Sớm tìm nguồn cát ổn định cho dự án đường vành đai 3

Thiếu cát xây dựng, nhiều công trình trọng điểm tại Thành phố Hồ Chí Minh có nguy cơ chậm tiến độ; trong đó có dự án đường vành đai 3. Hiện, một số gói thầu của dự án này đang thi công cầm chừng, ảnh hưởng không nhỏ đến mục tiêu thông xe phần cao tốc vào năm 2025 và hoàn thành toàn bộ dự án vào năm 2026.
0:00 / 0:00
0:00
Thi công gói thầu xây lắp 3, dự án đường vành đai 3 đoạn qua địa bàn thành phố Thủ Đức. (Ảnh ANH THẾ)
Thi công gói thầu xây lắp 3, dự án đường vành đai 3 đoạn qua địa bàn thành phố Thủ Đức. (Ảnh ANH THẾ)

Theo thống kê của Bộ Giao thông vận tải, sau hơn nửa năm khởi công dự án vành đai 3, khối lượng cát mới đạt khoảng 0,4/9,3 triệu mét khối, không đạt tiến độ thi công. Đường vành đai 3 đi qua các địa phương Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai và Long An với tổng chiều dài hơn 76 km, trong đó, phần qua Thành phố Hồ Chí Minh dài nhất với hơn 47 km. Nhu cầu cát đắp cho toàn tuyến hiện ước tính khoảng 9,3 triệu mét khối. Trước mắt, năm 2024 dự án cần hơn 6 triệu mét khối, riêng đoạn qua thành phố khoảng 4,7 triệu mét khối. Dự án đường vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh gồm 10 gói thầu nhưng hầu hết đều cần nguồn cát để thi công đắp nền.

Ghi nhận ở phía tây bắc thành phố, gói thầu số 8 của dự án đường vành đai 3 qua huyện Hóc Môn đang gặp trở ngại lớn vì thiếu nguồn cát, ông Hoàng Phúc Thịnh, Chỉ huy trưởng đơn vị thi công, Tập đoàn Cienco 4, cho biết: Hiện nguồn cát không đủ, nên việc thi công đang chuyển qua phần cầu thay vì nền đường để bảo đảm tiến độ chung, trong khi nền đường thông thường phải thi công trước. Theo ông Thịnh, gói thầu nêu trên cần khoảng 1,7 triệu mét khối cát đắp nền, song từ khi triển khai tháng 8/2023 tới nay nguồn cát mới cung ứng được hơn 3.000 m3. Tình trạng thiếu cát khiến việc thi công khó khăn trong điều kiện cần tập trung xử lý nền đất trong năm nay. “Nếu trong tháng 5 nguồn cát cung cấp ổn định cho toàn bộ gói thầu thì mới kịp thi công các hạng mục khác, bảo đảm cơ bản thông xe tuyến chính vành đai 3 vào tháng 10/2025”, ông Thịnh kỳ vọng. Tương tự, nhiều tháng nay, các gói thầu như xây lắp số 3, 4 thuộc tuyến vành đai 3 đi qua địa bàn thành phố Thủ Đức phải thi công cầm chừng vì thiếu cát san lấp. Hầu hết, các đơn vị thi công đều “chữa cháy” bằng cách làm các hạng mục khác, không phụ thuộc vào cát như làm cầu, đường song hành... Nhà thầu đảm trách thi công gói thầu xây lắp 3 đường vành đai 3 cho hay: Năm nay, nhu cầu cát đắp ở gói xây lắp số 3 ước tính hơn 200.000m3, riêng tháng 4 cần khoảng 25.000m3 nhưng đến nay vẫn…“tắc”.

Cầu Nhơn Trạch bắc qua sông Đồng Nai, cũng là cây cầu dài nhất trong dự án đường vành đai 3 đang được tổ chức thi công. Khởi công vào cuối tháng 9/2022, hiện tiến độ đạt hơn 68%, rút ngắn so với kế hoạch đề ra là bốn tháng. Tuy nhiên, phần đường dẫn lên cầu lại có khả năng không đạt được tiến độ đề ra. Nguyên nhân khiến khối lượng cầu chưa đạt tiến độ là chưa có cát để thực hiện việc san lấp. Phó Giám đốc Ban quản lý dự án Mỹ Thuận 9 (chủ đầu tư) Diệp Bảo Tuấn cho biết: Theo tính toán dự án thành phần 1-vành đai 3 cần 400.000m3 cát san nền nhưng đến nay các nhà thầu mới “xoay” được 130.000m3, tương đương 1/3 khối lượng, 2/3 lượng cát còn lại hiện chưa biết trông chờ vào đâu vì các chủ mỏ khai thác đều lắc đầu. Nguyên nhân theo ông Tuấn, vì nhiều mỏ khai thác đang bị đóng cửa, tạm thời không được khai thác, chủ đầu tư đã chạy vạy hỏi các tỉnh “vay” cát nhưng tất cả đều lắc đầu vì họ còn ưu tiên cho công trình tại địa phương mình. Chủ đầu tư dự án này thông tin, đặt tình huống nguồn cát cạn kiệt phải đi mua từ Campuchia thì giá sẽ đội lên gấp rưỡi nhưng cũng phải “xoay”. “Đây là tình huống dự phòng nhưng trong tình huống cần kíp cũng phải tính tới, tuy nhiên theo các nhà thầu, số kinh phí phát sinh do giá cát nền tăng cao ai sẽ “gánh” vì giá thầu đã được chốt ngay từ ban đầu”, ông Tuấn chia sẻ thêm. Trên thực tế, tình trạng khan hiếm cát san nền là tình trạng chung, khiến các chủ đầu tư lo lắng vì cùng lúc các công trình lớn, đặc biệt là các công trình thi công đường cao tốc, vành đai cần khối lượng vật liệu cát san nền lên đến hàng trăm triệu mét khối, trong khi đây là nguồn vật liệu chính trong thi công xây dựng. Một nhà thầu thi công gói thầu trên địa bàn huyện Bình Chánh, thuộc dự án đường vành đai 3 cho biết: Do quá cần nguồn cát san lấp nên công ty đã buộc mua cát từ các mỏ với giá 370.000 đồng/mét khối, cao hơn 100.000 đồng/mét khối so với thời điểm cuối năm 2023. Dù giá này bị đội lên so với giá mời thầu nhưng theo nhà thầu này, nếu không mạnh dạn mua cát thì chắc chắn không có nguồn cát để thi công, ảnh hưởng đến tiến độ đã cam kết với chủ đầu tư.

Để giải quyết vướng mắc, Sở Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị Bộ Giao thông vận tải đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long, Bến Tre, Đồng Tháp, An Giang tham mưu Tỉnh ủy có chủ trương hỗ trợ, chia sẻ nguồn vật liệu cát đắp nền đường từ các mỏ cát của tỉnh để cung cấp cho dự án đường vành đai 3. Đồng thời, đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh Vĩnh Long, Bến Tre, Tiền Giang đẩy nhanh tiến độ thủ tục gia hạn, cấp phép khai thác khoáng sản và thực hiện các cơ chế đặc thù của Chính phủ để kịp thời cung cấp vật liệu cho dự án vào tháng 5. Trước đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường thành lập ngay tổ công tác liên ngành để giải quyết dứt điểm vấn đề này; qua đó, đề nghị các tỉnh Vĩnh Long, Tiền Giang, Bến Tre đẩy nhanh tiến độ các thủ tục gia hạn, cấp phép khai thác khoáng sản và chủ trương cung cấp cho dự án đường vành đai 3, hoàn thành trước ngày 15/6 ■