Tân Trào nhớ Bác

NDO -

NDĐT - Từ tháng 5 đến tháng 8-1945, tại xã Tân Trào, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang, Bác Hồ và các đồng chí lãnh đạo Đảng đã sống những ngày gian khổ để lãnh đạo nhân dân ta chuẩn bị Tổng khởi nghĩa, giành chính quyền trong cả nước. Người đã chọn thôn Tân Lập, xã Tân Trào làm nơi ở và làm việc. Từ Tân Trào, những chủ trương, chỉ thị của Bác, của Đảng đã truyền đi khắp mọi miền đất nước.

Lễ hội Cầu mùa của đồng bào dân tộc Tày xã Tân Trào được tổ chức hằng năm tại đình Tân Trào.
Lễ hội Cầu mùa của đồng bào dân tộc Tày xã Tân Trào được tổ chức hằng năm tại đình Tân Trào.

Tại đây, Trung ương Đảng và Bác Hồ đã có những quyết định quan trọng, lãnh đạo thành công cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước. Một trong những sự kiện quan trọng diễn ra ở đây là Quốc dân đại hội - Hội nghị Diên hồng quyết định Tổng khởi nghĩa, bầu ra Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, quy định quốc kỳ, quốc ca.

Theo hành trình của Bác khi về Tân Trào năm xưa, chúng tôi tìm đến ngôi nhà của cụ Nguyễn Tiến Sự, thôn Tân Lập, nơi Bác Hồ đã ở những ngày đầu khi Người mới về Tân Trào, từ ngày 21-5 đến cuối tháng 5-1945.

Bà Hoàng Thị Mai (con dâu của cụ Sự) hiện đang ở căn nhà này cho biết, những người dân trong thôn năm ấy phần lớn không biết Bác chính là Bác Hồ, mà chỉ biết gọi Bác là ông Ké. Bác vô cùng giản dị và gần gũi với mọi người, khi Bác còn ở trong căn nhà này, Bác cùng ăn cơm với mọi người trong gia đình, hôm nào Bác cũng làm việc đến khuya và dậy rất sớm. Tuy nhiên, để bảo đảm bí mật, sau ít ngày ở nhà cụ Sự, Bác Hồ đã chuyển lên ở trên lán Nà Nưa. Bác Hồ đã ở và làm việc từ cuối tháng 5 đến ngày 22-8-1945 để lãnh đạo cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945. Căn lán được dựng theo kiểu nhà sàn của đồng bào miền núi, đáp ứng yêu cầu của Bác đề ra là “gần nước, gần dân, xa đường quốc lộ, thuận đường tiến, tiện đường thoái”. Lán có hai gian nhỏ, gian bên trong là nơi Bác nghỉ ngơi, gian bên ngoài là nơi Bác làm việc và tiếp khách. Theo các tài liệu lịch sử, mọi văn bản, chỉ thị chỉ đạo, lãnh đạo Tổng khởi nghĩa đều được khởi thảo tại căn lán Nà Nưa này. Vì thế, lán Nà Nưa còn được ví như một “Phủ Chủ tịch bằng tre nứa” của cách mạng nước ta.

Những câu chuyện về Bác Hồ trong những ngày Người sống và làm việc ở Tân Trào, được người dân trong xã truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Và mỗi khi đến dịp sinh nhật Bác, những câu chuyện về Bác lại trở nên sống động hơn trong lòng mỗi người dân nơi đây.

Trong ký ức của người dân Tân Trào, Bác vĩ đại mà vô cùng giản dị. Mặc dù bận rất nhiều việc nhưng Bác vẫn thường xuyên quan tâm, thăm hỏi người dân trong thôn, trong xã. Người còn tham gia cùng với bà con lao động sản xuất, nói chuyện với cán bộ chiến sĩ, động viên người dân hăng hái tham gia lao động sản xuất…Dù đã 74 năm, nhưng những ký ức về Bác Hồ vẫn luôn in đậm trong lòng mỗi người dân nơi đây. Học và làm theo lời Bác dạy, người dân Tân Trào hôm nay đang chung sức, đồng lòng xây dựng cuộc sống mới.

Đồng chí Hoàng Cao Khải, Chủ tịch UBND xã Tân Trào cho biết, để thực hiện tốt chương trình phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội cho đồng bào nhân dân các dân tộc tại khu căn cứ địa cách mạng thì chính quyền địa phương cũng đưa ra các giải pháp để phát triển kinh tế, đặc biệt là phát triển kinh tế về sản xuất nông, lâm nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, song hành với nội dung đó thì khai thác, phát triển ngành du lịch, khai thác tiềm năng sẵn có của khu di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào.

Tân Trào nhớ Bác ảnh 1

Một góc thôn Tân Lập, xã Tân Trào (huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang) hôm nay.

Cuối năm 2014, Tân Trào là xã đầu tiên trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đạt chuẩn nông thôn mới. Từ khi đạt chuẩn nông thôn mới, đời sống của người dân trên địa bàn xã đã được nâng lên. Hiện, tất cả các thôn trên địa bàn xã đều có nhà văn hóa, sân thể thao đạt chuẩn; xã không còn nhà tạm, nhà dột nát; hơn 97% hộ dân được sử dụng điện an toàn theo yêu cầu của ngành điện; 100% trường học trên địa bàn xã đạt chuẩn Quốc gia; hơn 90% số người trong độ tuổi lao động có việc làm thường xuyên; thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã đạt hơn 30 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 3,9%..., cơ cấu ngành nghề tại địa phương ngày càng đang dạng, ngoài sản xuất nông nghiệp Tân Trào còn đang đẩy mạnh phát triển du lịch, dịch vụ, hàng hóa; 100% đường liên xã, trục chính của xã được nhựa hóa; tất cả đường nội thôn, liên thôn và hơn 50% đường nội đồng được bê-tông hóa.

Trong phát triển kinh tế, Tân Trào tiến hành quy hoạch vùng sản xuất hàng hóa tập trung, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong trồng cây ăn quả quy mô hàng hóa để nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng. Vận động nhân dân cải tạo đất vườn tạp, đồi thấp, trong đó hơn 200 hộ tham gia thực hiện mô hình trồng 14 ha chuối, táo, ổi. Đến nay, một phần diện tích cây chuối đã cho thu hoạch quả, năng suất đạt 42,8 tấn/ha. Mô hình trồng mới cây táo, gồm 128 hộ tham gia. Đối với mô hình trồng mới giống ổi OĐL1, xã có 49 hộ tham gia. Đến nay, cây ổi OĐL1 sau trồng năm thứ nhất đã cho bói quả, năng suất ước tính khoảng 3 đến 5 kg/cây, giá bán trung bình khoảng 18 nghìn đồng/kg. Qua đó, giúp người dân tiếp cận và ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất thâm canh từ khâu chăm sóc, thu hoạch. Tạo thói quen ứng dụng công nghệ thân thiện với môi trường trong sản xuất nông nghiệp, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân vô cơ, góp phần phát triển nền nông nghiệp bền vững.

Cây chè là thế mạnh của xã nay đã xây dựng thành làng nghề chè Vĩnh Tân ở thôn Vĩnh Tân. Thôn có 111 hộ dân, thì có tới 105 hộ trồng chè với diện tích hơn 100 ha, sáu hộ còn lại không trồng chè nhưng cũng làm những việc liên quan đến chè như chế biến chè, thu mua chè... Từ ngày được công nhận là làng nghề thu nhập cũng dần tăng theo từng năm. Nếu như năm 2011, thu nhập bình quân 1,2 triệu đồng/người/tháng thì đến nay đã tăng lên 3,5 triệu đồng/người/tháng. Ở Vĩnh Tân, mỗi tháng người dân chỉ thu hái chè một lần, các điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm, bốn đúng trong sử dụng thuốc bảo vệ thực vật được người dân áp dụng triệt để. Giá chè ở đây đã cao hơn nhiều so với trước từ 130 nghìn đồng đến 300 nghìn đồng/kg.

Tân Trào đã xây dựng đề án phát triển du lịch giai đoạn 2015-2020, đưa du lịch trở thành một trong bốn khâu đột phá cho phát triển kinh tế - xã hội. Mục tiêu đến năm 2020, du lịch của Tân Trào phải phát triển tương xứng với tiềm năng, đem lại sự thay đổi đáng kể cho người dân. Cùng với đó, Quy hoạch tổng thể bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Tân Trào được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tuyên Quang chủ trì thực hiện nhằm tạo tính liên thông phục vụ khách tham quan giữa các điểm di tích và cảnh quan sinh thái một cách tổng thể, hình thành tour tuyến du lịch, kết nối, tương tác với các điểm du lịch trong tỉnh và các tỉnh lân cận, để du lịch Tân Trào bứt phá trong những năm tới đây.

Đồng chí Hoàng Cao Khải, Chủ tịch UBND xã Tân Trào khẳng định, thời gian tới, xã sẽ đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi để phát triển kinh tế nông lâm nghiệp; Khai thác tiềm năng du lịch sẵn có ở địa phương để nâng cao đời sống của nhân dân, phấn đấu đến năm 2020 thu nhập của người dân trong xã sẽ đạt từ 35 đến 37 triệu đồng/người/năm.

Học Bác bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, Tân Trào sẽ ngày càng phát triển, xứng đáng là trung tâm Thủ đô Khu giải phóng, Thủ đô Kháng chiến.