Tấm gương "phận liễu chí tùng"

Khoảng dăm năm trở lại đây, đền thờ Quỳnh Hoa Thánh Mẫu sau khi được trùng tu tôn tạo khang trang đã thu hút đông đảo khách thập phương về chiêm bái.
0:00 / 0:00
0:00
Hình tượng Quỳnh Hoa Thánh Mẫu được Nhà hát Tuồng Việt Nam tái dựng tại khu di tích đền Vĩnh Mộ.
Hình tượng Quỳnh Hoa Thánh Mẫu được Nhà hát Tuồng Việt Nam tái dựng tại khu di tích đền Vĩnh Mộ.

ĐỀN thờ Thánh Mẫu thuộc thôn Vĩnh Mộ (xã Nguyễn Trãi, huyện Thường Tín, Hà Nội), nên người dân nơi đây vẫn quen gọi "đền Vĩnh Mộ". Đền nằm giữa khuôn viên di tích, phía trước là sân rộng có hai cột kỳ đài, ao sen, khu vườn cây bốn mùa xanh mát, phía sau là chẩm - tương truyền là nơi Ngài hóa - tượng trưng đôi "mắt rồng" cân đối tiền hậu.

Từ nhiều nguồn cứ liệu lịch sử, cả thành văn và dân gian cho thấy, Quỳnh Hoa Thánh Mẫu là một vị nhân thần, hóa thân của Công chúa Quỳnh Hoa, tên thật Khúc Thị Ngọc (con gái Tiên chúa Khúc Thừa Dụ), người đất Hồng Châu. Sử sách chép rằng, ngay từ thuở nhỏ Khúc Thị Ngọc đã sớm bộc lộ thiên tư thông minh, ý chí mạnh mẽ ẩn trong vẻ mảnh mai khuê các. Là tiểu thư con nhà gia thế nhưng nàng ham việc sông nước, đồng áng. Thời gian sống cùng phụ thân tại phủ Tống Bình, công chúa Quỳnh Hoa khi ấy đã không ít lần được dự bàn việc quân trung, trách nhiệm hậu cần, đánh đuổi giặc phương bắc. Sau khi Tiên chúa băng hà, Trung chúa Khúc Hạo thay cha trị vì đất nước. Dành toàn tâm toàn ý lo kế dân sinh, Công chúa Khúc Thị Ngọc tự nguyện rời chốn cung vàng điện ngọc, lui về vùng nông thôn, phía nam thành Đại La. Sớm tối, canh cửi tầm tang, công chúa giúp dân nghèo khai hoang phục hóa vùng đất sình lầy thành ruộng vườn, làng mạc, chợ búa trù phú.

Đoạn này, truyền thuyết còn lưu trong dân gian kể: Khi ở phủ Tống Bình, một hôm bà đi thuyền dạo chơi Tây Hồ, gặp mưa to, bèn vào chùa Trấn Quốc thỉnh chuông niệm Phật. Tiếng chuông ngân vang, bỗng phía Hồ Tây có con trâu vàng xuất hiện cúi đầu xin theo hầu. Quỳnh Hoa xuống thuyền, trâu vàng rẽ nước băng lên phía trước dẫn lối. Kỳ lạ thay, thuyền bà lướt tới đâu, thì lạch nước hóa thành sông (dòng Kim Ngưu bây giờ), bãi lầy thành đồng ruộng, làng xóm, chợ búa cũng theo đó mà trù phú. Đến lúc gặp một vùng nước trong biếc, bà hạ lệnh dừng thuyền, xuống tắm. Xong bà bước lên gò cao và hóa. Nơi bà tắm dân làng gọi là chẩm, nơi bà hóa nhân dân lập đền thờ, suy tôn Quỳnh Hoa Thánh Mẫu, quanh năm hương khói.

Không chỉ có truyền thuyết dân gian, tại đền Vĩnh Mộ vẫn còn lưu giữ được ba đạo sắc phong của các vua triều Nguyễn (Thành Thái, Duy Tân, Khải Định), sắc phong cho Công chúa Khúc Thị Ngọc là bậc thần linh, càng về sau càng trân trọng và thêm nhiều mỹ tự, như "Trinh uyển tôn thần" (Bà chúa tiết hạnh, thuần hậu, một vị thần đáng tôn kính). Năm 1938, để ghi công đức, sự nghiệp của bà, dân chúng quanh vùng đã cùng trùng tu ngôi đền, đồng thời Hội Tư văn toàn khu đã làm bài ký khắc sơn son thếp vàng, cùng một bài thơ chữ Hán khắc lên cuốn thư treo chính điện. Sau có người dịch bài thơ rằng: "Lê triều truyền thánh tích/ Công chúa tối hiển linh/ Sắc đẹp trùm thiên hạ/ Duy nhất lòng trung trinh/ Muôn năm lừng thắng địa/ Ba xã nổi danh thiêng/ Xa gần trọng công đức/ Phúc tinh sáng một miền". Đến năm 1995, một lần nữa ngôi đền được tôn tạo với ba gian lợp ngói và một hậu cung. Trên bệ thờ có tượng Thánh Mẫu tĩnh tọa tòa sen trong khán cổ. Ngày 4/2/2003, tại Quyết định số 158/QĐ-UB, Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tây (nay thuộc Hà Nội) công nhận đền thờ Công chúa Khúc Thị Ngọc (tức Quỳnh Hoa Thánh Mẫu) là di tích lịch sử văn hóa cần được bảo vệ lâu dài.

Những năm gần đây, Hội đồng Gia tộc họ Khúc Việt Nam đã thường xuyên phối hợp chính quyền và người dân địa phương, đầu tư trùng tu tôn tạo khang trang ngôi đền, tổ chức lễ hội, nhất là mỗi dịp Tết đến xuân về và ngày giỗ của Thánh Mẫu (nhằm 15/3 âm lịch). Lễ hội Vĩnh Mộ vẫn giữ được nếp xưa, tiến hành theo nghi thức truyền thống, vừa nghiêm cẩn, linh thiêng, vừa rộn ràng phấn chấn, cầu mong mưa thuận gió hòa, đất nước thái bình, nhân khang vật thịnh.

Để tri ân công đức Quỳnh Hoa Thánh Mẫu, không chỉ có Vĩnh Mộ, từ lâu bà cũng đã được nhân dân nhiều nơi lập đền hương khói phụng thờ, qua đó, tôn bồi các giá trị truyền thống, uống nước nhớ nguồn, tri ân công đức tổ tiên, giáo dục đạo đức, nhất là với thế hệ trẻ.