Tận dụng phế phẩm nông nghiệp phục vụ sản xuất

Từ lâu, phế phẩm nông nghiệp thường được nông dân chôn lấp hoặc vứt bừa bãi. Việc tận dụng nguồn rác thải này để phục vụ sản xuất sạch chính là cách giúp người dân tiết kiệm chi phí đầu tư và hạn chế ô nhiễm môi trường.
0:00 / 0:00
0:00
Người dân xã Phương Bình (huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang) bón phân ủ từ rơm cho rau sạch, an toàn.
Người dân xã Phương Bình (huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang) bón phân ủ từ rơm cho rau sạch, an toàn.

Đồng bằng sông Cửu Long là vùng trọng điểm sản xuất lương thực của cả nước. Mỗi năm, bên cạnh nông sản chính thu được, quá trình sản xuất và chế biến cũng thải ra một lượng phế phẩm nông nghiệp rất lớn như rơm rạ, trấu, mùn bã mía, vỏ trái cây, rau màu... Hiện chưa thể thống kê chính xác số liệu phế phẩm nông nghiệp khu vực này thải ra. Tuy nhiên, theo ước tính của các nhà chuyên môn, tổng số lượng có thể tương đương hoặc nhiều hơn số lượng nông sản chính mà nhà nông thu được, ước mỗi năm khoảng hơn 50 triệu tấn. Đây là nguồn nguyên liệu rất phong phú, dồi dào từ lâu chưa được thật sự quan tâm, sử dụng hiệu quả.

Gắn bó với nghề trồng rau sạch gần 5 năm, nhưng khoảng 1 năm trở lại đây, ông Trần Văn Đông ở xã Phương Bình, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang không tốn chi phí mua phân bón cho vườn rau gần 500m2 của gia đình. Tận dụng nguồn rác thải sinh hoạt hằng ngày, ông đào hố ủ, đến mùa khô cho cào lên đốt thành tro kết hợp với lượng rác thải hoai mục lắng đọng bên dưới, đem bón cho vườn rau. Với cách làm này, vườn rau cho thu nhập khá hơn vì giảm chi phí sản xuất. Ông Đông cho biết, sử dụng phân hữu cơ tự chế biến chỉ tốn công chứ không mất tiền, không dùng hóa chất cho nên rau sạch, bảo đảm an toàn thực phẩm. Hiện, chung quanh khu vực gia đình ông sinh sống có hơn 20 hộ áp dụng cách làm này. Tùy vào rác thải sinh hoạt, bà con phân loại rồi đem ủ từ 1 tháng đến 6 tháng mới bắt đầu sử dụng.

Có hộ còn xin cả vỏ trái cây, củ quả, rau màu bỏ đi ở các chợ về tận dụng ủ làm phân. Vậy nên hộ nào cũng có khu vườn xanh mướt, thêm thực phẩm sạch cho gia đình và một ít thu nhập. “Mô hình này được nhân rộng cho người dân trong xã cùng làm để góp phần bảo vệ môi trường và sức khỏe”-ông Võ Văn Mười cùng xã cũng theo mô hình này, nói đầy tâm đắc.

Còn tại huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang, thay vì vứt chung các loại rác thải để đưa đến nơi thu gom hoặc mất công lấy rác thải hữu cơ trong sinh hoạt hằng ngày đem đi đốt bỏ, chôn lấp thì đến nay, một số gia đình ở xã Vĩnh Hòa Hiệp đã tận dụng chế thành phân sinh học tưới, bón cho rau màu. Cách làm này không chỉ có tác dụng xử lý mùi hôi của rác thải, làm giảm ô nhiễm mà còn giúp giảm chi phí phân bón, sản xuất được rau sạch dùng trong các bữa ăn.

Bà Trần Thùy Linh cho biết, gia đình bà thường lấy rác thải là vỏ trái cây, rau củ quả bỏ đi cho vào thùng nước rồi đổ men vi sinh, để từ từ phân hủy xong lấy nước tưới cây rất tốt. Nhiều gia đình trong xã cùng làm như thế và có được những vườn rau sạch tươi tốt; góp phần giảm ô nhiễm nguồn nước, môi trường.

