Tái diễn tình trạng môi giới bất động sản lừa đảo khách hàng

Môi giới bất động sản là loại hình dịch vụ có vai trò rất quan trọng đối với thị trường, góp phần thúc đẩy sản phẩm nhà ở đến tay người dân. Tuy nhiên hiện nay do công tác quản lý còn “bỏ ngỏ” dẫn đến việc giá đất ở nhiều nơi bị thổi lên cao hơn giá trị thật, tạo ra những cơn sốt “ảo”, gây nhiễu loạn thị trường bất động sản (BĐS).
0:00 / 0:00
0:00
Trao đổi thông tin về một dự án bất động sản.
Trao đổi thông tin về một dự án bất động sản.

Vài tháng nay, cuối tuần nào anh Nguyễn Trung trú tại quận Hoàng Mai (Hà Nội) cũng đi tìm mua nhà. Theo lời quảng cáo của một môi giới trên mạng Facebook, một căn biệt thự diện tích gần 80 m2 tại khu đô thị lớn tại Hà Nội hiện được chủ nhà giảm giá tới 10 tỷ đồng so với lúc đỉnh cao, xuống hơn 15 tỷ đồng. Đáng nói là căn biệt thự này sở hữu vị trí đắc địa khi trước mặt là khu công viên rộng lớn, có đầy đủ sân tennis, sân bóng rổ, hồ bơi… Tuy nhiên, khi liên hệ với chủ tài khoản Facebook trên thì được biết, căn nhà anh này quảng cáo đã được “bán rồi”. Vì thế, anh giới thiệu cho anh Trung một căn shop house khác có diện tích 67,5 m2, nằm trên mặt đường 42 m, đã hoàn thiện, đang cho thuê. Giá của căn shop house là 13,5 tỷ đồng. “Hôm nào anh thu xếp được công việc, em dẫn chị đi xem thực tế dự án mới thấy hết được ưu điểm của căn nhà phố này. Anh nên quyết sớm vì chủ nhà đang thiện chí muốn bán”, môi giới này chào mời.

Thực tế, việc dùng các căn hộ ảo với giá hấp dẫn để câu khách rồi hướng sang căn hộ đang cần bán khác không còn là chiêu thức mới lạ của môi giới. Cũng tìm hiểu một số căn liền kề tại các dự án ngoại ô phía tây Hà Nội như Lideco, Hinode Park, Geleximco (huyện Hoài Đức)… anh Hoàng Tuấn được nhiều môi giới chào mời nhiệt tình. Dù thế, đến nay vợ chồng anh vẫn chưa chốt được căn nào. “Không phải vợ chồng tôi khó tính quá, mà cứ ưng căn nào đến khâu cuối cùng trả giá, cảm giác như sắp mua được rồi thì môi giới lại báo… đã có người đặt cọc. Thậm chí, có những căn liền kề trên dưới 100 m2 họ rao giá 10 tỷ đồng, tôi trả tới 9,5 tỷ đồng nhưng chưa chốt được thì chỉ một vài hôm sau “cò” lại báo đã có khách chốt, chỉ chênh hơn vợ chồng tôi 100 triệu đồng, muốn mua lại thì phải trả lên 9,7 tỷ đồng”, anh Tùng bức xúc chia sẻ.

Theo anh Tuấn, chiêu lừa đảo “treo đầu dê, bán thịt chó” này vô cùng phổ biến được các môi giới sử dụng nhằm tìm kiếm khách hàng. Không chỉ đăng nhà giá ảo và không bán nhà thật, nhiều môi giới còn đăng thông tin một nhà nhưng lại sử dụng hình ảnh của một ngôi nhà khác. Nhiều căn được đăng bán với giá rất rẻ nhưng hình ảnh lại vô cùng long lanh. Không ít môi giới quảng cáo bán nhà tại một dự án, nhưng lại tư vấn cho khách hàng mua nhà tại dự án khác…

Tái diễn tình trạng môi giới bất động sản lừa đảo khách hàng ảnh 1

Các nhà đầu tư tìm hiểu về thị trường bất động sản. (Ảnh MINH LÂM)

Một chiêu trò tinh vi khác là các đối tượng môi giới không đủ tiêu chuẩn tham gia vào hệ thống bán hàng của các dự án lớn nhưng lại lấy thông tin của các công ty, đại lý BĐS chính thống đăng tải trên mạng xã hội, trang quảng cáo, rao vặt để lừa đảo hoặc dụ khách hàng mua nhà, đất ở vị trí khác. Đáng nói hơn, nhiều đối tượng lấy thông tin căn hộ ở các tòa chung cư và đăng bán cho khách hàng với mục đích lừa đảo. Cụ thể, trên nhóm Cộng đồng cư dân Vinhomes Ocean Park Gia Lâm, một tài khoản Facebook ở tòa nhà S2 Ocean Park đã cảnh báo đến cư dân có đối tượng giả dạng làm khách vào xem nhà chị để thuê nhà, xin quay video nhà và “sổ đỏ” để chứng minh là chính chủ.

