Sớm có giải pháp thấu tình, đạt lý với người dân

Một gia đình liệt sĩ ở Kiên Giang cho chính quyền địa phương mượn đất để xây dựng trụ sở xã vào năm 1983, đến nay dù có trụ sở mới ở vị trí khác nhưng địa phương này không trả lại phần đất đã mượn.
0:00 / 0:00
0:00
Các nhân chứng đều khẳng định gia đình ông Trương Văn Trình cho mượn đất để xây dựng trụ sở xã Đông Thái (huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang) vào năm 1983.
Các nhân chứng đều khẳng định gia đình ông Trương Văn Trình cho mượn đất để xây dựng trụ sở xã Đông Thái (huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang) vào năm 1983.

Ông Trương Văn Trình (71 tuổi), ngụ ấp Đồng Giữa, xã Nam Thái, huyện An Biên gửi đơn nhiều nơi để xin nhận lại phần đất của gia đình cho chính quyền mượn xây dựng trụ sở xã Đông Thái, huyện An Biên vào năm 1983. Ông Trình là con ruột liệt sĩ Trương Văn Chấn, hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Mòn mỏi đòi lại đất cho mượn

Ngày 19/2/1983, ông Huỳnh Thanh Long (khi đó là Bí thư Đảng ủy xã Đông Thái) cùng ông Trần Cầm (khi đó là Trưởng Công an xã Đông Thái) đến gặp gia đình ông Trương Văn Trình và thông báo huyện An Biên chuẩn bị tách làm hai huyện là An Biên và An Minh. Do vậy, Huyện ủy An Biên chỉ đạo xã Đông Thái quy hoạch chuẩn bị di dời các cơ quan của xã.

Thực hiện chỉ đạo này, lãnh đạo xã Đông Thái ngỏ ý xin mượn đất của gia đình ông Trình để xây dựng trụ sở, sau này xã Đông Thái dời đi chỗ khác sẽ trả lại. Sau khi bàn bạc, gia đình ông Trình đồng ý.

Việc này thể hiện bằng giấy mượn đất do ông Trần Cầm được phân công viết và ký tên, rồi giao cho gia đình ông Trình lưu giữ đến tận bây giờ. Thế nhưng, nhiều năm qua, gia đình ông Trình cầu cứu khắp nơi mà không lấy lại được đất mặc dù trụ sở xã Đông Thái mới đã xây dựng chỗ khác, cách vị trí cũ khoảng 1 km.

Ông Trương Văn Trình kể: Vì gánh nặng cuộc sống, tôi xa vợ con, làm thuê trên tàu cá. Quá trình lao động, tai họa ập đến vào cuối năm 2004 khi hai bàn tay ông Trình bị cuốn vào chân vịt tàu biển làm đứt lìa 8 ngón. Mất khả năng lao động, ông trở về ấp Đồng Giữa, xã Nam Thái cất tạm căn nhà trên phần đất của đứa con rể.

Hằng ngày, vợ chồng ông giữ 2 cháu ngoại để vợ chồng người con gái đi làm thuê ở Thành phố Hồ Chí Minh gửi tiền về nuôi con. Mấy năm trước, trong một lần ông Trình về xã Đông Thái đi đám giỗ thì hay tin trụ sở xã Đông Thái đã dời đi chỗ khác, nhưng không ai thông báo cho ông biết.

Ông Trương Văn Trình đến trụ sở xã Đông Thái hỏi thì được trả lời là mất hồ sơ và đề nghị ông làm văn bản gửi huyện An Biên. Làm đơn gửi Ủy ban nhân dân huyện An Biên, đến khoảng một năm sau (giữa năm 2022), ông được mời đến Ủy ban nhân dân xã Đông Thái để tiếp xúc, trao đổi.

Đến cuối năm 2022, ông nhận văn bản trả lời do Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện An Biên Tô Thanh Đoàn ký.

Theo Ủy ban nhân dân huyện An Biên, phần diện tích đất ông Trình yêu cầu trả đã được thực hiện chính sách đất đai của Nhà nước từ năm 1983 đến nay, là diện tích đất xây dựng trụ sở các cơ quan và khuôn viên Ủy ban nhân dân xã Đông Thái cũ.

