Nghề dệt chiếu Cái Chanh chờ hồi sinh

Chiếu Cái Chanh (phường Thường Thạnh, quận Cái Răng, Cần Thơ) từ xưa đã nức tiếng không chỉ ở Cần Thơ mà còn cả khu vực Tây Nam Bộ. Theo dòng chảy của thời gian, của cơ chế thị trường, đến nay, gọi là làng nghề, nhưng cũng chỉ lẻ tẻ vài ba gia đình còn bám trụ với nghề, để lại bao nhiêu trăn trở cho người dân, chính quyền địa phương.
0:00 / 0:00
0:00
Bà Bùi Thị Đào với công đoạn hoàn thiện chiếc chiếu.
Bà Bùi Thị Đào với công đoạn hoàn thiện chiếc chiếu.

Nhớ cái thời không nhà nào không dệt chiếu

Không khó để tìm đến những căn nhà vẫn bám trụ với nghề dệt chiếu ở Cái Chanh. Làng nghề nằm ở một khu dân cư đông đúc, bên cạnh dòng kênh hiền hòa. Người làng chỉ cho tôi đến nhà bà Bùi Thị Đào, được biết là người có tay nghề cao nhất ở đây.

Bà Đào đã ở độ tuổi 65, gương mặt nhuốm đầy sương gió, khắc khổ. Biết tôi muốn tìm hiểu về làng nghề quê hương, bà cười: “Vất vả lắm cậu ơi! Quanh năm kẽo kẹt hoài mà có đủ ăn đâu. Trước đây tui dệt chiếu nuôi con ăn học, giờ già rồi, mắt mờ rồi, chân chậm rồi nhưng cứ không làm là buồn chân, buồn tay không chịu nổi”. Nhìn ra dòng kênh xanh mướt, chung quanh um tùm lau sậy, bà Đào kể: “Cái ngày mà dưới những dòng kênh làng tôi ghe qua, ghe lại tấp nập xa lắm rồi. Ngày đó, ở làng không nhà nào là không dệt chiếu. Trong làng, lúc nào cũng nhộn nhịp tiếng khung dệt kêu lách cách. Người dân khắp miền Tây đều biết tiếng chiếu Cái Chanh, thương lái khắp nơi kéo đến, làm không xuể mà bán”.

Bà Nguyễn Thị Lệ, 73 tuổi, đã có hơn 60 năm làm nghề dệt chiếu, cho biết thêm, ngày xưa, cứ vào độ tháng 10 âm lịch, cả làng như mở hội, vì đây là thời điểm bắt đầu cho vụ Tết Nguyên đán. Nhà nào cũng huy động mọi nhân lực làm miệt mài ngày đêm để kịp giao hàng. Thương lái khắp nơi đổ về. Khi hàng làm chưa kịp giao, họ nghỉ luôn tại nhà dân và giúp đỡ những việc lặt vặt. Từng hàng ghe nối nhau rời đi với đầy ắp chiếu, mang theo sự rạng rỡ của thương lái và dân làng vì năm nay ai ai cũng có một cái Tết no đủ.

Ông Lê Hoàng Hải, 67 tuổi, vốn sinh ra và lớn lên ở tỉnh Sóc Trăng. Cách đây hơn 30 năm, ông theo vợ về Thường Thạnh sinh sống rồi gắn bó với những manh chiếu Cái Chanh từ bấy giờ. Ông Hải kể, khi mới đến, nhìn người ta làm chiếu có vẻ dễ dàng, chỉ việc dùng khung dệt đan các sợi lát đã phơi khô lại với nhau. Ấy vậy mà phải mất mấy năm học nghề từ vợ, ông mới tự làm được những manh chiếu đầu tiên nhưng cũng chẳng lấy gì làm đẹp mắt. Hóa ra, để làm ra những tấm chiếu đẹp, người thợ phải học từ tấm bé. Khi 5, 6 tuổi, trẻ con trong làng, nhất là các bé gái đều được mẹ, được bà truyền nghề. Trải qua có khi cả chục năm bám lấy khung dệt, đôi tay chai sần theo thời gian, lúc đó người thợ mới có thể tự tay làm những tấm chiếu của riêng mình. Học làm chiếu cũng không phải chỉ học mỗi việc dệt mà còn phải được truyền thụ các bí quyết từ chọn nguyên liệu, phơi đúng cách, nhuộm mầu làm sao cho đẹp.

Nghề dệt chiếu Cái Chanh chờ hồi sinh ảnh 1

Sợi lác sau khi phơi khô được cuốn thành từng bó để sử dụng dần.

Nằm đông thì ấm, hè lại mát

Chiếu Cái Chanh có từ bao giờ, người làng không ai biết cụ thể. Theo lời các bậc cao niên và những người thợ ở làng chiếu Cái Chanh, cũng như những nơi khác, nghề dệt chiếu thủ công truyền thống nơi đây có lịch sử hình thành từ xa xưa. Nghề dệt chiếu ở Cần Thơ do các di dân mang vào từ khoảng thế kỷ 17-18. Ban đầu, một số gia đình dệt chiếu chỉ để đổi gạo, sau dần được các thương lái tìm đến đặt hàng và họ sống được bằng nghề. Các nhà khác sau đó cũng học nghề, làm theo. Cứ như thế, các kỹ thuật làm chiếu được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác rồi tạo được tiếng vang. Sở dĩ chiếu Cái Chanh trở thành một thương hiệu được nhiều người biết đến ở miền Tây một phần là do chiếu bền, gọn, êm, mùa đông thì ấm, mùa hè nằm lại mát, một phần là do kích cỡ, giá lại rẻ hơn những nơi khác. Theo bà Nguyễn Thị Tiến, một thợ làm chiếu với hơn 50 năm kinh nghiệm, nếu chiếu ở một số nơi được mọi người ưa chuộng vì mầu sắc sặc sỡ, đẹp mắt thì đến với làng Cái Chanh, khách hàng lại chọn loại chiếu trơn, tức là làm hoàn toàn từ sợi lác trắng tự nhiên, không nhuộm hoặc nhuộm rất ít mầu. Sợi lác ở đây nhỏ, mịn và có độ trắng, sáng bóng cao cho nên dù mầu sắc không sặc sỡ, chiếu vẫn bảo đảm thẩm mỹ.

