Một ngày cuối tháng 8, chúng tôi có mặt tại Đình Định Yên, xã Định Yên, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp. Hôm ấy, vừa bước qua Rằm tháng 7 được một ngày. Tuy nhiên, do thời tiết không tốt, ánh trăng bị mây che khuất. Trong màn đêm vắng lặng, xung quanh chúng tôi là tiếng ếch nhái, tiếng bơi xuống khua nước trên nhánh sông.
Thực cảnh tái hiện “Chợ ma Định Yên-Lấp Vò-Đồng Tháp”. (Ảnh: HỮU NGHĨA) |
Giữa không gian mênh mông ấy cũng là lúc bắt đầu cho đêm Thực cảnh tái hiện “Chợ ma Định Yên-Lấp Vò-Đồng Tháp” do Ủy ban nhân dân huyện Lấp Vò tổ chức.
Chúng tôi vô cùng xúc động. Cầm trên tay chiếc máy ảnh, tay thì muốn bấm chụp liên tiếp những “bức hình” hiếm hoi này, mà trong lòng thì muốn đứng yên tại một góc ở “Chợ ma” để được chứng kiến toàn cảnh của buổi thực cảnh tái hiện, rồi để được hòa vào những tháng ngày xưa của một ngôi “Chợ ma” mà có thật.
Đó là cảnh mặc cả nhẹ nhàng của người mua, người bán. Rồi cả chuyện hỏi thăm nhau, chuyện trêu đùa, trai gái làm quen tìm hiểu nhau mà trên tay vẫn còn cầm chiếc chiếu.
Thực cảnh tái hiện “Chợ ma Định Yên-Lấp Vò-Đồng Tháp”. (Ảnh: HỮU NGHĨA) |
Rồi dưới bến sông, xa xa ghe xuồng đậu chụm lại nhau đờn ca tài tử. Thỉnh thoảng, mấy chiếc xuồng được các trai gái trong làng bơi qua lại trên sông, cất đôi câu hò Đồng Tháp làm vang cả một bầu trời đêm tĩnh mịch.
Khi Thực cảnh tái hiện “Chợ ma” khép lại, trở về với hiện tại, trong người chúng tôi cảm giác lâng lâng.
Bất giác, chúng tôi nhìn về phía 150 diễn viên tham gia buổi thực cảnh. Có nhiều người cao niên, những đứa trẻ, những chàng trai, cô gái từ nhỏ tới lớn sống ở Làng chiếu Định Yên.
Niềm vui của các diễn viên quần chúng sau buổi tái hiện. (Ảnh: HỮU NGHĨA) |
Những người mà chúng tôi gặp, dù còn đó giọt mồ hôi, nhưng trông ai nấy cũng vui mừng, nói đúng hơn là một niềm xúc động dâng trào. Sự vỡ òa hạnh phúc bởi không còn gì bằng khi bắt gặp cảnh “Chợ ma” mà bản thân diễn viên quần chúng và người trong gia đình từng có những tháng năm đem chiếu ra chợ bán.
Cách đây hơn 30 năm, Làng nghề dệt chiếu Định Yên hồi ấy vẫn còn nổi tiếng với khu chợ họp về đêm. Chợ họp lúc đêm khuya, không cố định giờ giấc, mỗi phiên chợ sẽ chỉ được họp trong 2 tiếng để thương lái tới vận chuyển chiếu rồi đem buôn bán khắp nơi.
Nữ diễn viên quần chúng tươi cười sau buổi tái hiện. (Ảnh: HỮU NGHĨA) |
Chính vì những yếu tố đặc biệt đó nên chợ chiếu Định Yên còn được gọi là “Chợ ma”. Ngoài ra, nét đặc trưng riêng của chợ chiếu đêm nơi đây là người mua thì ngồi tại chỗ, còn người bán thì mang chiếu đi lại rao bán, người mua kẻ bán tấp nập, đây là nét văn hóa truyền thống đặc sắc của người dân địa phương, tuy là chợ nhưng chợ chiếu không giống bất kỳ loại chợ nào khác.
Cảnh 2 bà cháu bán thức ăn đêm tại đêm tái hiện. (Ảnh: HỮU NGHĨA) |
Ngày nay, thương lái không lấy hàng vào ban đêm nữa, do đường đi thuận lợi, phương tiện vận chuyển cũng hiện đại hơn. Nhưng những ký ức về cuộc sống của phiên chợ đêm này vẫn được kể cho thế hệ con cháu về sau.
Cô Nguyễn Thị Vân, sinh năm 1961, ngụ ấp An Khương, xã Định Yên, huyện Lấp Vò là diễn viên quần chúng trong đêm tái hiện tối hôm ấy, bảo: “Nhà tôi 4 đời làm nghề dệt chiếu, bán chiếu ở chợ ma. Nhờ nghề này mà các anh chị em tôi, các con, cháu tôi có thu nhập ổn định. Chợ ma được tái hiện làm tôi nhớ lại mình hồi nhỏ, nhớ lại ba mẹ, ông bà mình một thời gắn bó với nghề chiếu”.
