Quyết định số 1909/QĐ-TTg ngày 12/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ về Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 xác định: Đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ và những người làm công tác văn hóa giữ vai trò nòng cốt; phát huy các nguồn lực đầu tư phát triển trong lĩnh vực văn hóa, ưu tiên đào tạo nguồn nhân lực, quảng bá văn hóa, nghệ thuật, thương hiệu văn hóa quốc gia; phát triển văn học, nghệ thuật góp phần nuôi dưỡng tâm hồn con người Việt Nam.
Thực tế cho thấy, văn học Việt Nam trong quá khứ cũng như hiện tại đã có những đóng góp to lớn vào công cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc và xây dựng, phát triển đất nước. Những thành tích đó có được là do nền văn học và đội ngũ những người cầm bút của chúng ta thấm nhuần sâu sắc lòng yêu nước, tinh thần nhân văn của người Việt, kế thừa và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc cũng như tiếp thu có chọn lọc tinh hoa của văn học thế giới.
Nhưng bên cạnh thành tựu đã đạt được trong giai đoạn hiện nay, hoạt động của các ngành nghệ thuật nói chung và văn học nước ta nói riêng đang đối mặt nhiều khó khăn, thách thức từ tác động nhiều mặt của kinh tế thị trường, cùng với đó là những biến động mạnh mẽ trong đời sống xã hội, xu thế hội nhập và những thay đổi về khoa học, công nghệ, nhất là sự phát triển của công nghệ thông tin. Những hạn chế tác động đến hoạt động văn học cần có ngay sự quan tâm bằng những chính sách cụ thể như: việc hỗ trợ sáng tác, hoạt động của các trại sáng tác và các cuộc thi văn học; công tác lý luận, phê bình mang tính định hướng và đồng hành cùng sáng tạo; việc giới thiệu, quảng bá văn học tới công chúng và quảng bá văn học Việt Nam ra nước ngoài... Hiện nay, việc quản lý hoạt động văn học vẫn còn chung chung, chưa cụ thể như các lĩnh vực nghệ thuật khác. Đây là khó khăn lớn nhất để đưa các chính sách cụ thể tháo gỡ những khó khăn mang tính lâu dài cũng như những vấn đề mới phát sinh trong thực tiễn hoạt động văn học.
Vì vậy, xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động văn học là cần thiết với đòi hỏi hiện nay, tạo khung pháp lý phù hợp với yêu cầu phát triển và nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với các hoạt động văn học. Việc xây dựng nghị định về hoạt động văn học sẽ cụ thể hóa các nghị quyết, chính sách, kết luận của Đảng và Nhà nước về văn học, nghệ thuật; bảo đảm sự thống nhất trong công tác quản lý, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc về cơ chế, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, kinh phí cho hoạt động văn học; huy động các nguồn lực xã hội tham gia hỗ trợ hoạt động văn học.
Hiện nay, các cơ quan chức năng đang bắt tay vào việc xây dựng nghị định này. Mục tiêu tổng quát của nghị định là "hoàn thiện thể chế, chế định pháp lý và thiết chế văn hóa bảo đảm xây dựng và phát triển văn hóa, con người trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế", đồng thời giữ gìn và phát huy giá trị của văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới. Trong đó các mục tiêu cụ thể của nghị định là đưa ra những cơ chế, chính sách khuyến khích văn nghệ sĩ sáng tạo các tác phẩm văn học có giá trị cao; xây dựng cơ chế xã hội hóa các hoạt động văn học nhằm huy động có hiệu quả các tầng lớp nhân dân, các tổ chức kinh tế-xã hội tham gia xây dựng và phát triển nền văn học. Trước mắt là tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về cơ chế để tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, kinh phí cho các hoạt động văn học; có chính sách đào tạo, bồi dưỡng nhân tài, chăm lo đãi ngộ đội ngũ hoạt động văn học, tạo điều kiện cho nhà văn phát huy tài năng, gắn bó và cống hiến lâu dài cho văn học; thực hiện cơ chế đặt hàng sáng tác các tác phẩm văn học có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao. Bên cạnh đó, tiếp tục hoàn thiện các cơ quan quản lý nhà nước đối với các hoạt động quảng bá tác phẩm, trại sáng tác, dịch thuật và quảng bá văn học Việt Nam ra nước ngoài, kịp thời phát hiện và ngăn chặn sự du nhập các tác phẩm văn học độc hại, trái với thuần phong mỹ tục và tác động tiêu cực đến nhận thức thẩm mĩ của công chúng...
Những người hoạt động văn học đang rất quan tâm và chờ đợi sự ra đời của văn bản quy phạm pháp luật phù hợp với tình hình thực tiễn văn học hiện nay, bảo đảm tự do sáng tạo, giúp các nhà văn khai thông sức sáng tạo, toàn tâm toàn ý đóng góp tài năng, sức lực của mình vào sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa, con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Để làm được điều đó, việc xây dựng văn bản nên được tiến hành thận trọng, khoa học, tham khảo ý kiến rộng rãi của đối tượng chính của nghị định là những người cầm bút và người thụ hưởng tác phẩm văn học.