Sơn La phát huy, khai thác hiệu quả hiệp định thương mại tự do

Thời gian qua, các cấp, các ngành và huyện, thành phố của tỉnh Sơn La đã quán triệt nghiêm túc, tập trung thực hiện các chủ trương, chỉ đạo của Ðảng và Nhà nước về hội nhập kinh tế quốc tế. Ðặc biệt, tỉnh đã triển khai hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA) với các cam kết toàn diện trên nhiều lĩnh vực, tạo điều kiện thu hút đầu tư. Qua đó, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, mở rộng thị trường; khai thác các ưu đãi để tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận trong hoạt động xuất, nhập khẩu...
0:00 / 0:00
0:00
Ðóng gói sản phẩm long nhãn tại Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu hoa quả Sơn La.
Ðóng gói sản phẩm long nhãn tại Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu hoa quả Sơn La.

Sau năm 2006, tỉnh Sơn La bắt đầu triển khai, thực hiện các FTA. Ủy ban nhân dân tỉnh đã giao nhiệm vụ cho một đồng chí Phó Chủ tịch Ủy ban trực tiếp chỉ đạo lĩnh vực này, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu các sở, ngành, ủy ban nhân dân các huyện, thành phố. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố cũng phân công một đồng chí Phó Chủ tịch phụ trách khối kinh tế trực tiếp tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch về thực hiện FTA của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La đến với các đối tượng doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh.

Hằng năm, các sở, ban, ngành, huyện, thành phố xây dựng kế hoạch hằng quý phối hợp tổ chức đối thoại doanh nghiệp, nhằm kịp thời giải đáp thắc mắc và tư vấn, hỗ trợ thủ tục hành chính cho các doanh nghiệp, nhất là các hoạt động xuất nhập khẩu... tiếp thu ý kiến đóng góp của doanh nghiệp trong triển khai nội dung liên quan về hội nhập kinh tế quốc tế và thực hiện các FTA. Những khó khăn, vướng mắc thuộc thẩm quyền của bộ, ngành trung ương được tỉnh báo cáo, giải quyết kịp thời về chính sách thuế, hải quan, xuất nhập khẩu…

Ðể thực hiện tốt các nội dung đó, Sơn La đã thực hiện các FTA trên năm lĩnh vực: Chính trị, đối ngoại, quốc phòng, an ninh và thương mại hàng hóa. Quá trình thực hiện các FTA, đã góp phần triển khai hiệu quả đường lối đổi mới của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước tại địa phương, tạo điều kiện giúp Sơn La củng cố mối quan hệ với các đối tác quốc tế, các cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài tại Việt Nam...

Giai đoạn 2006-2010, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tỉnh Sơn La đạt 20,82 triệu USD, tăng bình quân 1,76%/năm. Mặt hàng chủ yếu là ngô, chè, cà-phê... Thị trường xuất khẩu chính sang Lào, Ðài Loan (Trung Quốc), Trung Quốc. Bước sang giai đoạn 2011-2015, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tăng lên 218,37 triệu USD, tăng bình quân 107,7%/năm. Sơn La đã mở rộng thị trường với các sản phẩm như: Ngô, chè, xi-măng và quặng niken...

Ông Nguyễn Quang Vinh, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Ngọc Hoàng, xã Nà Bó, huyện Mai Sơn, cho biết: Hợp tác xã trồng hơn 100 ha thanh long, là doanh nghiệp đạt nhiều thành công trong xuất khẩu nông sản. Hợp tác xã đã ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất theo quy trình VietGAP, bảo đảm các tiêu chuẩn, có mã số vùng trồng, kiểm soát toàn bộ quy trình từ chăm sóc, thu hái, bảo quản, kiểm nghiệm. Từ năm 2022 đến nay, hợp tác xã xuất khẩu hơn 700 tấn thanh long ruột đỏ.

Năm 2023, giá trị hàng hóa tham gia xuất khẩu của tỉnh Sơn La đạt 186,8 triệu USD, tăng 6,9%, trong đó, giá trị nông sản tham gia xuất khẩu đạt 177,6 triệu USD, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm 2022; các sản phẩm xuất khẩu đa dạng hơn, gồm: Cà-phê, chè, tinh bột sắn, long nhãn, chuối, xoài, chanh leo... Các con số của từng giai đoạn đã thể hiện sự tích cực tham gia FTA của Sơn La, đánh giá năng lực xuất khẩu của tỉnh ngày một đi lên.

Hiện tỉnh thu hút bảy dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đang hoạt động với số vốn đăng ký 153,6 triệu USD. Các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài thuộc các lĩnh vực: Sản xuất nông nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, khai thác khoáng sản, dịch vụ... Nhìn chung các dự án FDI triển khai tương đối thuận lợi, đạt kết quả, góp phần vào sự phát triển kinh tế-xã hội, tạo nhiều việc làm, tăng thu nhập cho người lao động.

Sơn La luôn quan tâm, tạo điều kiện nhằm đáp ứng các yêu cầu của cam kết FTA về nguồn gốc, xuất xứ, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm nông nghiệp. Ðến nay, Sơn La có 28 sản phẩm nông nghiệp được cấp văn bằng bảo hộ, trong đó xoài tròn Yên Châu được bảo hộ tại thị trường Liên minh châu Âu (EU) theo Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và EU.

Theo đại diện lãnh đạo tỉnh Sơn La, để tiếp tục triển khai hiệu quả các FTA, Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La ban hành nhiều chương trình kế hoạch triển khai các FTA, về hội nhập quốc tế tỉnh giai đoạn 2021-2025; hỗ trợ các tổ chức, cá nhân, các doanh nghiệp tiếp cận, tìm hiểu và áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đối với hàng hóa sản xuất trong nước. Tỉnh còn xây dựng bản tin thông báo và hỏi đáp thực thi hiệp định hàng rào kỹ thuật trong thương mại, xuất bản hai tháng/kỳ phát đến các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.