Cảnh trai gái trong làng bơi qua lại trên sông, cất đôi câu hò Đồng Tháp. (Ảnh: HỮU NGHĨA) |
Không tham gia vào vai diễn, nhưng nhiều bạn trẻ xã Định Yên đã đến xem tái hiện “Chợ ma”, có không ít bạn được người thân rủ đến, chủ yếu để xem cho vui, nhưng rồi qua buổi tái hiện, bồi hồi nhớ lại ngày xưa.
Em Lê Thị Hằng Ni, ngụ ấp An Khương chia sẻ: “Em nhớ hồi em có mấy tuổi, theo mẹ, theo dì ra ngoài chợ ma bán. Ban ngày thì em phụ mẹ chẻ lác, chắp trân để dệt chiếu”.
Diễn viên quần chúng vẫy tay chào khán giả. (Ảnh: HỮU NGHĨA) |
Từ chiều cho đến tối, khi mà Thực cảnh tái hiện “Chợ ma Định Yên-Lấp Vò-Đồng Tháp” chưa bắt đầu đến khi kết thúc, chúng tôi bắt gặp hình ảnh các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy luôn dõi theo sự kiện, hòa cùng sự kiện và sau đó là những góp ý, sẻ chia.
Là người con của quê hương Định Yên, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa đã xúc động khi được sống lại ký ức tuổi thơ qua đêm thực cảnh tái hiện “Chợ ma” tại Đình Định Yên.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa trải nghiệm tại buổi tái hiện. (Ảnh: HỮU NGHĨA) |
Theo ông Phạm Thiện Nghĩa, thành công của đêm Thực cảnh tái hiện, dù là diễn thử nghiệm “Chợ ma”, không thể thiếu vai trò tư vấn của ông Nguyễn Sự, nguyên Bí thư Thành ủy Hội An (tỉnh Quảng Nam) và ông Võ Phùng, nguyên Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thể thao thành phố Hội An.
“Quá nhiều cảm xúc khi được sống lại ký ức tuổi thơ, với không khí tấp nập của chợ chiếu đêm bên mái đình linh thiêng, cổ kính. Dù chỉ mới là đêm diễn thử nghiệm, nhưng chương trình đã để lại những ấn tượng sâu sắc trong lòng người tham dự. Bản thân tôi và nhiều bà con nơi đây dù đã quá quen thuộc với chợ chiếu quê mình nhưng vẫn không khỏi bất ngờ, thích thú khi được xem thực cảnh tái hiện chợ ma xưa”, ông Phạm Thiện Nghĩa chia sẻ.
Tái hiện nghề dệt chiếu truyền thống ở Định Yên. (Ảnh: HỮU NGHĨA) |
Nghề dệt chiếu Định Yên chính thức được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia vào năm 2013. Nghề lưu truyền qua nhiều thế hệ, đến nay, nghề dệt chiếu đã trở thành một ngành nghề truyền thống có tuổi đời hơn 100 năm, là nét văn hóa đặc sắc ăn sâu vào tiềm thức, là giá trị cao quý cần được phát huy và gìn giữ suốt bao đời.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong cùng lãnh đạo sở, ban, ngành, địa phương trải nghiệm khu ẩm thực tại buổi tái hiện. (Ảnh: HỮU NGHĨA) |
Hoạt động ẩm thực tại buổi tái hiện. (Ảnh: HỮU NGHĨA) |
Buổi Thực cảnh tái hiện chợ ma đã thật sự thu hút, tạo được hiệu ứng trong cộng đồng dân cư để lưu giữ văn hóa truyền thống, nét đặc trưng riêng của chợ chiếu đêm.
Biểu diễn tuồng cổ tại buổi tái hiện. (Ảnh: HỮU NGHĨA) |
Người dân xem biểu diễn tuồng cổ. (Ảnh: HỮU NGHĨA) |
Người dân xem biểu diễn tuồng cổ. (Ảnh: HỮU NGHĨA) |
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Lấp Vò Trương Thị Diệp cho biết, trước đây, đa phần người dân Định Yên sống bằng nghề dệt chiếu. Khi công nghệ phát triển, dệt chiếu thủ công dần bị mai một.
Địa phương chọn Đình Định Yên là nơi tái hiện lại nghề dệt chiếu thủ công và không gian chợ ma, đồng thời nhằm phát huy giá trị của làng nghề gắn với du lịch. Sau khi hoàn thiện kế hoạch tour du lịch, sẽ kết nối với các công ty lữ hành để đưa khách đến tham quan”.
Dạy hát tài tử thiếu nhi tại buổi tái hiện. (Ảnh: HỮU NGHĨA) |
Theo thông tin mới nhất, người đầu tiên mang nghề dệt chiếu đến xã Định Yên cách đây hơn 250 năm, dần dần phát triển thành làng nghề. Đến đầu thế kỷ 20, làng nghề đã phát đạt.