Tân Trào mùa thu mới

Công trình xây dựng dây chuyền sản xuất lò quay công suất 270 nghìn tấn/năm của Công ty xi-măng Tuyên Quang đang được kh
Công trình xây dựng dây chuyền sản xuất lò quay công suất 270 nghìn tấn/năm của Công ty xi-măng Tuyên Quang đang được kh

Dòng sông Phó Ðáy năm nào, giờ đang được Nhà nước đầu tư xây kè hai bên bờ sông. Những công trình thủy lợi, quần thể kiến trúc văn hóa, đang làm thay đổi một vùng quê núi.

Ði ngược dòng sông Phó Ðáy qua ba xã (Trung Yên, Minh Thanh và Tân Trào), ở đâu cũng thấy lán trại và điểm tập kết vật liệu xây dựng, công nhân của các đơn vị thi công công trình có chiều dài hơn 3 km với tổng giá trị xây lắp lên tới 34,9 tỷ đồng. Riêng địa phận xã Trung Yên có ba đoạn xây lắp bao gồm bờ thượng lưu (gần cầu Trung Yên) dài 0,4 km, khu vực gần hầm an toàn của Bác Tôn Ðức Thắng có chiều dài xây lắp 0,4 km, khu vực thôn Toa xã Trung Yên xây lắp 0,3 km.

Dưới cái nắng "rám trái bưởi",  những người thợ trẻ mặt đỏ hồng, lưng áo thấm đẫm mồ hôi, nhưng trên gương mặt đều rạng rỡ niềm vui. Bởi đây không chỉ là công trình thủy lợi, mà ý nghĩa lớn hơn là công trình thể hiện truyền thống dân tộc uống nước nhớ nguồn của Ðảng và Chính phủ đối với nhân dân vùng căn cứ địa cách mạng, Thủ đô của khu giải phóng trong thời kỳ kháng chiến. Anh Ðặng Xuân Tình, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Tuyên Quang cho biết, kể từ năm 2004 đến nay, trên địa bàn bốn xã ATK của huyện Sơn Dương đã được đầu tư gần 60 tỷ đồng để xây dựng các công trình thủy lợi và kè bờ sông Phó Ðáy. Nguồn vốn đầu tư được huy động từ ngân sách T.Ư, ngân sách địa phương, trái phiếu Chính phủ và cả tiền lương của cán bộ, nhân viên Văn phòng Chính phủ đóng góp.

Từ nguồn vốn mang nặng tình nghĩa ấy, chúng tôi đã xác định, đây là những công trình tái hiện khu di tích lịch sử không chỉ đơn thuần về kỹ thuật mà còn mang tính mỹ thuật cao. Ðể sử dụng vốn đúng mục đích, theo chỉ đạo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tuyên Quang, Chi cục Thủy lợi đã thành lập Ban quản lý dự án, tăng cường kiểm tra giám sát và đẩy nhanh tiến độ thi công. Khi công trình kè bờ sông Phó Ðáy, công trình thủy lợi thác Dẫng 1, 2 và đập Ðèo Chắn hoàn thành, sẽ tạo quần thể kiến trúc, với cảnh quan môi trường hấp dẫn du khách đến thăm vùng chiến khu xưa.

Ðến thôn Lập Binh, xã Bình Yên, là căn cứ của Chủ tịch Phủ - Thủ tướng phủ thời kỳ kháng chiến 1947 - 1954. Tại địa điểm của Văn phòng Chính phủ, nơi đồng chí Phạm Văn Ðồng từng ở và làm việc, người đầu tiên chúng tôi gặp là ông Trần Văn Thâm, năm 1945 ông tham gia du kích khi vừa tròn 18 tuổi, nay đã 80 tuổi, nhưng còn khá minh mẫn. Ông kể: Thôn có tên Lập Binh là do cách mạng đặt cho. Ngày ấy (11-3-1945), nơi đây đã phất cờ khởi nghĩa vũ trang cùng với phong trào phát động ở đình Thanh La. Những năm trước đây, Lập Binh là thôn thiếu ăn của xã bởi đất ruộng chỉ cấy được vụ mùa nhưng lại phụ thuộc nước trời. Khi chưa có công trình thủy lợi, trong thôn chỉ còn lại đàn bà, con trẻ, còn đàn ông, trai tráng thì đi khắp nơi để tìm việc làm thuê.

Nhờ ơn Ðảng, Chính phủ, cuộc sống của bà con xóm nghèo nay đã nhiều thay đổi. Ngay cạnh địa điểm hội trường của Hội đồng Chính phủ năm xưa, nay đã có công trình thủy lợi thác Dẫng 1, được Nhà nước đầu tư hơn bảy tỷ đồng, cấp nước tưới cho hơn 70 ha lúa hai vụ. Có công trình, ruộng có nước canh tác, đã gọi được những người trong thôn đi làm xa trở về cày cấy chính trên đồng ruộng của mình.

Bí thư Ðảng ủy xã Bình Yên Hầu Văn Quy cho hay, cả xã có bảy thôn, thì có tới bốn địa danh là di tích lịch sử cấp quốc gia. Tuy vậy, xã chưa ra khỏi Chương trình 135, tiếng là nằm dọc theo dòng sông Phó Ðáy, nhưng có 50% diện tích ruộng không có nguồn nước tưới. Từ năm 2004 đến nay, được Nhà nước đầu tư hai công trình thủy lợi, trong đó thác Dẫng 1 đã đưa vào sử dụng, còn thác Dẫng 2 hiện đang thi công, là điều kiện cho bà con thâm canh cây trồng, cải thiện đời sống. Giờ người dân xã tôi đã có điều kiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, gắn với thâm canh tăng vụ.

Các xã vùng ATK đang từng bước thực hiện CNH, HÐH nông nghiệp nông thôn. 100% số hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia, từ trung tâm xã về các thôn đều có đường ô-tô, hệ thống mương xây chiếm hơn 70% trong các tuyến mương hiện có. Ðến xã nào cũng có các trường từ mầm non đến trung học cơ sở, và trạm y tế xã được xây dựng khang trang, bảo đảm đủ điều kiện khám chữa bệnh ban đầu cho nhân dân trong khu vực. Theo Chủ tịch UBND xã Tân Trào Viên Tiến Thăng cụm xã an toàn khu (ATK) đang được Ðảng và Nhà nước đầu tư hỗ trợ xây dựng kết cấu hạ tầng. Ðó là điều kiện cần để bảo đảm cuộc sống. Song muốn vươn lên làm giàu, chúng tôi cùng Sở Nông nghiệp và PTNT về các thôn điều tra, khôi phục những ngành nghề truyền thống; đồng thời trên cơ sở khai thác nguyên liệu tại chỗ, tạo điều kiện để nông dân có thêm ngành nghề mới như dệt thổ cẩm, làm mặt hàng mây tre đan, tăng thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống người dân vùng đất chiến khu xưa.

DUY HÙNG 
(Tuyên Quang)