôi biết thêm: "Gia đình tôi bốn thế hệ cầm súng, từ ông, bố, rồi tôi và con tôi cũng đều đi bộ đội. Ở làng tôi cũng thấy lạ, qua hai cuộc kháng chiến, không một quả bom, không một viên đạn rơi xuống. Gần 100 chiến sĩ đi chiến đấu kể cả ở chiến trường nam Lào đều về đầy đủ, làng này không có một liệt sĩ".

Tân Trào hôm nay

Xã Tân Trào đã có sự phát triển vượt bậc, nhất là kết cấu hạ tầng nông thôn được đầu tư mạnh, tạo nên diện mạo mới cho nông thôn. Thu nhập bình quân đầu người của xã Tân Trào được nâng lên rõ rệt (từ 8,5 triệu đồng/người/năm năm 2011 lên 18,03 triệu đồng/người/năm 2015); tỷ lệ hộ nghèo giảm trên 10%/năm (từ 34,59% năm 2011 giảm xuống còn 2,27% năm 2015); hộ cận nghèo giảm gần 12%/năm (từ 38% năm 2011 xuống còn 2,03% năm 2015)...

Về lĩnh vực nông, lâm nghiệp tiếp tục phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, gắn với xây dựng nông thôn mới; quản lý tài nguyên, công tác bảo vệ môi trường được chú trọng; văn hóa thông tin, thể thao có nhiều chuyển biến; công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân ngày càng được nâng lên; dịch vụ - du lịch tiếp tục phát triển, lượng khách du lịch đến thăm quan ngày càng đông và tăng theo từng năm; thu nhập của nhân dân từ dịch vụ được tăng nên rõ rệt; các ngành tài chính, tín dụng tăng trưởng khá; giáo dục đào tạo đạt được kết quả quan trọng; công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị tiếp tục được duy trì; an ninh chính trị được giữ vững, tạo cho Tân Trào sức bật và sự thay đổi toàn diện trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Trong cuộc gặp gỡ đồng chí Chủ tịch UBND xã Tân Trào Hoàng Cao Khải, chúng tôi được biết thêm nhiều hơn về Tân Trào hôm nay. Đảng bộ và nhân dân các dân tộc xã Tân Trào luôn tin tưởng vào chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; trong nhiều năm qua, phát huy truyền thống quê hương cách mạng đã giữ gìn, tôn tạo các điểm di tích lịch sử trên địa bàn xã.

Để có bước tiến vượt bậc hôm nay, xã Tân Trào đã chú trọng và sản xuất nông, lâm nghiệp. Tân Trào có 180,25 ha diện tích đất trồng chè. Vào năm 2013, 2014, khi Tổ chức liên hoan quốc tế chè Thái Nguyên, bà con cùng với hợp tác xã sản xuất chè đã mang sản phẩm của mình mang đi tham gia. Cả hai năm đều đạt được huy chương Đồng. Phát huy thành công đó, cấp ủy, chính quyền địa phương đã chỉ đạo hợp tác xã sản xuất chè Vĩnh Tân xây dựng thương hiệu. Sau khi có thương hiệu chè đóng gói, kiểm soát về vệ sinh an toàn thực phẩm, giá trị sản phẩm chè đã nâng lên gấp hai, thậm chí gấp ba. Đây cũng là đóng góp đáng kể trong việc nâng cao thu nhập của người dân.

Tân Trào, nơi giữ gìn ký ức Tháng Tám ảnh 3

Hộ gia đình anh Phạm Văn Rẫn, thôn Vĩnh Tân, xã Tân Trào huyện Sơn Dương đầu tư trang thiết bị sao chè hiện đại phục vụ cho việc sản xuất, nâng cao đời sống kinh tế gia đình. (Ảnh:Phan Anh).

Sản phẩm tiếp theo là sản phẩm gạo đặc sản Tân Trào, do được thừa hưởng từ thổ nhưỡng của vùng đất, sản phẩm gạo nơi đây có đặc điểm và đặc trưng riêng, cho chất lượng gạo thơm ngon. Sản phẩm gạo đặc sản Tân Trào đã được đăng ký nhãn hiệu, gạo bán ra có giá trị tăng cao gấp đôi. Bên cạnh đó, việc chăn nuôi cũng được chú trọng, mô hình nhân giống mở rộng đàn bò được xã thực hiện thành công qua việc "vay bò trả bê" đối với các hộ nghèo và cận nghèo trên địa bàn xã. Công tác áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, sản xuất được bà con ưu tiên thực hiện.

Trong lĩnh vực hoạt động dịch vụ du lịch, thương mại trên địa bàn xã, Tân Trào có một chợ trung tâm là chợ phiên lớn nhất của tỉnh. Về du lịch bà con ở Tân Trào chú trọng việc khai thác các sản phẩm, sản vật tại địa phương như thuốc nam, rau rừng, măng rừng... để phục vụ cho khách du lịch. Đây là thu nhập chính của nhiều hộ dân tại các điểm di tích.

Công tác giáo dục được cấp ủy, chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm. Các buổi ngoại khóa các em học sinh được tới các điểm di tích lịch sử để hướng dẫn viên nói về lịch sử Tân Trào, từ đó các em học sinh có ý thức về truyền thống quê hương cách mạng. Bên cạnh đó, các em được tham dự nhiều buổi nói chuyện chuyên đề cùng các đồng chí cựu chiến binh.

Việc giáo dục trong gia đình, dòng họ được coi trọng đề cao. Xã đã phát động phong trào phát huy, khơi dậy lòng tự tôn, tự trọng của người dân Tân Trào, xã đầu tiên xây dựng nông thôn mới, nhằm tạo ý thức cho bà con phát triển vươn lên. Cơ sở vật chất trường học của xã có 3 trường tiểu học, trung học cơ sở quốc gia đều đạt trường chuẩn quốc gia. 100% hộ gia đình có sử dụng điện. Hiện nay trên địa bàn xã có một trạm y tế hoạt động lồng ghép phòng khám đa khoa khu vực. 100% đường đến từng thôn được bê tông hóa.

Theo đồng chí Hoàng Đức Soài, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Trào, công tác tuyên truyền, bảo vệ di tích lịch sử được xã thực hiện tốt, bà con nhân dân trên địa bàn luôn có ý thức bảo vệ di tích. Trên địa bàn xã có Hạt kiểm lâm rừng đặc dụng Tân Trào quản lý chung về rừng đặc dụng. Hàng tuần trạm kiểm lâm phối hợp với chính quyền địa phương, công an, bộ đội địa phương phối hợp đi tuần. Công tác tuyên truyền cho bà con trong công tác bảo vệ rừng luôn được chú trọng và tăng cường.

Chia tay Tân Trào, trong lòng chúng tôi dâng lên cảm xúc khó tả. Mong có dịp quay lại đây và chứng kiến được sự đổi thay hơn của Tân Trào, vùng đất lưu giữ quá khứ hào hùng của dân tộc những ngày Tháng Tám lịch sử.

Tân Trào là xã miền núi, nằm ở phía Đông Bắc của huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang; với0 tổng diện tích đất tự nhiên toàn xã là 3.510,76 ha, trong đó: Nhóm đất nông nghiệp 3.273,94 ha (chiếm 93,3%, nhưng chủ yếu là đất rừng đặc dụng, 2.500 ha); Nhóm đất phi nông nghiệp 226,43 ha (chiếm 6,4%); các loại đất khác chiếm 10,39 ha (chiếm 0,3%). Xã có 08 thôn, dân số 1.277 hộ, với 5.017 nhân khẩu; mật độ dân số là 143 người/km2 (toàn xã có 06 dân tộc gồm: Dân tộc Tày chiếm 48,6%; dân tộc Nùng chiếm 14,8 %; dân tộc Dao chiếm 10,8 %; dân tộc Kinh chiếm 24,4%; dân tộc Cao Lan chiếm 1,2%; dân tộc Mường 0,2%).