Sửa đổi Luật Thanh tra năm 2010 là cần thiết

NDO -

Thể chế hóa quan điểm của Đảng, Nhà nước và Hiến pháp năm 2013 về tổ chức, hoạt động của các cơ quan thanh tra, nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập của các quy định pháp luật về thanh tra hiện nay là những vấn đề được đưa ra lấy ý kiến thẩm tra dự án Luật Thanh tra (sửa đổi) tại phiên họp toàn thể lần thứ sáu, do Ủy ban Pháp luật của Quốc hội khóa XV tổ chức ngày 28/4 tại thành phố Đà Nẵng.

Các đại biểu ý kiến thẩm tra dự án Luật Thanh tra (sửa đổi).
Các đại biểu ý kiến thẩm tra dự án Luật Thanh tra (sửa đổi).

Phiên họp được tổ chức trong 2 ngày 27 và 28/4, với nhiều nội dung quan trọng như thẩm tra các dự án Luật Thực hiện dân chủ cơ sở, dự án Luật Thanh tra (sửa đổi) và Tờ trình của Chính phủ về việc thành lập thị trấn Phương Sơn (huyện Lục Nam) và thị trấn Bắc Lý (huyện Hiệp Hòa), tỉnh Bắc Giang.

Ông Trần Ngọc Liêm, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ cho rằng, sau hơn 10 năm triển khai thực hiện, Luật Thanh tra năm 2010 đã tạo hành lang pháp lý quan trọng trong việc hoàn thiện tổ chức và nâng cao hoạt động thanh tra, góp phẩn ổn định phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Tuy nhiên, Luật Thanh tra 2010 còn bộc lộ nhiều hạn chế, khó khăn, vướng mắc, làm giảm hiệu quả, hiệu lực của hoạt động thanh tra, chưa đáp ứng tốt yêu cầu của tình hình mới trong bối cảnh phát triển của nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế…

Vì vậy, việc sửa đổi Luật Thanh tra năm 2010 là cần thiết, nhằm thể chế quan điểm của Đảng, Hiến pháp năm 2013 về công tác thanh tra. Tất cả trên tinh thần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong tổ chức và hoạt động thanh tra, khắc phục những tồn tại, hạn chế, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước, góp phần phát triển kinh tế, xã hội và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Qua thẩm tra, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cơ bản nhất trí với sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Thanh tra. Dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) giữ nguyên hệ thống tổ chức cơ quan thanh tra theo cấp hành chính gồm: Thanh tra Chính phủ, Thanh tra tỉnh, Thanh tra huyện.

Nhiều ý kiến tán thành với dự thảo luật tiếp tục duy trì Thanh tra huyện như hiện nay. Tuy nhiên cần nghiên cứu, có giải pháp đổi mới mạnh mẽ tổ chức và hoạt động phù hợp với việc tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động và khắc phục những bất cập như hiện nay.

Theo dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi), ngoài Thanh tra bộ còn có Thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ được thành lập theo yêu cầu quản lý, theo quy định của pháp luật chuyên ngành và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Ủy ban Pháp luật đề nghị tại cơ quan Bộ chỉ tổ chức 1 cơ quan thanh tra chuyên ngành đối với mỗi ngành, lĩnh vực, để bảo đảm tinh gọn bộ máy, phân định rõ trách nhiệm, khắc phục tình trạng chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động nội bộ.

Theo quy định của Luật Thanh tra hiện hành, có 3 hình thức thanh tra gồm: thanh tra theo kế hoạch, thanh tra thường xuyên, thanh tra đột xuất. Ủy ban Pháp luật tán thành với việc dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) loại bỏ hình thức thanh tra thường xuyên vì cho rằng thực chất của hình thức thanh tra này chính là hoạt động kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước. Từ đó, góp phần khắc phục tình trạng chồng chéo, trùng lặp, dẫn đến lạm dụng và khó phân biệt giữa thanh tra và kiểm tra.