Thời điểm trước tháng 10-2013, chỉ những người thực thi nhiệm vụ hoặc hoạt động thể dục-thể thao mới được cấp bằng A2 điều khiển xe mô-tô từ 175 phân khối trở lên. Sau khi có những quy định nới lỏng nêu trên, số lượng người được cấp bằng A2 tăng lên nhanh chóng và số lượng xe phân khối lớn lưu hành vì thế cũng tăng theo. Trong đó, không ít dòng xe vẫn chưa tương đồng với người điều khiển ở nước ta. Bởi xe phân khối lớn được sản xuất tại nước ngoài, với tiêu chuẩn là những người có chiều cao trên 1,75 m, do đó chưa phù hợp người Việt. Đơn cử, chiều cao yên xe của chiếc mô-tô Yamaha R1 2015, dung tích 1.000cc là 85,6 cm, trong khi đối với một chiếc xe máy SH phổ thông cho người Việt Nam chỉ là 78,5 cm. Như vậy, chỉ với việc ngồi lên xe đã là trở ngại, chưa tính tới điều khiển, xử lý tình huống trên đường, đặc biệt với những người thấp bé, nhẹ cân mà lại thích cảm giác mạnh. Và thực tế, không ít người đã điều khiển xe phân khối lớn, với tốc độ cao gây ra những vụ tai nạn đáng tiếc.
Thời gian qua, số vụ tai nạn do phương tiện này gây ra là không ít. Điển hình là vụ một thành viên đoàn bảo vệ cuộc đua xe đạp nữ quốc tế Bình Dương bị Ngô Tiến Phụng (22 tuổi, trú tại TP Long Xuyên, An Giang) điều khiển mô-tô phân khối lớn chạy tốc độ cao đâm chết ngày 1-3. Hay vụ tai nạn giao thông do mô-tô phân khối lớn gây ra tại giao lộ Đinh Tiên Hoàng - Điện Biên Phủ (quận 1, TP Hồ Chí Minh) vào tháng 9-2014, khiến một người chết và hai người bị thương. Gần đây nhất, ngày 7-5, anh Giắc-cốp Phạm (38 tuổi, quốc tịch Mỹ) chạy mô-tô CBR 1000 Repsol từ đường Phạm Ngọc Thạch hướng về Đồng Khởi (quận 1), đến vòng xoay nhà thờ Đức Bà, đã xảy ra va chạm với xe máy Dream của anh Lê Văn Dương (19 tuổi, ở Sóc Trăng). Cú đâm mạnh khiến mô-tô CBR 1000 Repsol đè chồng lên xe Dream, cả hai người đều bị thương nặng...
Phòng CSGT đường bộ, đường sắt Công an TP Hồ Chí Minh ghi nhận, từ năm 2014 đến nay, thành phố xảy ra năm vụ tai nạn liên quan mô-tô phân khối lớn, làm chết bốn người và bị thương năm người. Nguyên nhân của các vụ tai nạn giao thông do xe mô-tô phân khối lớn gây ra hầu hết đều xuất phát từ ý thức người điều khiển, như: vi phạm quy tắc giao thông, đi sai phần đường, làn đường, không làm chủ tốc độ... Bên cạnh đó, công tác sát hạch, đào tạo lái xe bằng A2 chưa phù hợp thực tiễn hoạt động giao thông Việt Nam; hạ tầng giao thông cho xe phân khối lớn chưa được đáp ứng; công tác quản lý, tuyên truyền an toàn giao thông đối với người điều khiển mô-tô còn hạn chế.
Ngoài ra, vẫn còn một số người điều khiển xe mô-tô phân khối lớn không tuân thủ quy định pháp luật khi tham gia giao thông, như: Vi phạm quy định về tốc độ, không có giấy phép lái xe, không đội mũ bảo hiểm, phóng nhanh, lạng lách, đánh võng, nẹt pô tạo tiếng ồn lớn,... gây phản cảm trong dư luận xã hội.
Từ sự nới lỏng quản lý của các cơ quan chức năng cho phép thi lấy bằng A2, đã thúc đẩy hình thành, phát sinh nhiều diễn đàn, câu lạc bộ, nhóm tự phát về xe mô-tô phân khối lớn. Theo đó, các diễn đàn, câu lạc bộ hoạt động làm thỏa mãn niềm đam mê tốc độ của các thành viên, nhưng hầu hết không chú trọng hướng dẫn kỹ năng lái xe an toàn, ý thức tuân thủ pháp luật và có văn hóa khi tham gia giao thông.
Mới đây, chúng tôi có dịp thực tế cùng một câu lạc bộ mô-tô "cấp tỉnh", ngồi trên chiếc xe sport 1.500 phân khối chạy trong tuyến đường liên xã vào một khu du lịch. Tôi "đứng tim" khi cúi rạp trên lưng người lái, ngó đồng hồ công-tơ-mét là 90 dặm/giờ (tương đương 150km/giờ). Trong điều kiện đường sá như hiện nay, chỉ một sơ suất nhỏ hay gặp người, súc vật, tai họa là khôn lường. Thảng thốt hơn khi đang thở phào nhẹ nhõm vì hành trình kết thúc, anh chủ tịch câu lạc bộ tuyên bố "xanh rờn": "Cậu chở em không có xe, ai đưa xe cũng chạy được! Hắn không cần quen xe, chạy thế là tốt lắm (!)".
Đại tá Lê Xuân Đức, Trưởng phòng Tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ, Cục CSGT (Bộ Công an) cho biết: Thời gian qua, những vi phạm của người điều khiển mô-tô phân khối lớn đã được lực lượng CSGT xử lý nghiêm. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện vẫn còn một số vướng mắc, khó khăn. Thí dụ, hành vi gây tiếng ồn quá quy định đối với xe mô-tô chưa được quy định cụ thể về xử phạt và lực lượng chức năng cũng chưa có thiết bị đo bao nhiêu decibel thì vi phạm... Được hỏi, thời gian qua người dân bức xúc về những đoàn mô-tô phân khối lớn diễu hành, giành đường và có nhiều hành vi thái quá, vậy thành viên của các câu lạc bộ xe phân khối lớn có quyền ưu tiên? Đại tá Lê Xuân Đức khẳng định: "Theo quy định của pháp luật về giao thông đường bộ, các xe phân khối lớn thuộc các câu lạc bộ không thuộc quyền ưu tiên".
Sở hữu xe mô-tô phân khối lớn là điều bình thường và cũng là thú chơi của khá nhiều người, không vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, không ít những người điều khiển xe phân khối lớn gây ra sự khó chịu, phản cảm cho người tham gia giao thông hoặc dẫn đến các vụ tai nạn chết người chỉ vì không tuân thủ pháp luật. Đề nghị các cơ quan chức năng xem xét, siết lại việc cấp bằng lái xe mô-tô A2; tuyên truyền rộng rãi để người dân hiểu về loại phương tiện này cũng như quyền sử dụng bình đẳng với các phương tiện khác, tránh sự thái quá, phản cảm trong xã hội.