Sức hút từ một khu công nghiệp

Với vai trò là khu công nghiệp tiên phong, trọng điểm về thu hút đầu tư của Khu kinh tế Thái Bình, tháng 2/2021, Khu công nghiệp-đô thị-dịch vụ Liên Hà Thái (Khu công nghiệp Liên Hà Thái) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư.
0:00 / 0:00
0:00
Chủ đầu tư Green i-Park giới thiệu về Khu công nghiệp Liên Hà Thái trên sa bàn với các nhà đầu tư nước ngoài.
Chủ đầu tư Green i-Park giới thiệu về Khu công nghiệp Liên Hà Thái trên sa bàn với các nhà đầu tư nước ngoài.

Chỉ trong hơn hai năm đi vào hoạt động, khu công nghiệp này đã trở thành đầu tàu về thu hút vốn đầu tư, nhất là vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Nhớ lại những ngày đầu triển khai xây dựng Khu công nghiệp Liên Hà Thái, Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình Ngô Đông Hải cho biết: Xác định đây là dự án trọng điểm của tỉnh, có ý nghĩa to lớn kích thích tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo, do đó chỉ trong hai năm (2021-2022), dự án Khu công nghiệp Liên Hà Thái đã giải phóng mặt bằng được toàn bộ tổng diện tích đất phải thu hồi gần 600 ha, qua đó khẳng định kỳ tích giải phóng mặt bằng một dự án công nghiệp lớn chưa từng có ở Thái Bình.

Trong thời gian đầu, Bí thư Tỉnh ủy cùng các đồng chí lãnh đạo tỉnh trực tiếp giao ban hằng tuần với các sở, ngành và chính quyền huyện Thái Thụy để đôn đốc bảo đảm tiến độ bàn giao mặt bằng sạch cho nhà đầu tư Green i-Park.

Tại thời điểm xây dựng Khu công nghiệp Liên Hà Thái, huyện Thái Thụy gặp không ít khó khăn khi phải “đả thông tư tưởng” với nhiều gia đình để di chuyển gần 3.000 ngôi mộ tại xã Thụy Liên và thị trấn Diêm Điền. Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Thái Thụy Đỗ Văn Hiện cho biết: Thể hiện trách nhiệm cao với dự án trọng điểm trên địa bàn, toàn bộ hệ thống chính trị vào cuộc, nêu cao vai trò người đứng đầu, dồn tổng lực cho công tác giải phóng mặt bằng.

Theo ông Hiện, ở mỗi dự án, khâu khó khăn nhất luôn là giải phóng mặt bằng. Nhưng nếu công tác dân vận tốt, giữa chính quyền và nhân dân có sự cảm thông, chia sẻ, thấu hiểu thì sẽ tạo sự đồng thuận cao. Trong việc bàn giao mặt bằng xây dựng Khu công nghiệp Liên Hà Thái cũng vậy, nhiều khúc mắc đã giải tỏa và được nhân dân chung sức gánh vác.

Chia sẻ với phóng viên Báo Nhân Dân, ông Bùi Thế Long, Tổng Giám đốc Green i-Park, chủ đầu tư Khu công nghiệp Liên Hà Thái cho biết: “Chúng tôi ấn tượng với sự đồng hành của chính quyền tỉnh cũng như địa phương sở tại trong cam kết đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng cũng như rút ngắn tối đa thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư triển khai dự án”.

Khu công nghiệp Liên Hà Thái được xây dựng trên diện tích 588,84 ha với tổng vốn đầu tư 3.885 tỷ đồng. Đây là khu công nghiệp có vị trí kết nối giao thông và kết nối vùng rất thuận lợi. Khu công nghiệp chỉ cách cảng quốc tế Lạch Huyện 40 km; cách Sân bay quốc tế Cát Bi 35 km; cách trung tâm thành phố Hải Phòng 36 km…

Về giao thông, khu công nghiệp tiếp giáp tuyến đường ven biển và tuyến cao tốc ven biển, tiếp giáp Quốc lộ 39, Quốc lộ 37, Tỉnh lộ 456, rất thuận tiện cho hoạt động vận chuyển, lưu thông hàng hóa liên vùng. Theo ông Bùi Thế Long, việc lựa chọn Thái Bình để đầu tư một dự án khu công nghiệp lên tới gần 600 ha ngoài thuận lợi về giao thông, gần cảng biển, sân bay, thì nơi đây cũng là nơi có nguồn nhân lực dồi dào, đáp ứng cho nhu cầu phát triển của các doanh nghiệp.

Ngay sau lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về chủ trương đầu tư dự án xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Liên Hà Thái vào tháng 2/2021, đã có nhiều nhà đầu tư thứ cấp nghiên cứu và quyết định đầu tư.

Thời điểm này, Green i-Park đã ký cho thuê 4 dự án (Công ty trách nhiệm hữu hạn Greenworks Việt Nam; Công ty trách nhiệm hữu hạn Lotes Việt Nam; Công ty trách nhiệm hữu hạn Ohsung Vina và Công ty trách nhiệm hữu hạn Nam Tài Group) với tổng vốn đầu tư FDI 440 triệu USD, bằng hơn nửa tổng vốn đầu tư FDI tại Thái Bình của 20 năm trước. Nhờ những kết quả này, năm 2021, Thái Bình vụt sáng trên bảng xếp hạng thu hút FDI cả nước với thứ hạng 15/63 tỉnh, thành phố.

Cho đến nay, tại Khu công nghiệp Liên Hà Thái đã có 14 dự án được cấp chứng nhận đầu tư (chủ yếu là các dự án FDI) đến từ các quốc gia và vùng lãnh thổ như: Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Singapore, với tổng vốn đăng ký đầu tư gần 1,3 tỷ USD.

Riêng năm 2023 vừa qua, nơi đây đã thu hút sáu dự án FDI, góp phần đưa tỉnh Thái Bình lần đầu cán mốc thu hút gần 3 tỷ USD vốn FDI, lọt top 5 địa phương dẫn đầu cả nước thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Theo chủ đầu tư Green i-Park, đã có ba dự án FDI đi vào hoạt động ổn định, đó là Công ty Lotes Việt Nam tổng vốn đầu tư 167 triệu USD; Công ty Ohsung Vina tổng vốn đầu tư 40 triệu USD và Công ty JinYang Electronics Vina tổng vốn đầu tư 21 triệu USD.

Với sức hấp dẫn trong thu hút đầu tư, thời gian qua Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã hai lần đến kiểm tra, làm việc với chủ đầu tư Khu công nghiệp Liên Hà Thái. Trong lần đầu về làm việc năm 2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao những cố gắng, nỗ lực của chính quyền tỉnh Thái Bình, huyện Thái Thụy và đặc biệt là nhà đầu tư hạ tầng Green i-Park. Thủ tướng đề nghị phải rút ra được những bài học kinh nghiệm hay trong công tác vận động nhân dân giải phóng mặt bằng để phổ biến cho các địa phương khác.

Khu công nghiệp Liên Hà Thái nằm trong Khu kinh tế Thái Bình, là khu kinh tế thứ 17 trên cả nước được Chính phủ phê duyệt quy hoạch vào tháng 10/2019. Mục tiêu hướng tới của chủ đầu tư Green i-Park là xây dựng khu công nghiệp xanh, thân thiện và thông minh, trở thành điểm nhấn quan trọng trong Khu kinh tế Thái Bình.