Cũng chính nơi đây Ðảng, Bác Hồ đã chuẩn bị mọi công việc cho Cuộc Tổng khởi nghĩa trên phạm vi toàn quốc. Vinh dự và tự hào ấy đang ngày được phát huy bằng những việc làm và hành động cụ thể; truyền thống đã trở thành hành trang để Ðảng bộ và nhân dân trong tỉnh xây dựng vùng quê cách mạng vững bước trên đường hội nhập và phát triển.
Về Tuyên Quang những ngày giữa tháng 8, khi cơn bão số 4 vừa đi qua. Những dấu vết của sự tàn phá mà cơn bão để lại vẫn còn hằn trên những cây cầu, con đường và đồng ruộng ở vùng đất chiến khu cách mạng này.
Chỉ trong hai ngày 8 và 9-8, mưa lũ đã nhấn chìm 2.347 ha lúa, ngô và các cây màu khác, trong đó 405 ha lúa mùa đang thời kỳ đứng cái bị lũ quét và vùi lấp hoàn toàn. 169 ngôi nhà của dân bị ngập, sạt lở; nhiều công trình phúc lợi công cộng như cầu, đường, kênh mương,... bị ngập hoặc cuốn trôi, vùi lấp.
Theo ước tính ban đầu của tỉnh, thiệt hại do mưa lũ gây ra lên tới 29 tỷ đồng. Số tiền không nhỏ đối với Tuyên Quang, một tỉnh nghèo, thu ngân sách hằng năm chỉ khoảng 300 tỷ đồng.
Ðến các xã Ðức Ninh, Thái Sơn, Yên Phú (Hàm Yên), Yên Nguyên (Chiêm Hóa), là những nơi bị thiệt hại nặng trong đợt lũ, chúng tôi đều được chứng kiến không khí lao động thật khẩn trương để khắc phục hậu quả.
Nước rút tới đâu, bà con rửa lá ngay cho lúa để giảm tới mức thấp nhất thiệt hại. Quê nghèo, nhưng tình người rộng mở. Lá lành đùm lá rách, lá rách ít bọc lá rách nhiều.
Tình người sâu nặng ấy tôi đã được chứng kiến ngay trong những ngày còn mưa lũ khi cùng các đồng chí lãnh đạo cấp ủy, chính quyền huyện Hàm Yên dầm mình trong nước cùng nhân dân và các lực lượng vũ trang vận chuyển đồ đạc, sơ tán sáu hộ ở thôn Ðèo Quân, xã Hùng Ðức tới nơi an toàn ngay trước khi đất lở. Không có các biện pháp khẩn trương đó thì hậu quả sẽ khôn lường.
Càng thấm thía hơn khi Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng lên kiểm tra tình hình khắc phục hậu quả lũ lụt ở tỉnh đã đánh giá, đó chính là tinh thần tự lực, tự cường, ý chí và tinh thần của nhân dân vùng chiến khu cách mạng.
Truyền thống Tân Trào một thời lập nước của nhân dân các dân tộc Tuyên Quang vẫn đang hòa theo dòng chảy của cách mạng Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc hôm nay. Những năm qua, bằng cách làm sáng tạo và phù hợp điều kiện của mình, Ðảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã hòa vào không khí của công cuộc đổi mới do Ðảng khởi xướng và lãnh đạo.
Phát huy những lợi thế của địa phương đã mang lại cho tỉnh nhiều kết quả đáng khích lệ trong phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới.
Chúng tôi về Yên Nguyên, huyện Chiêm Hóa, xã hai lần được tặng danh hiệu Anh hùng: Anh hùng LLVT nhân dân trong kháng chiến chống thực dân Pháp, Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, và ông Bàn Hồng Tiên, được tuyên dương Anh hùng Lao động năm 1967 về thành tích làm thủy lợi.
Bí thư Ðảng ủy Hoàng Lai cho biết, vài năm nay, xã đã tiến hành gieo trồng ba vụ/năm. Ngoài cây lúa lai, đã khoanh vùng để liên doanh với Công ty Giống cây trồng của tỉnh sản xuất ngô giống, trồng ớt xuất khẩu nên đời sống nhân dân ngày một khấm khá. Vụ ớt vừa qua, toàn xã trồng 25 ha, bình quân 80 tấn/ ha, với giá bán 2 triệu đồng/tấn đã cho thu nhập đáng kể.
Ở huyện Sơn Dương Anh hùng, nơi có bước chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế nông nghiệp với việc đưa người nông dân tiếp cận công nghiệp.
Huyện đã quy hoạch vùng nguyên liệu mía hơn 4.000 ha để cung cấp ổn định nguyên liệu cho Công ty đường Sơn Dương. Ðể có vùng nguyên liệu ổn định, Phó Tổng giám đốc Nguyễn Phương Nam cho biết, công ty đã xây dựng cơ chế liên doanh hợp tác với nông dân.
Trong đó, công ty cung ứng giống, phân bón với lãi suất thấp (thời điểm này công ty chỉ tính lãi suất 1%) và chuyển giao kỹ thuật, thu mua toàn bộ sản phẩm và thanh toán cho dân ngay tại chân ruộng. Khi khó khăn cùng bàn bạc để tháo gỡ, chính vì vậy cây mía nguyên liệu đã trở thành cây chủ lực không chỉ xóa đói, giảm nghèo, mà còn làm giàu cho người dân Sơn Dương.
