Sửa đổi, bổ sung Luật Thống kê hướng đến thông tin thống kê kịp thời và xác thực

NDO -

Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê được xây dựng nhằm cung cấp thông tin thống kê chính xác, khách quan, kịp thời, phản ánh đúng, đầy đủ tình hình kinh tế - xã hội của đất nước giai đoạn 2021-2030; giúp phân tích, hoạch định và điều hành chính sách vĩ mô; xây dựng cơ sở pháp lý để thu thập các chỉ tiêu thống kê quốc gia; và bảo đảm yêu cầu so sánh quốc tế trong các lĩnh vực.

 Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê. (Ảnh: DUY LINH - THỦY NGUYÊN)
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê. (Ảnh: DUY LINH - THỦY NGUYÊN)

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV, chiều 20/10, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, đã trình bày Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê.

Theo đó, phạm vi sửa đổi, bổ sung gồm quy trình biên soạn chỉ tiêu Tổng sản phẩm trong nước (GDP) và chỉ tiêu Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (GRDP); về công bố thông tin thống kê của chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh là phân tổ của chỉ tiêu thống kê quốc gia.

So với danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia ban hành kèm theo Luật Thống kê số 89/2015/QH13, danh mục chỉ tiêu thống kê lần này sửa tên 3 nhóm chỉ tiêu: nhóm “07. Tiền tệ và bảo hiểm” thành “07. Tiền tệ, bảo hiểm và chứng khoán”; nhóm “11. Giá cả” thành “11. Chỉ số giá”; nhóm “13. Công nghệ thông tin và truyền thông” sửa tên thành “13. Công nghệ thông tin, bưu chính, viễn thông và truyền thông”.

Về chỉ tiêu, giữ nguyên 129 chỉ tiêu thống kê do vẫn còn phù hợp với tình hình thực tế, bảo đảm tính khả thi và bảo đảm phản ánh được tình hình kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới; sửa tên 46 chỉ tiêu thống kê để phù hợp tình hình thực tế và văn bản pháp luật chuyên ngành đồng thời bảo đảm so sánh quốc tế; bổ sung 47 chỉ tiêu thống kê để phản ánh, đánh giá một số chính sách pháp luật, mục tiêu đường lối đổi mới, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của Đảng, Quốc hội, Chính phủ được ban hành trong thời gian gần đây; và bỏ 11 chỉ tiêu thống kê không còn phù hợp với thực tế, không bảo đảm tính khả thi hoặc đã có trong nội dung của chỉ tiêu thống kê khác.

Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia đã cập nhật, phản ánh, đánh giá một số chính sách pháp luật, mục tiêu đường lối đổi mới trong thời gian gần đây; cập nhật, quy định các chỉ tiêu thống kê phản ánh quan hệ hội nhập quốc tế, phù hợp các cam kết quốc tế của Việt Nam; cập nhật các chỉ tiêu thống kê phản ánh, dự báo, đo lường sự phát triển của kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, phát triển kinh tế bao trùm; cập nhật, quy định các chỉ tiêu thống kê về bảo vệ môi trường, biến đổi khí hậu; các chỉ tiêu thống kê phản ánh liên kết vùng và nhóm yếu thế.

Sửa đổi, bổ sung Luật Thống kê hướng đến thông tin thống kê kịp thời và xác thực -0

Phiên họp toàn thể tại hội trường, chiều 20/10. (Ảnh: DUY LINH - THỦY NGUYÊN) 

Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh, Ủy ban tán thành với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê; đồng thời nhất trí với phạm vi sửa đổi như đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ.

Về Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia ban hành kèm theo dự thảo Luật, Ủy ban Kinh tế đề nghị, ngoài 3 nhóm nguyên tắc chung được nêu trong Tờ trình, bổ sung cụ thể hơn một số nguyên tắc như Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia cần bổ sung các chỉ tiêu phản ánh chất lượng, năng suất, giá trị, mức độ phát triển bảo đảm phản ánh quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng trên cơ sở khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; các chỉ tiêu phản ánh chất lượng sống theo đo lường kết quả đầu ra; cụ thể hơn nguyên tắc phân định giữa hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia và chỉ tiêu ngành, địa phương; tính khả thi về nguồn lực triển khai thực hiện và hướng tới tiết kiệm nguồn nhân lực và tài chính.

Ủy ban đề nghị rà soát, cân đối số lượng chỉ tiêu giữa các nhóm, hiện nay có 3 nhóm rất quan trọng nhưng số lượng chỉ tiêu thấp như: giáo dục (4 chỉ tiêu), khoa học và công nghệ (6 chỉ tiêu), doanh nghiệp, cơ sở kinh tế, hành chính, sự nghiệp (6 chỉ tiêu). Ngoài ra, bổ sung nhóm chỉ tiêu riêng cho “kinh tế số, chuyển đổi số”; làm rõ khái niệm, nội hàm, quy định cụ thể về đo lường quy mô nền kinh tế số, đóng góp của các ngành vào kinh tế số, hạch toán tài khoản quốc gia, cán cân thanh toán.

Ủy ban cũng đề nghị nghiên cứu bổ sung nhóm chỉ tiêu liên quan đến Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, đồng thời tích hợp số liệu điều tra 53 dân tộc vào Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia; các chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng cần nghiên cứu, bổ sung các chỉ tiêu về tỷ lệ tái chế chất thải sinh hoạt, bao bì, rác thải điện tử, rác thải hữu cơ… để phản ánh xu hướng tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn; và bổ sung một số chỉ tiêu giới tổng hợp để làm cơ sở so sánh đánh giá tình trạng bình đẳng giới với quốc tế như phát triển giới (GDI), bất bình đẳng giới (GII), khoảng cách giới (GGI).

Thảo luận tại tổ, đa số đại biểu Quốc hội nhất trí với sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Luật Thống kê, nhấn mạnh công tác thống kê có vai trò vô cùng quan trọng, bởi nó thể hiện thực trạng của nền kinh tế đất nước, từ đó giúp Quốc hội và Chính phủ đưa ra các giải pháp chính sách phù hợp.

Sửa đổi, bổ sung Luật Thống kê hướng đến thông tin thống kê kịp thời và xác thực -0

Đại biểu Bùi Hoài Sơn (Hà Nội) phát biểu trong phiên thảo luận tổ, chiều 20/10. (Ảnh: VĂN TOẢN) 

Đại biểu Bùi Hoài Sơn (Hà Nội) đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nên có một văn bản cụ thể hóa các chỉ số để đưa vào Luật Thống kê, thể hiện rõ phát triển văn hóa quốc gia, nêu được văn hóa đóng góp thế nào vào phát triển đất nước, từ đó có mức đầu tư xứng đáng. Ngoài ra, trong Phụ lục 2, cần có một danh mục riêng – danh mục chỉ tiêu quốc gia phản ánh sự phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa.

“Càng định lượng rõ ràng văn hóa bao nhiêu, chúng ta càng đầu tư phát triển văn hóa tốt bấy nhiêu”, đại biểu Bùi Hoài Sơn nói.