Ngành ngân hàng phải góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, phục hồi nhanh, phát triển bền vững

NDO -

Chiều 8/2, Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm và chúc Tết đội ngũ cán bộ, người lao động Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và ngành ngân hàng. Cùng dự có Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng.

Thủ tướng đề nghị, lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức ngành ngân hàng phải tự hào với vị trí rất quan trọng của ngành với nền kinh tế đất nước. (Ảnh: TRẦN HẢI)
Thủ tướng đề nghị, lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức ngành ngân hàng phải tự hào với vị trí rất quan trọng của ngành với nền kinh tế đất nước. (Ảnh: TRẦN HẢI)

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, năm 2021, ngành ngân hàng triển khai nhiệm vụ trong bối cảnh có nhiều khó khăn. Nhận được sự quan tâm sâu sắc của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đặc biệt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo rất quyết liệt, dành nhiều thời gian chỉ đạo sát sao đến hoạt động ngân hàng, cùng với sự cố gắng, nỗ lực khắc phục khó khăn, ngành ngân hàng đã có những đóng góp quan trọng vào thành tựu chung của nền kinh tế.

Bước sang năm 2022, trên cơ sở bám sát Nghị quyết 01 của Chính phủ và các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngành ngân hàng đã chủ động, tích cực triển khai quyết liệt các nhiệm vụ trọng tâm ngay từ đầu năm.

Đặc biệt là tập trung điều tiết tiền tệ hợp lý, hỗ trợ thanh khoản hệ thống, bảo đảm đáp ứng nhu cầu vốn của nền kinh tế những ngày giáp Tết.

Dư nợ tín dụng bứt phá ngay từ những ngày đầu năm; tính đến ngày 28/1/2022, dư nợ tín dụng tăng khoảng 2,74% so cuối năm trước (tăng 16,32% so cùng kỳ năm trước). Điều này cho thấy dòng vốn đã khai thông, khả năng phục hồi của doanh nghiệp sau dịch khá tích cực.

Phát biểu ý kiến, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, trong thành tựu chung của đất nước năm qua có sự đóng góp trực tiếp và quan trọng của ngành ngân hàng - một trong những ngành quan trọng, huyết mạch của nền kinh tế.

Hoạt động của ngành góp phần ổn định kinh tế vĩ mô; ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối; phục vụ, bảo đảm cho các hoạt động, sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng của doanh nghiệp và người dân; góp phần thúc đẩy sự phát triển của đất nước.

Ngành đã triển khai các chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh; ban hành chính sách hoãn giãn nợ, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi, phí.

Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước, khoảng 600.000 khách hàng với dư nợ trên 280.000 tỷ đồng đã được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ; gần 2 triệu khách hàng với dư nợ hơn gần 4 triệu tỷ đồng được miễn, giảm, hạ lãi suất cho vay; khoảng 1,2 triệu khách hàng được cho vay mới lãi suất thấp hơn trước dịch với doanh số đạt hơn 7 triệu tỷ đồng; miễn, giảm hơn 2.500 tỷ đồng phí dịch vụ thanh toán, cho vay đối với đơn vị sử dụng lao động, người lao động qua Ngân hàng Chính sách xã hội; giải ngân cho Vietnam Airlines tháo gỡ khó khăn theo chủ trương của Quốc hội, Chính phủ.

Đồng thời, ngành ngân hàng cũng là ngành đi đầu trong việc hỗ trợ phòng, chống dịch với số tiền hỗ trợ hàng nghìn tỷ đồng, hỗ trợ trang thiết bị y tế, lương thực, thực phẩm cho bà con vùng dịch…

Ngành ngân hàng tiếp tục tích cực hoàn thiện thể chế, cải cách hành chính, 6 năm liên tục đứng đầu các Bộ ngành về cải cách hành chính là điều rất ấn tượng. Ngành đẩy mạnh phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ trong lĩnh vực ngân hàng. Chú trọng xử lý quyết liệt, mạnh mẽ hơn với các tổ chức tín dụng yếu kém dù đây là việc phức tạp, đòi hỏi quyết tâm cao và nỗ lực lớn…

Ngân hàng Nhà nước cũng đã phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các bộ, ngành, linh hoạt, khéo léo xử lý các vấn đề liên quan  hội nhập quốc tế của ngành ngân hàng; tích cực triển khai công tác truyền thông, cung cấp thông tin…

Ngành Ngân hàng phải góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, phục hồi nhanh, phát triển bền vững -0
Phát biểu ý kiến, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, trong thành tựu chung của đất nước năm qua có sự đóng góp trực tiếp và quan trọng của ngành ngân hàng - một trong những ngành quan trọng, huyết mạch của nền kinh tế. (Ảnh: TRẦN HẢI) 

Thủ tướng đánh giá cao tinh thần đoàn kết, thống nhất, quyết liệt, dám quyết định những vấn đề khó khăn, phức tạp và tinh thần chia sẻ với người dân và doanh nghiệp trong lúc khó khăn, phát huy truyền thống đại đoàn kết của dân tộc.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu quan trọng, quyết định, hoạt động ngân hàng còn tiềm ẩn một số rủi ro, những khó khăn, nhiều vấn đề cần tiếp tục lưu ý, tập trung giải quyết trong thời gian tới, như: kiểm soát nợ xấu; áp lực lạm phát; kiểm soát dòng tiền vào các lĩnh vực…

Năm 2022 và thời gian tới, ngành ngân hàng có nhiều thuận lợi như đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm sau 35 năm đổi mới; dịch bệnh được kiểm soát; tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của nhà nước.

Tuy nhiên, vẫn phải xác định khó khăn, thách thức nhiều hơn cơ hội và thuận lợi, phải chuẩn bị tâm thế, giải pháp phù hợp.

Chính phủ xác định chủ đề điều hành năm 2022 là "Đoàn kết kỷ cương, chủ động thích ứng, an toàn hiệu quả, phục hồi phát triển", phấn đấu tăng trưởng GDP đạt 6%-6,5%, kiểm soát lạm phát bình quân ở mức 4%...

Thủ tướng đề nghị, lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức ngành ngân hàng phải tự hào về vị trí rất quan trọng của ngành với nền kinh tế đất nước. Với chức năng, nhiệm vụ quyền hạn của mình, mỗi người, mỗi cơ quan, đơn vị phải quyết liệt, nỗ lực, phấn đấu hơn nữa khi chúng ta triển khai những nhiệm vụ hết sức chiến lược là xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

“Đã đổi mới phải tiếp tục đổi mới, đã tiên phong phải tiếp tục tiên phong, ngành ngân hàng có hoạt động tốt thì nền kinh tế mới hoạt động tốt, tất cả vì lợi ích quốc gia, dân tộc và sự ấm no, hạnh phúc của người dân để chúng ta làm việc. Làm sao để mọi người dân, mọi doanh nghiệp được hưởng lợi từ hoạt động của ngành ngân hàng”, Thủ tướng yêu cầu.

Thời gian tới, ngành ngân hàng phải tiếp tục góp phần quan trọng, đắc lực cho việc giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối, phục vụ thông suốt hoạt động của doanh nghiệp và người dân.

Đặc biệt là phục vụ hiệu quả chương trình phục hồi nhanh và phát triển kinh tế-xã hội bền vững, chương trình tổng thể phòng, chống dịch, triển khai hiệu quả các giải pháp hỗ trợ, tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp được tiếp cận thuận lợi nguồn vốn ngân hàng để phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.

Thủ tướng lưu ý, phải tập trung làm tốt công tác nghiên cứu chiến lược, dự báo, phân tích, bám sát tình hình, có giải pháp phù hợp, kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa, góp phần phục hồi nhanh, phát triển bền vững, đây là vấn đề hết sức chiến lược, ngành ngân hàng phải làm tốt việc này thì Đảng, Nhà nước, nhân dân mới có thể yên tâm.

Ngành Ngân hàng phải góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, phục hồi nhanh, phát triển bền vững -0
Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm Phòng truyền thống ngành ngân hàng. (Ảnh: TRẦN HẢI) 

Thủ tướng lưu ý một số nhiệm vụ như tiếp tục phấn đấu giảm lãi suất cho vay; tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát rủi ro, kiểm soát tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro cao, hướng tín dụng vào lĩnh vực sản xuất-kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, kiểm soát chặt chẽ việc mua trái phiếu doanh nghiệp của các tổ chức tín dụng…

Triển khai quyết liệt, hiệu quả việc cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu; xây dựng ngay phương án xử lý đối với các tổ chức tín dụng đã được cấp có thẩm quyền cho ý kiến và tiếp tục báo cáo phương án xử lý đối với các ngân hàng còn lại…

Thủ tướng lưu ý không để những yếu kém nhỏ tích tụ lại thành yếu kém, sai phạm lớn. Tiếp tục đi đầu, mạnh mẽ quyết liệt hơn nữa trong chuyển đổi số; bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo để đẩy mạnh việc xây dựng và hoàn thiện thể chế bởi các quy định không bao giờ phủ hết được hết các góc cạnh của cuộc sống.

Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đảng viên; cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Trong hoạt động đối ngoại, cần xử lý hài hòa mối quan hệ thương mại, tiền tệ, đầu tư với các nước. Làm tốt hơn nữa công tác truyền thông bảo đảm kịp thời, chính xác để dân biết, dân hiểu, dân tin, dân theo, dân làm…

Tháo gỡ khó khăn để phục hồi, phát triển kinh tế