TS Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT quốc gia nhấn mạnh, ATGT là lĩnh vực liên quan nhiều đối tượng, trong đó, quan trọng nhất chính là con người. Để xây dựng môi trường giao thông an toàn, cần làm cho người tham gia giao thông thực hiện nghiêm các quy tắc bảo đảm ATGT, có niềm tin quy tắc đó đem lại điều tốt đẹp cho chính họ, gia đình và xã hội. Tuyên truyền, phổ biến quy định pháp luật về ATGT là một trong những vấn đề quan trọng để xây dựng được niềm tin đó và báo chí, truyền thông chính là người truyền niềm tin về sự đúng đắn của ATGT cho người dân.
Năm 2020, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13 đã đề ra mục tiêu đến năm 2045, Việt Nam trở thành một quốc gia phát triển, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược bảo đảm trật tự ATGT đường bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, nêu mục tiêu tầm nhìn “Vision zero” (một xã hội không còn thương vong do tai nạn giao thông đường bộ). Đây cũng là thông điệp, cam kết của những người làm công tác bảo đảm ATGT, hướng đến mục tiêu không còn thương vong do tai nạn giao thông đường bộ.
TS Khuất Việt Hùng cũng đặt vấn đề trong tình hình hiện nay, tai nạn giao thông còn diễn biến phức tạp, nhiều người tỏ ra hoài nghi về tính khả thi của tầm nhìn “Vision zero” mà Việt Nam đang thực hiện. Tuy nhiên, từ năm 1997, Quốc hội Thụy Điển đã bỏ phiếu biểu quyết đặt ra tầm nhìn này và “Vison zero” cũng được nhiều quốc gia khác như: Na Uy, Đức, Áo, Thụy Sĩ áp dụng, tất cả đều hành động, biến khát vọng thành hiện thực.
Chính tầm nhìn “Vision zero” là động lực giúp các quốc gia định hình, sửa đổi quy định pháp luật, xây dựng chính sách về hạ tầng, phương tiện, giáo dục, truyền thông, cải thiện năng lực về cấp cứu y tế và khắc phục hậu quả tai nạn. Từ thực hiện tầm nhìn này, thời điểm năm 2013, tỷ lệ tai nạn giao thông nói chung tại các quốc gia này giảm 5 lần so năm 1980.
Chia sẻ tại hội thảo, bà Judy Fleiter, Giám đốc toàn cầu Hiệp hội An toàn đường bộ toàn cầu (GRSP) cho rằng, các chiến dịch truyền thông về ATGT đều phải hướng đến con người bằng sự kiên trì của các nhà chức trách, cơ quan báo chí truyền thông với những chứng cứ khoa học, chính xác để chứng minh. Thí dụ, có những người thường xuyên lái xe sau khi uống rượu, bia, dù có nguy cơ tai nạn giao thông rất cao nhưng chưa từng gặp hậu quả hay bị cảnh sát bắt. Khi đó, việc tuyên truyền về hậu quả, cách thức xử phạt đối với hành vi tương tự sẽ giúp họ nâng cao ý thức về sự nguy hiểm đối với bản thân.
Các ý kiến của các chuyên gia chia sẻ tại hội thảo cũng tập trung vào nâng cao hiệu quả truyền thông về bảo đảm ATGT, từ đó, giúp nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi có nguy cơ cao gây TNGT, góp phần xây dựng môi trường giao thông an toàn.