Công ty trách nhiệm hữu hạn On Semiconductor Việt Nam (Khu công nghiệp Biên Hòa 2), 100% vốn đầu tư Hoa Kỳ, chuyên sản xuất và gia công các mạch tích hợp, linh kiện bán dẫn cho công nghệ mạch điện rời. Năm 2012, doanh nghiệp đầu tư nhà máy tại Ðồng Nai với 96 triệu USD, đến nay, số vốn đã tăng lên gấp bốn lần.
Theo ông Mohanagumaran Elanjaran, Tổng Giám đốc công ty, quá trình hoạt động luôn được sự hỗ trợ của chính quyền tỉnh trong giải quyết các thủ tục. Mặt khác, Ðồng Nai có nguồn lao động sẵn có đã giúp doanh nghiệp nhanh chóng tuyển được nhân viên vận hành máy móc để kịp thời tăng tốc sản xuất. Trong thời gian dịch Covid-19 bùng phát mạnh năm 2021, chính quyền các cấp đã có những biện pháp kiểm soát hiệu quả, tổ chức tiêm vắc-xin để tạo miễn dịch cộng đồng, hỗ trợ thực hiện "3 tại chỗ".
Tất cả những điều đó, giúp công ty hoàn thành các hợp đồng với khách hàng đúng hạn và tăng tốc phát triển sau khi dịch được kiểm soát. "Chúng ta sẽ cùng nhau hợp tác để mang lại nhiều đầu tư hơn cho Ðồng Nai cũng như chính công ty. Ðây mới chỉ là bước khởi đầu của chiến lược mới để chúng tôi áp dụng tự động hóa năng lượng, thúc đẩy tăng trưởng và đầu tư vào công nghệ mới tối tân mà thế giới đang tập trung phát triển", ông Mohanagumaran Elanjaran chia sẻ.
Trong 43 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới đầu tư vào Ðồng Nai, các doanh nghiệp đến từ Hàn Quốc đang dẫn đầu với khoảng 7,2 tỷ USD, chiếm hơn 21% trong tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào địa phương. Ðây cũng là tỉnh có thu hút vốn đầu tư của Hàn Quốc lớn nhất nước ta thời điểm hiện tại.
Dòng vốn của doanh nghiệp Hàn Quốc đăng ký vào Ðồng Nai đa số thuộc lĩnh vực công nghiệp, thương mại dịch vụ và gần đây mở rộng sang hạ tầng kỹ thuật, bất động sản. Trong ba tháng đầu năm nay, các doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư vào Ðồng Nai 8 dự án, gồm đầu tư mới và tăng vốn với 270 triệu USD, chiếm hơn 52% tổng vốn FDI của tỉnh. Một số doanh nghiệp Hàn Quốc cho biết, nếu Ðồng Nai có diện tích đất công nghiệp lớn cho thuê thì dòng vốn từ Hàn Quốc đầu tư vào tỉnh sẽ tiếp tục tăng nhanh trong thời gian tới.
Ông Lim Jae Hoon, Tổng lãnh sự Hàn Quốc tại Thành phố Hồ Chí Minh mong muốn Ðồng Nai xây dựng một kế hoạch thu hút đầu tư cụ thể với những chính sách khuyến khích đi kèm. Bởi hiện tại, Ðồng Nai nói riêng và Việt Nam nói chung đều đề cập thu hút FDI trong các lĩnh vực công nghệ cao, thân thiện môi trường, năng lượng tái tạo... Tuy nhiên, đứng trên phương diện của các nhà đầu tư nước ngoài sẽ rất khó đưa ra quyết định nếu 63 tỉnh, thành phố của Việt Nam đều đưa ra những nội dung tương tự như vậy.
Thực tế, mỗi địa phương sẽ có những điểm khác biệt về cơ cấu nguồn nhân lực, tài nguyên, hạ tầng, thậm chí về mặt vận dụng các quy định pháp luật ở từng nơi cũng có sự chênh lệch đáng kể. Ðiều mà các doanh nghiệp FDI mong muốn chính là việc tiếp cận các thông tin một cách chính xác và có thể dự đoán được về môi trường đầu tư. Cụ thể, như các ưu điểm, khuyết điểm phần cứng của từng địa phương; các chính sách hỗ trợ mang tính chất phần mềm của cơ quan hành chính các tỉnh. "Tôi mong rằng tỉnh Ðồng Nai sẽ xây dựng được định hướng phát triển công nghiệp dựa trên việc tận dụng các ưu điểm và những đặc trưng của địa phương mình, để đưa ra chiến lược thu hút đầu tư phù hợp", ông Lim Jae Hoon nói.
Giám đốc Sở Kế hoạch và Ðầu tư Ðồng Nai Nguyễn Hữu Nguyên thông tin, quý I/2023, thu hút FDI của Ðồng Nai đạt hơn 500 triệu USD, tăng 3,5 lần so cùng kỳ năm 2022. Ðến nay, tỉnh có 1.575 dự án FDI còn hiệu lực, với tổng số vốn 33,76 tỷ USD. Dù tổng số vốn FDI tăng mạnh so với cùng kỳ, nhưng các dự án FDI đầu tư mới đều sản xuất quy mô nhỏ vào các khu công nghiệp. Nguyên nhân là quỹ đất công nghiệp sẵn sàng cho nhà đầu tư thuê không còn nhiều, do vướng bồi thường giải tỏa và chưa hoàn tất các thủ tục pháp lý triển khai đầu tư hạ tầng kỹ thuật.
Ðồng thời, các tập đoàn lớn sử dụng công nghệ cao, khi có nhu cầu đầu tư vào các khu công nghiệp, bên cạnh quỹ đất, nhà đầu tư còn quan tâm đến hệ sinh thái của khu công nghiệp, gồm: Hệ thống hạ tầng, kỹ thuật, khu dân cư, nhà ở cho công nhân, thương mại dịch vụ kèm theo… Trong khi hiện nay, nhiều khu công nghiệp trên địa bàn Ðồng Nai chưa bảo đảm đủ các yếu tố trên để thu hút các nhà đầu tư lớn.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Ðồng Nai Nguyễn Thị Hoàng cho biết, để tiếp tục thu hút các nhà đầu tư, tỉnh đang khẩn trương, phối hợp với đơn vị tư vấn, hoàn thiện và trình phê duyệt hồ sơ quy hoạch tỉnh Ðồng Nai giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050. Tỉnh cũng công khai danh mục thu hút đầu tư, kêu gọi đầu tư, danh mục dự án đấu giá, đấu thầu, để thực hiện kêu gọi các nhà đầu tư có đủ năng lực, kinh nghiệm tham gia.
Tháng 3 vừa qua, Ủy ban nhân dân tỉnh đã phê duyệt danh mục dự án kêu gọi đầu tư của tỉnh và tổ chức gặp gỡ, đối thoại với hơn 200 doanh nghiệp FDI để kịp thời giải quyết các vướng mắc: "Tỉnh Ðồng Nai cam kết thực hiện nhất quán phương châm chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp. Lãnh đạo tỉnh và các sở, ngành luôn cầu thị, tiếp thu các ý kiến của doanh nghiệp và giải quyết những vấn đề trong khuôn khổ pháp lý cho phép. Ngoài ra, Ðồng Nai thực hiện thu hút đầu tư có chọn lọc, chọn nhà đầu tư tốt nhất, ưu tiên các dự án thân thiện môi trường, công nghệ cao và phát triển công nghiệp xanh theo xu hướng của thế giới", Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Hoàng cho biết ■