Những người thợ làm chiếu Cái Chanh cho biết, để làm ra một sản phẩm hoàn chỉnh cần có rất nhiều công đoạn và công đoạn nào cũng yêu cầu cao về sự cẩn thận, tỉ mỉ. Đầu tiên là chọn, phân loại cây lác để lựa những cọng đẹp rồi dùng dao nhọn chẻ đôi, đem phơi. Phơi ba lần nắng thì các cọng lác được làm sạch, bó lại cất trong bồ để dùng dần. Bình thường, nếu làm liên tục, trung bình mỗi ngày một gia đình sẽ làm được bảy bó lác, mỗi bó dệt được 2-3 đôi chiếu (4-6 chiếc).

Dụng cụ để dệt chiếu được làm khá đơn giản, với những nguyên liệu không quá đắt tiền. Theo lời bà Bùi Thị Đào, loại gỗ làm khung tốt nhất là gỗ dầu. Một khung dệt thường sẽ được một người thợ sử dụng từ 10-15 năm mới hỏng. Sau khi chuẩn bị xong nguyên liệu sẽ đến công đoạn dệt chiếu. Đây là công đoạn khó khăn nhất, yêu cầu thợ phải hết sức kiên trì, khéo léo. Mỗi tấm chiếu cần ít nhất là hai người làm việc. Một người sẽ cầm bàn dập, người còn lại quấn đầu cọng lác vào đầu nhọn của cây chuồi để xuyên cọng lác qua hàng sợi được đan dọc. Cứ liên tiếp, thoăn thoắt và phối hợp nhịp nhàng, sau khi hàng nghìn cọng lác được đưa vào theo cách như vậy và được bàn dập nêm chặt sẽ thành một tấm chiếu.

Sắp phải cất khung cửi rồi…

Làng chiếu Cái Chanh vốn có tiếng như vậy, nhưng hiện nay, theo dòng chảy thời gian, do cuộc sống hiện đại mà các hộ làm nghề cứ vãn dần. Đến nay, thợ làm chiếu đều đã nhiều tuổi, có người đã ở tuổi xưa nay hiếm. Bà Bùi Thị Đào ngậm ngùi chia sẻ: “Bây giờ làm chủ yếu là lỗ thôi, vì người ta ưa chuộng các loại chiếu dệt bằng máy hơn bằng tay thợ. Mỗi ngày, tôi đều đặn dành 7-8 tiếng ngồi dệt, cũng chưa được hai đôi chiếu, bán chỉ được trên dưới 100 nghìn đồng một đôi. Nhiều khi cũng muốn nghỉ ngơi, nhưng cứ rỗi lại nhớ nghề, rồi lại làm. May có đứa cháu, cũng đã luống tuổi ngày ngày phụ giúp mình dệt chiếu, con cái tôi không đứa nào chịu theo nghề”.

Bà Đào vẫn may mắn hơn bà Nguyễn Thị Lệ. Sắp tới, bà Lệ sẽ phải cất khung cửi vì người cháu bao năm nay phụ giúp bà làm chiếu đã tìm được công việc khác với thu nhập cao hơn. Bà Lệ bảo rằng, cũng không thể trách người ta được, bởi với giá chiếu bây giờ, bà chỉ dám trả cho thợ phụ 15-20 nghìn đồng một cặp chiếu. Thu nhập không đủ sống, người ta tìm công việc khác là đương nhiên.

Trăn trở của những người thợ làm chiếu Cái Chanh cũng là trăn trở của nhiều người dân và chính quyền nơi đây. Chia sẻ với tôi lúc chia tay, một lãnh đạo phường Thường Thạnh không giấu nổi bùi ngùi khi những khung dệt truyền thống đã không cạnh tranh được với những chiếc máy dệt hiện đại. Các cấp chính quyền, các ngành của thành phố, của quận cũng đã đưa ra nhiều giải pháp để khôi phục và phát triển làng nghề dệt chiếu truyền thống, nhưng vẫn chưa thực hiện được. Một hướng đi mới cho chiếu Cái Chanh đó là kết hợp sản xuất với làm du lịch, biến nơi đây trở thành điểm đến cho du khách muốn tìm hiểu về một nghề truyền thống khá đặc sắc. Tất nhiên, câu chuyện đó còn xa và cũng chẳng thể thực hiện được nếu một ngày, ở làng chiếu Cái Chanh không còn ai dệt chiếu...

Điều mà bà Lệ lo lắng nhất là bà hay bà Đào cùng những người thợ ít ỏi còn lại đều đã già, nếu một ai đó không làm nữa, những người còn lại cũng sẽ mất động lực. Trong khi lớp trẻ bây giờ không còn ai đi theo nghề truyền thống của quê hương mà chọn những công việc nhẹ nhàng, thu nhập cao hơn. Như vậy, chỉ một thời gian ngắn nữa thôi, làng chiếu Cái Chanh sẽ chỉ còn lại trong tiềm thức.