Tận tâm giúp trẻ khuyết tật hòa nhập cộng đồng

Không đứng trên bục giảng, không cầm phấn viết bảng đen, cô Võ Thị Tuyết ở xã Xuân Thới Sơn, huyện Hóc Môn, Thành phố Hồ Chí Minh vẫn được các học sinh gọi thân thương là cô Tuyết, má Tuyết.
0:00 / 0:00
0:00
Cô Võ Thị Tuyết (đứng giữa) cùng con gái Nguyễn Thị Cẩm Tú (bên trái) trong buổi lễ nhận Giải thưởng Võ Trường Toản 2023.
Cô Võ Thị Tuyết (đứng giữa) cùng con gái Nguyễn Thị Cẩm Tú (bên trái) trong buổi lễ nhận Giải thưởng Võ Trường Toản 2023.

Vượt lên nỗi đau mất cánh tay phải do bom đạn chiến tranh, cô Tuyết vẫn lạc quan, nỗ lực cống hiến hết mình cho nghề giáo. Xuất thân là giáo viên dạy Ngữ văn ở cấp trung học phổ thông, nhưng bằng tình thương, sự đồng cảm với trẻ khuyết tật, năm 1997, cô Tuyết quyết định chuyển công tác về Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập cho người khuyết tật Thành phố Hồ Chí Minh (Quận 3).

Làm bạn với phụ huynh

Theo cô Tuyết, trăn trở lớn nhất đối với giáo viên dạy trẻ khuyết tật hiện nay là làm thế nào để ổn định tâm lý của phụ huynh khi họ không chấp nhận con mình là trẻ khuyết tật. Nếu phụ huynh yêu thương, thông cảm, kiên nhẫn đồng hành cùng trẻ và phối hợp tốt với giáo viên thì trẻ sẽ mau chóng tiến bộ. Mức độ trưởng thành của trẻ phụ thuộc vào cách phụ huynh, các thầy, cô giáo tương tác với trẻ như thế nào.

Nhận thức được vai trò đồng hành của gia đình, cô Tuyết cố gắng làm bạn với phụ huynh. Qua công tác tư vấn, cô trải lòng về câu chuyện của bản thân, về cách cô đã vượt qua những khó khăn trong cuộc sống. Sự chân thành, nhiệt tình của cô đã giúp phụ huynh mở lòng hơn; từ đó, có những thay đổi tích cực để tiếp tục đồng hành cùng trẻ trên hành trình hòa nhập cuộc sống.

Với cô Tuyết, sự thành công của các thầy, cô giáo dạy trẻ khuyết tật không chỉ nằm ở công tác chuyên môn, mà còn nằm ở lòng nhân ái, yêu nghề, dám chấp nhận khó khăn, nhẫn nại, bao dung, đồng cảm với trẻ và phụ huynh.

Dù khó khăn, vất vả, cô Tuyết luôn tự hào với công việc của mình và chưa bao giờ muốn từ bỏ. Món quà ý nghĩa nhất mà cô nhận được trong suốt quá trình “lái đò” chính là phụ huynh và học sinh luôn dành riêng cho cô vị trí đặc biệt trong lòng họ. “Có em gọi tôi là cô, nhưng cũng có em gọi là má Tuyết. Nhiều khi ra đường, phụ huynh, học sinh cũ còn nhớ và chào tôi nữa. Tất cả đều là niềm hạnh phúc trong quá trình làm nghề của một giáo viên dạy trẻ khuyết tật”, cô Tuyết tâm sự. Để không phụ lòng tin tưởng, yêu thương của phụ huynh, học sinh, cô Tuyết luôn tự nhủ bản thân phải tự học, tự rèn luyện để trở thành người giáo viên mẫu mực thông qua các hành động cụ thể, thiết thực và hiệu quả.

Lắng nghe tiếng nói của trẻ khuyết tật

Ngoài “bài toán” tâm lý phụ huynh, cô Tuyết còn trăn trở về việc giúp trẻ đồng hành cùng mình, hỗ trợ dìu dắt trẻ có cuộc sống tốt đẹp và đạt chất lượng tốt nhất. Để tiếp cận, làm quen với trẻ, cô Tuyết học chuyên môn từ các chuyên gia nước ngoài, học hỏi kinh nghiệm từ những thầy cô, anh chị đi trước, chọn lọc kiến thức từ sách vở, tài liệu. Không cầm phấn trắng, viết bảng đen, công việc hằng ngày của cô Tuyết là… “lăn lê bò toài” để làm bạn với trẻ. Mỗi ngày, cô dạy trung bình từ bốn đến năm trẻ, mỗi trẻ tương tác với cô trong một giờ đồng hồ. Cô Tuyết phụ trách công việc can thiệp sớm, can thiệp 1-1, nghĩa là một cô giáo sẽ làm việc với một học trò cùng một phụ huynh. Tuổi đời và tuổi hiểu của trẻ không bao giờ bằng nhau.

Trước khi hỗ trợ trẻ, cô sẽ căn cứ vào tuổi đời của trẻ, từ đó hạ dần mức độ kiểm tra đến khi trẻ cảm thấy khó khăn trong việc tiếp nhận. Thông qua các hoạt động như: vận động tinh, vận động thô, nhận thức, ngôn ngữ lời nói, ngôn ngữ diễn đạt… cô sẽ đánh giá được trẻ đang cần gì, đang ở độ tuổi nào để soạn giáo án can thiệp đúng cách. Tuy nhiên, giáo án dạy trẻ khuyết tật không thể rập khuôn và phải được thay đổi linh hoạt tùy vào tâm trạng của trẻ.

Theo cô Tuyết, mỗi đứa trẻ là một cá thể, vậy nên các thầy, cô giáo dạy trẻ khuyết tật phải cố gắng lắng nghe tiếng nói của trẻ thông qua hành động. Bên cạnh đó, cô còn nhắn nhủ phụ huynh rằng: mọi hành vi của trẻ dù có tiêu cực đến đâu thì bên trong vẫn hàm chứa một điều tích cực, hãy yêu thương, giúp đỡ trẻ vượt qua, tiến gần hơn đến mục tiêu giúp trẻ hòa nhập cộng đồng.

Một tháng trước ngày nhận quyết định nghỉ hưu, cô Tuyết đã nhận Giải thưởng Võ Trường Toản 2023. Giải thưởng minh chứng cho thành quả lao động miệt mài, tấm lòng yêu nghề, yêu trẻ của cô Võ Thị Tuyết trong suốt những năm tháng đồng hành cùng trẻ khuyết tật. Chị Nguyễn Thị Cẩm Tú, con gái của cô Tuyết chia sẻ: “Đến nay, mẹ đã có nhiều thành tựu, kết quả: từ sự tin tưởng của phụ huynh đến sự yêu mến của học sinh, nhiều bé đã có thể hòa nhập. Mình hoàn toàn ủng hộ công việc của mẹ cũng như rất tự hào về những gì mẹ đã làm”.