Như ở xã Phú Lương có hơn 800 ha mía với 96% số hộ tham gia trồng mía. Ðồng chí Mai Thế Cường, Chủ tịch UBND xã, cho biết, 51% số hộ dân của xã có mức thu nhập khá và giàu từ cây mía. Cây mía phát triển còn thúc đẩy phát triển đàn gia súc.
Nhưng cái được nhất, theo anh Cường, là đã thay đổi nếp nghĩ và tác phong công nghiệp trong sản xuất nông nghiệp của người dân. Có được kết quả như hôm nay là do tỉnh đã làm tốt công tác quy hoạch hình thành những vùng sản xuất tập trung chuyên canh theo hướng sản xuất hàng hóa, gắn với công nghiệp chế biến, với thị trường đồng thời tăng hiệu quả kinh tế trên một diện tích gieo trồng.
Tỉnh Tuyên Quang đã tiến hành dồn điền, đổi thửa, kiến thiết đồng ruộng (năm 2003 việc dồn điền đổi thửa đã cơ bản hoàn thành) và xây dựng hệ thống kênh mương tưới tiêu nội đồng.
Bằng phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, trong đó tỉnh hỗ trợ xi-măng, nhân dân góp công, vật liệu đã xây được 1.063 km kênh mương, bảo đảm tưới chắc cho 75% diện tích đất nông nghiệp.
Ðồng ruộng được quy hoạch gắn liền với hệ thống giao thông nội đồng và kênh mương thủy lợi là yếu tố quyết định để đưa máy nông nghiệp vào hoạt động, nên đến hết năm 2006, toàn tỉnh đã có 3.475 máy công cụ phục vụ nông nghiệp, trong đó có 2.138 máy làm đất, 1.299 máy tuốt lúa, còn lại là máy bơm và các thiết bị khác.
Máy nông nghiệp đã tham gia được ở bốn khâu, đó là làm đất, tưới tiêu, chăm sóc và vận chuyển, bảo quản chế biến. Cơ giới hóa đã tạo cho người nông dân tiếp cận và áp dụng tiến bộ mới; đồng thời cũng tiết kiệm chi phí và giảm đáng kể sức lao động. Tỉnh cũng đã hoàn thành việc đưa lưới điện về nông thôn cho tất cả các xã, phường, thị trấn với 83% số dân được sử dụng điện. Ðây chính là yếu tố quyết định tạo nên thắng lợi cho sản xuất nông nghiệp của tỉnh trong những năm qua, đặc biệt là ngay vụ xuân 2008, dù bị rét đậm, rét hại nhưng sản lượng lương thực vẫn đạt 141.019 tấn, vượt 5% so với kế hoạch.
Nông nghiệp phát triển bền vững, bảo đảm an ninh lương thực đã tạo đà để công nghiệp phát triển. Phương châm "chớp thời cơ, liên kết rộng, đột phá mạnh, hợp tác sâu" đã tạo nên những chuyển biến quan trọng trong thu hút đầu tư, huy động vốn, kỹ thuật và thị trường.
Hai động lực lớn là "truyền thống lịch sử văn hóa và đại đoàn kết các dân tộc" mà Ðại hội Ðảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2005-2010 đề ra được phát huy tối đa, tạo sức mạnh tổng hợp và sự đồng thuận trong toàn tỉnh để thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội. Tỉnh xác định năm khâu đột phá để tập trung lãnh đạo, điều hành là: quy hoạch; công nghiệp, du lịch; xây dựng cơ sở hạ tầng, giao thông, thông tin; hoàn thiện cơ chế chính sách khuyến khích, ưu đãi, kêu gọi đầu tư và cải cách hành chính.
Từ đó đã tạo ra hướng đi đúng cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Với 497 di tích lịch sử văn hóa, trong đó 83 di tích được xếp hạng di tích quốc gia, trong đó di tích đặc biệt là Khu Du lịch lịch sử văn hóa và sinh thái Tân Trào và nhiều tài nguyên quý giá như suối nước khoáng nóng Mỹ Lâm, rừng nguyên sinh Tát Kẻ - Bản Bung, Ðộng Tiên,... là nguồn "tài sản" quý, vô giá để Tuyên Quang phát triển ngành du lịch, mở hướng làm ăn mới cho nhân dân, đẩy nhanh và phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Ðây lán Nà Lừa, đình Tân Trào, cây đa Tân Trào, dấu ấn của một thời lịch sử hào hùng. Sông Lô, sông Phó Ðáy vẫn hiền hòa chảy. Hơi thở của núi rừng, sông suối chiến khu cách mạng vẫn ấm nồng như những ngày năm xưa kháng chiến. Khác chăng là truyền thống đang được phát huy bằng chính nội lực và ý chí cách mạng mới. Mạch nguồn Tân Trào mãi chảy bằng những việc làm cụ thể, thiết thực để Tuyên Quang cùng đất nước ngày càng "đàng hoàng hơn, to đẹp hơn".