Đó là: Ngày 16 và 17-8-1945, tại đây, đã diễn ra Quốc dân Ðại hội, đề ra 10 chính sách lớn của Việt Minh, bầu Ủy ban giải phóng, tiền thân của Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, nay là Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Về Tân Trào những ngày này, được sống trong không khí tưng bừng, kỷ niệm 62 năm Cách mạng Tháng Tám, chúng tôi như cảm nhận được những ngày tháng hào hùng, khí thế sục sôi của cách mạng năm nào.
Giám đốc Bảo tàng Tân Trào ATK Nguyễn Quốc Lập cho biết, chỉ trong bảy tháng đầu năm nay đã có hơn 190 nghìn lượt du khách tới thắp hương tưởng niệm và thăm khu di tích, bằng số khách của cả năm trước. Ðình Tân Trào, trước đây đình có tên là Kim Long. Phía trước đình là ngọn núi Ao Rừm xanh ngát, bao quanh đình là dòng suối Khôn Pén bốn mùa nước trong xanh uốn lượn. Ðình có kiến trúc theo kiểu nhà sàn miền núi, mái lợp lá cọ, xung quanh để trống.
Cũng như bao ngôi đình ở làng bản miền núi khác, đình Tân Trào là tác phẩm nghệ thuật của nhân dân nơi đây, nhưng đặc biệt hơn, đình Tân Trào được vinh dự chọn làm nơi Quốc dân Ðại hội. Tham gia Quốc dân Ðại hội có hơn 60 đại biểu, đại diện ba miền bắc-trung-nam, các giới, các đảng phái chính trị và một số kiều bào. Trước giờ khai mạc, dưới gốc cây đa Tân Trào các đại biểu đã tham dự lễ xuất quân của quân giải phóng Việt Nam do đồng chí Võ Nguyên Giáp chỉ huy tiến sang giải phóng Thái Nguyên và tiến về Hà Nội.
Quốc dân Ðại hội Tân Trào, là mốc son mãi mãi được ghi vào lịch sử vẻ vang của dân tộc. Cứ đến tháng 8 hằng năm, dù là năm lẻ hay năm chẵn thì ở Tân Trào lại như ngày hội, để con dân đất Việt hướng về nơi khởi nguồn cách mạng.
Trên mảnh đất Tân Trào hôm nay, đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc đang ngày đêm hăng say lao động, sáng tạo, xây dựng quê hương cách mạng ngày càng giàu đẹp.
Ông Nguyễn Ðình Quang, Bí thư Huyện ủy Sơn Dương cho biết, thực hiện đường lối đổi mới của Ðảng, những năm qua, đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong huyện đã tập trung chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Hiện nay, huyện đã quy hoạch vùng nguyên liệu mía hơn 4.000 ha, bảo đảm cung cấp đủ nguyên liệu cho Công ty đường và giảm dần tỷ trọng lao động trong nông nghiệp.
Ngay những tháng đầu năm 2007, huyện đã hoàn thành quy hoạch ba cụm công nghiệp là Sơn Nam, Hào Phú và An Hòa, đưa kinh tế của huyện từng bước phát triển, đời sống của nhân dân dần được cải thiện. Tuy nhiên, Sơn Dương vẫn còn rất nhiều khó khăn.
Việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động chậm; triển khai chính sách giải phóng mặt bằng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chậm, công tác quy hoạch chưa tốt nên chưa thu hút được nhiều dự án đầu tư.
Ðể đẩy nhanh hơn nữa tốc độ phát triển kinh tế - xã hội, xứng đáng với truyền thống quê hương cách mạng, Sơn Dương đang tập trung đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng: công nghiệp, nông - lâm nghiệp, dịch vụ thương mại, du lịch. Phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 15%/năm, trong đó tỷ trọng công nghiệp và xây dựng là 40%, đến năm 2010 thu nhập bình quân 11,1 triệu đồng/người/năm.
Ðể đạt được mục tiêu này, Sơn Dương đang tiến hành quy hoạch và xây dựng đề án phát triển công nghiệp tập trung vào khai thác chế biến khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng và chế biến nông, lâm sản, thực phẩm. Bên cạnh đó với tiềm năng du lịch lịch sử, huyện phối hợp các ngành của tỉnh quy hoạch tổng thể du lịch trên địa bàn trong đó gắn việc quy hoạch Khu di tích lịch sử Tân Trào-ATK với các điểm du lịch văn hóa để khai thác có hiệu quả tiềm năng về cảnh quan thiên nhiên, môi trường sinh thái, truyền thống văn hóa lịch sử và các nguồn lực để tăng trưởng kinh tế nhanh và chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế.
Hôm nay, ở Tân Trào người dân lại nô nức chuẩn bị để kỷ niệm 62 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9. Trời thu Tháng Tám ở chiến khu cách mạng như xanh hơn và cao hơn. Cảnh sắc núi rừng hôm nay dù đã đổi thay nhiều so với những ngày tháng kháng chiến hào hùng, nhưng vẫn bền chặt nghĩa tình giữa dân với Ðảng, với cách mạng và Bác Hồ kính yêu. Truyền thống sẽ là hành trang đưa Sơn Dương-Tân Trào phát triển nhanh hơn trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa.