Việc cân bằng giữa các yếu tố bảo đảm an ninh thương mại và tạo thuận lợi thương mại là yêu cầu mới đặt ra cho ngành hải quan trước xu thế tự do hóa giao thương toàn cầu. Vấn đề rất quan trọng hiện nay là làm sao dự báo đúng các xu hướng quan hệ thương mại, đầu tư để hoạch định chính xác các kế hoạch, định hướng và xác định các ưu tiên hợp tác quốc tế phù hợp.
Việt Nam và Australia có nhiều điểm tương đồng trong quan hệ hợp tác chống buôn lậu, chống ma túy, hay nhu cầu đẩy nhanh tốc độ thương mại hàng hóa. Đồng thời, hai bên cũng có nhiều cơ hội để thúc đẩy hơn nữa hợp tác trong các vấn đề này thông qua quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện.
Với chủ đề “Cơ quan hải quan chủ động hợp tác với các đối tác truyền thống và các đối tác mới”, Ngày Hải quan quốc tế (26/1) năm 2024 được tổ chức với mục đích kêu gọi các cơ quan hải quan thành viên rà soát, đánh giá lại chiến lược quan hệ đối tác, góp phần giúp tạo thuận lợi thương mại song song với bảo đảm an ninh biên giới trong bối cảnh biến động của thế giới.
Bày tỏ tin tưởng vào thế hệ trẻ tài năng của Việt Nam hiện tại, Tiến sĩ Kunio Mikuriya, Tổng Thư ký Tổ chức Hải quan thế giới (WCO) cho rằng, Việt Nam cần chú trọng đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, đi đôi với công nghệ và lấy con người làm trung tâm của sự phát triển, qua đó giúp Hải quan Việt Nam phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong tương lai.
Vào tháng 10 tới, tại Hà Nội, Hải quan Việt Nam sẽ lần đầu tiên đăng cai tổ chức một sự kiện toàn cầu có quy mô lớn của Tổ chức Hải quan thế giới (WCO), với sự tham dự của lãnh đạo WCO và Tổng cục Hải quan các nước, các chuyên gia, học giả, cũng như các doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ, tập trung vào xu hướng phát triển công nghệ và các giải pháp quản lý hải quan hỗ trợ bởi công nghệ.