Theo các chuyên gia, đồng bằng sông Cửu Long có nguồn phế phẩm nông nghiệp vô cùng lớn. Một loại phế phẩm rất nhiều là trấu, trước đây được xem là chất thải gây rất nhiều khó khăn cho các nhà máy chế biến lúa gạo. Với sản lượng hơn 25 triệu tấn lúa mỗi năm, sau khi xay xát, vùng châu thổ Cửu Long thải ra hơn 1,5 triệu tấn trấu. Ngoài ra, trong quá trình trồng mía mỗi năm cũng thải ra hàng triệu tấn mùn, bã mía. Đây đều là những nguồn nguyên liệu dồi dào để người dân sử dụng lại trong quá trình sản xuất nông nghiệp. Theo các nghiên cứu, lượng dinh dưỡng chứa trong 7 tấn rơm rạ nếu được sử dụng để làm phân hữu cơ tương đương 2 bao urê, 1 bao lân và 4 bao kali...

Thực tế cho thấy, nhu cầu sử dụng phân bón hữu cơ của Việt Nam rất cao, khoảng 13 triệu tấn mỗi năm; trong khi đó, công suất của các nhà máy sản xuất phân hữu cơ rất thấp, chưa đến 1 triệu tấn mỗi năm. Giá phân bón hóa học tăng cao và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến sản xuất nông nghiệp ngày càng nghiêm trọng. Do đó, việc khai thác nguồn nguyên liệu từ phế phẩm nông nghiệp được coi là hướng đi quan trọng, phù hợp xu hướng phát triển nông nghiệp xanh, sạch hiện nay. Theo báo cáo, lượng phân bón sử dụng tại đồng bằng sông Cửu Long vượt 35% so với mặt bằng chung của cả nước, vì vậy, việc sử dụng lại phế phẩm để phục vụ sản xuất là hết sức cần thiết.

Thống kê của Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy, hiện nay trên cả nước, mỗi ngày lượng chất thải sinh hoạt khoảng 60.000 tấn, trong đó khu vực đô thị chiếm gần 40.000 tấn. Dự báo đến năm 2025, tỷ lệ phát sinh chất thải tăng khoảng 10-16% mỗi năm. Nhằm giải quyết vấn đề nêu trên, ngoài việc đầu tư đúng mức các bãi tập kết rác, việc áp dụng các công nghệ xử lý rác tiên tiến và phù hợp được các chuyên gia quan tâm.

Và một trong những phương pháp hiệu quả hiện nay là chú trọng phân loại rác ngay từ hộ gia đình, cơ sở sản xuất, sau đó tận dụng rác thải hữu cơ để ủ phân phục vụ sản xuất. Cụ thể, rác thải từ hộ gia đình, cơ sở sản xuất sẽ được phân thành 3 loại: Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm và chất thải khác. Theo đó, những chất thải thực phẩm và chất thải nông nghiệp chính là nguyên liệu quan trọng để làm ra phân hữu cơ phục vụ sản xuất, giảm thiểu được cả chi phí xử lý rác thải và chi phí đầu vào cho nông nghiệp.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Cần Thơ Trần Thái Nghiêm cho biết: Ngành nông nghiệp Cần Thơ đang phối hợp các viện nghiên cứu, trường đại học tiếp tục nghiên cứu giải pháp nâng cao hiệu quả thu gom xử lý phế phẩm; phối hợp Viện nghiên cứu lúa quốc tế IRRI và một số viện nghiên cứu, trường đại học để có công nghệ phối trộn xử lý phân hữu cơ quy mô lớn. Các giải pháp xử lý chất thải nông nghiệp, chăn nuôi được nhiều đơn vị nghiên cứu để có những dòng nấm và thích hợp cho từng đối tượng cụ thể; ngành nông nghiệp tiếp tục tiếp thu, thông qua các chương trình, dự án hoạt động nhằm sớm lan tỏa mô hình...

“Chúng tôi sẽ bám sát thực tế của người nông dân để có các giải pháp. Việc sử dụng lại rác thải nông nghiệp giúp nâng cao lợi nhuận sản xuất, phát triển nền nông nghiệp xanh, bền vững và góp phần bảo vệ môi trường”, Cục trưởng Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Trung khẳng định.