Sưu tầm và phát huy di sản của các nhà sử học Việt Nam

NDO -

Ngày 19-7, Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam đã tổ chức “Lễ tiếp nhận tài liệu, hiện vật của GS. NGND Vũ Dương Ninh” cùng với cuộc tọa đàm “Sưu tầm và phát huy di sản của các nhà sử học Việt Nam” tại Công viên Di sản các nhà khoa học Việt Nam (tại xã Bắc Phong, huyện Cao Phong, Hòa Bình). 

Tọa đàm Sưu tầm và phát huy giá trị di sản các nhà sử học và tiếp nhận hiện vật GS. NGND Vũ Dương Ninh trao tặng.
Tọa đàm Sưu tầm và phát huy giá trị di sản các nhà sử học và tiếp nhận hiện vật GS. NGND Vũ Dương Ninh trao tặng.

Sưu tầm, nghiên cứu ký ức của những người nghiên cứu quá khứ, ký ức

Khoa học lịch sử nghiên cứu và diễn giải quá khứ, ký ức của nhân loại. Ký ức của các nhà sử học lại diễn giải những chặng đường phát triển của ngành sử học, của tư duy sử học trong sự biến chuyển của lịch sử nói chung. Các tài liệu - hiện vật cùng với các câu chuyện và ký ức của các nhà sử học sẽ giúp công chúng, nhất là thế hệ trẻ, hiểu được về cuộc sống, lao động khoa học, cống hiến… của các nhà nghiên cứu lịch sử trong những giai đoạn lịch sử khác nhau cũng như hiểu được sự hình thành và phát triển lĩnh vực khoa học này.

Đến nay, Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam đã thiết lập được phông lưu trữ cá nhân của 68 nhà sử học ở các lĩnh vực: sử học, dân tộc học, khảo cổ học ở nhiều cơ quan khác nhau: Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh, Viện Sử học, Viện Đông - Nam Á học, Viện Khảo cổ học, Viện Dân tộc học, Đại học Đà Lạt, Đại học Sư phạm Huế; Hội Khoa học lịch sử Huế, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Lịch sử Đảng…

Tuy nhiên, con số này còn khá khiêm tốn so với số lượng lớn các nhà nghiên cứu lịch sử đã có thâm niên và tên tuổi. Phông tư liệu của các nhà sử học còn được làm phong phú và sinh động thêm bằng các file ghi âm, ghi hình phỏng vấn về cuộc đời của các nhà khoa học. Trong đó đặc biệt phải kể đến tài liệu được GS Văn Tạo, nguyên Viện trưởng Viện Sử học, tự tiến hành ghi âm trong một thời gian dài rồi gửi tặng Trung tâm trước khi qua đời, với hàng chục cuốn băng cát-set.

Để có thể thành lập được Bảo tàng các nhà khoa học Việt Nam (trong đó có các nhà sử học) trong tương lai rất cần sự ủng hộ về tư liệu của các nhà khoa học và gia đình. Tại cuộc tọa đàm, PGS Nguyễn Văn Huy nêu đề xuất hình thức “bảo tồn tư liệu tại gia” trong những trường hợp gia đình chưa thể chuyển khối tư liệu của các nhà khoa học (đã qua đời) cho Trung tâm, như một biện pháp cứu vãn kho tư liệu quý đó. Các cán bộ của Trung tâm sẽ hỗ trợ gia đình những công việc đòi hỏi nghiệp vụ phân loại, hệ thống hóa và tìm phương thức bảo quản tốt nhất để giữ gìn ký ức của nhà khoa học cũng như của hậu thế đối với nhà khoa học. 

Sưu tầm và phát huy di sản của các nhà sử học Việt Nam -0
Hơn 700 tài liệu và hiện vật được GS. NGND Vũ Dương Ninh trao tặng Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam. 

Cùng với cuộc tọa đàm, GS. NGND Vũ Dương Ninh (Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học quốc gia Hà Nội) đã trao tặng Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam gần 700 tài liệu, hiện vật.

GS Vũ Dương Ninh được biết đến là người đầu tiên đưa môn Lịch sử văn minh thế giới vào giảng dạy trong các trường đại học ở Việt Nam và là một trong những người tiên phong khởi xướng và thành lập ngành quốc tế học.

Những tài liệu, hiện vật được ông trao tặng Trung tâm mang nhiều giá trị, không chỉ phản ánh cuộc đời và sự nghiệp của GS Vũ Dương Ninh, mà còn là nguồn tư liệu quý để tìm hiểu về lịch sử phát triển của Sử học và Khoa học lịch sử ở Việt Nam. 

Nơi lưu giữ kỷ vật và ký ức của các nhà khoa học

Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam thành lập năm 2008 bởi Công ty Công nghệ và xét nghiệm y học (Medlatec). Hơn mười năm hoạt động, Trung tâm đã nghiên cứu sưu tầm và thiết lập phông lưu trữ của nhà khoa học ở nhiều ngành, lĩnh vực khác nhau, bao gồm các lĩnh vực khoa học tự nhiên (vật lý, toán học, sinh học, hóa học, y học…), khoa học kỹ thuật, công nghệ (xây dựng, thủy lợi, điện tử…), khoa học xã hội và nhân văn (văn học, sử học, địa lý, dân tộc học, ngôn ngữ học…).

Trung tâm đã tiến hành phỏng vấn và đã kịp ghi lại được những hình ảnh về chuyện làm nghề, chuyện nghiên cứu của nhiều nhà khoa học lớn trước khi qua đời.

Qua hơn một thập kỷ hoạt động, Trung tâm và Công viên Di sản các nhà khoa học Việt Nam (MEDDOM) đã thiết lập được phông lưu trữ của 1800 nhà khoa học thuộc nhiều chuyên ngành khác nhau với hơn 80.000 tài liệu hiện vật, hàng trăm bức ảnh chụp, hàng nghìn phút ghi âm, ghi hình các nhà khoa học. Các loại hình tài liệu, hiện vật sưu tầm được cũng hết sức đa dạng, gắn liền với bối cảnh xã hội từng thời kỳ, không chỉ phản ánh quá trình học tập, lao động của mỗi cá nhân nhà khoa học mà còn góp phần làm rõ bức tranh lịch sử nghiên cứu khoa học ở Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh. 

Sưu tầm và phát huy di sản của các nhà sử học Việt Nam -0
Các nhà sử học tham quan trưng bày tại Công viên Di sản các nhà khoa học Việt Nam. 

GS. AHLĐ Nguyễn Anh Trí, Chủ tịch Hội đồng quản trị Medlatec rất tâm đắc với những ý tưởng mở rộng các hoạt động của Trung tâm và Công viên Di sản các nhà khoa học để tăng cường phát huy giá trị các di sản được các nhà khoa học để lại.

Ông cho biết: “Với những lợi thế về mặt cảnh quan, được đầu tư đúng mức về công trình kiến trúc, và các phức hợp kỹ thuật tại Công viên, Trung tâm di sản các nhà khoa học có thể mở rộng nhiều loại hình giáo dục di sản, giáo dục lịch sử, các hoạt động khoa học và du lịch, nghiên cứu, hội thảo, triển lãm… tại Công viên. Các hoạt động ở đây đang được xúc tiến theo hướng này”.