Tuy nhiên, dữ liệu này sau đó được đối tượng dùng để lừa đảo bằng chiêu trò rao bán căn hộ 2 phòng ngủ đã bị ngân hàng phát mại do chủ nhà nợ xấu, với giá rẻ 1,4 tỷ đồng. Một người mua đã “sập bẫy”, nộp tiền đặt cọc và chỉ khi đến trao đổi với chủ nhà để làm các thủ tục liên quan mới phát hiện mình bị lừa. Chị Thùy Nhung, một môi giới BĐS đã chuyển nghề ở quận Long Biên (Hà Nội) kể, thông thường “cò” đất có nhiều chiêu trò để dồn người mua vào thế phải mua giá cao. Nhất là trong giai đoạn thị trường khủng hoảng, hay hiện nay cũng vậy, để kích giá, đẩy thị trường, nhiều môi giới không ngại “bắt tay” nhau tung chiêu hô hào, “thổi” giá. Câu chuyện trên thị trường như những trường hợp khách hàng kể trên không phải hiếm. Có điều, các thủ đoạn của môi giới ngày càng đa dạng, tinh vi hơn...

Theo Hội Môi giới BĐS Việt Nam, trong nhiều năm qua, Luật Kinh doanh BĐS năm 2014 đã trao quyền cho các chủ đầu tư dự án BĐS được tự quyết định phương thức đưa sản phẩm của mình đến với khách hàng. Mỗi năm, các nhà phát triển, chủ đầu tư BĐS tạo ra hàng trăm nghìn sản phẩm, góp phần thúc đẩy phát triển hạ tầng đô thị, hạ tầng dịch vụ và nhà ở. Nhưng thực tế, vẫn có không ít các công ty BĐS “nói một đằng, làm một nẻo”, đưa ra thị trường những sản phẩm nhập nhèm về điều kiện bán hàng hoặc thiếu các thủ tục pháp lý… rồi sử dụng chiêu bài “chim mồi” và hiệu ứng đám đông để câu khách hàng. Hậu quả để lại là gây nhiều bất ổn cho thị trường BĐS với những vụ khách hàng, nhà đầu tư khiếu nại, kiện cáo, tranh chấp, biểu tình…

Điển hình mới đây nhất là vụ lừa đảo của Công ty Lộc Phúc (TP Hồ Chí Minh). Theo điều tra của cơ quan công an, Công ty Lộc Phúc đang mở sàn giao dịch BĐS ảo tại một bãi đất trống thuộc xã An Viễn, huyện Trảng Bom (Đồng Nai) để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của khách hàng. Theo tài liệu điều tra ban đầu, một lô đất có giá chỉ khoảng vài trăm triệu đồng, nhưng công ty này đã tự vẽ lên dự án, rao bán với giá từ 2-3 tỷ đồng. Khách hàng có nhu cầu mua nhà ở TP Hồ Chí Minh được chúng hẹn chở đi xem nhà, nhưng lại chở thẳng xuống tỉnh Đồng Nai xem đất của những dự án mà chúng vẽ ra các viễn cảnh giống trong mơ, như gần đường cao tốc, gần các khu công nghiệp, gần sân bay quốc tế Long Thành… rồi dùng các chiêu trò, thủ đoạn bắt ép khách hàng đặt cọc, nhằm chiếm đoạt. Số tiền công ty thu lời bất chính mỗi tháng lên đến hàng chục tỷ đồng.

Liên quan vấn đề này, theo Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam Nguyễn Văn Đính, cho biết, tuy đã có dấu hiệu khởi sắc, nhưng sau đại dịch Covid-19, có thể thấy thị trường BĐS vẫn còn khó khăn. Trong khi nhiều doanh nghiệp chịu áp lực trái phiếu đáo hạn, trên thị trường, lãi suất cho vay đối với BĐS vẫn chưa giảm, thì những vấn đề pháp lý, các bộ luật chi phối, điều chỉnh liên quan đến BĐS như Luật Đất đai, Luật Kinh doanh BĐS, Luật Nhà ở… vẫn chưa được sửa đổi, bổ sung. Đây chính là một trong những nguyên nhân khiến những nhóm môi giới, chủ nhà và cả chủ đầu tư không ngần ngại “bắt tay” mua bán, có đưa ra công chứng để tạo giao dịch ảo, “tay trái” bán sang “tay phải”.

Vì vậy, để hướng đến một thị trường dịch vụ BĐS chuyên nghiệp, góp phần thúc đẩy sự phát triển của thị trường theo chiều hướng lành mạnh và bền vững, theo các chuyên gia trong lĩnh vực BĐS, đã đến lúc cần phải có những giải pháp đồng bộ từ phía chính sách của Nhà nước cùng việc phát huy tối đa vai trò của các tổ chức xã hội nghề nghiệp. Cùng với việc đẩy mạnh công tác đào tạo, cấp chứng chỉ môi giới, quản lý sàn giao dịch BĐS, công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực thi Luật Kinh doanh BĐS cũng cần được thực hiện thường xuyên hơn. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh ứng dụng các giải pháp công nghệ đẩy mạnh ứng dụng các giải pháp công nghệ giúp cho nhà đầu tư, khách hàng tiếp cận thông tin, nhận định thị trường, nguồn dữ liệu các dự án BĐS, tin tức về quy hoạch tại các tỉnh thành, thông tin các nhà môi giới định danh, sàn giao dịch BĐS định danh... góp phần quan trọng trong việc hiện thực hóa sứ mệnh phát triển thị trường BĐS minh bạch, ổn định và bền vững.