Mặt khác, từ năm 1983 đến nay, ông Trình cũng không có quá trình sử dụng đối với diện tích đất này.

“Việc yêu cầu đòi lại đất cũ của ông Trương Văn Trình là không phù hợp với quy định tại khoản 2 Điều 2 Luật Đất đai năm 1993; khoản 2 Điều 10 Luật Đất đai năm 2003; khoản 5 Điều 26 Luật Đất đai năm 2013. Do đó, nội dung yêu cầu của ông Trình không có cơ sở xem xét giải quyết”- văn bản trả lời của Ủy ban nhân dân huyện An Biên nêu.

Không đồng tình, ông Trình tiếp tục gửi đơn khiếu nại đến Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang. Ngày 8/11/2023, ông nhận được đơn hướng dẫn của Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang, cho rằng khiếu nại thuộc thẩm quyền giải quyết của Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện An Biên.

Về sự việc gia đình ông Trương Văn Trình cho mượn đất trước đây, hiện vẫn còn nhiều nhân chứng. Họ là những người thực hiện chủ trương mượn, viết đơn mượn đất để xây dựng trụ sở xã Đông Thái vào năm 1983.

Khu đất mà ông Trình đòi lại nằm gần Quốc lộ 63, ngay chợ Thứ Bảy, thuộc ấp Bảy Chợ. Phần đất có chiều ngang 40m, dài hơn 200m. Hiện nay có nhiều ki-ốt của các tiểu thương bao quanh phía mặt tiền, sâu bên trong cây cối mọc um tùm.

Ông Phạm Hồng Thọ (80 tuổi), nguyên Phó trưởng Công an huyện An Biên, là người phụ trách, chỉ đạo xã Đông Thái mượn đất khẳng định: “Chủ trương và việc phân công tôi chỉ đạo mượn đất để xây trụ sở xã hoàn toàn có thật. Tôi đề nghị cơ quan chức năng xem xét bảo đảm quyền lợi cho ông Trình, thực hiện cam kết giữa chính quyền với gia đình liệt sĩ Chấn”.

Theo ông Thọ, nếu chính quyền hiện tại muốn sử dụng đất đó vào mục đích gì thì phải thỏa thuận với người dân chứ không thể lấy như vậy được. Còn ông Trần Cầm khẳng định: “Đơn mượn đất gia đình ông Trình để xây dựng trụ sở xã Đông Thái do chính tay tôi viết. Tôi khẳng định đây là đất của gia đình ông Trình, vì vậy mong rằng Nhà nước có biện pháp trả lại đất cho dân”.

Cần giải quyết dứt điểm

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện An Biên Tô Thanh Đoàn cho biết, vụ việc của ông Trương Văn Trình là không giải quyết được, vì Luật Đất đai năm 2013 không quy định trả đất. Theo ông Đoàn, Luật Đất đai năm 1993 và năm 2003 có nói đến việc yêu cầu mượn, trả đất nhưng đến Luật Đất đai năm 2013 đã không quy định quyền mượn, trả đất.

Theo ông Đoàn, tại khoản 5, Điều 26, Luật Đất đai năm 2013 quy định: “Nhà nước không thừa nhận việc đòi lại đất đã được giao theo quy định của Nhà nước cho người khác sử dụng trong quá trình thực hiện chính sách đất đai của Nhà nước...”.

Ông Đoàn cho rằng, trước đây Luật Đất đai năm 2003 còn hiệu lực thì có nói về việc trả lại đất.

Cụ thể mục 5, Điều 112 của Nghị định 181/2004 của Chính phủ về việc thi hành Luật Đất đai quy định: “Việc giải quyết trả lại đất mà Nhà nước đã mượn của hộ gia đình, cá nhân được thực hiện đến hết ngày 31/12/2010”.

Do Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực cho nên Luật Đất đai 1993 và 2003 đã hết hiệu lực. Vì vậy, việc trả lại đất cho tổ chức, cá nhân không thực hiện được. Ông Tô Thanh Đoàn cũng cho biết, khu đất trụ sở Ủy ban nhân dân xã Đông Thái cũ bây giờ được quy hoạch là bến xe, khu thương mại.

Một số luật sư thuộc Đoàn Luật sư tỉnh Kiên Giang cho rằng, vụ việc ông Trình còn nhân chứng sống, có chứng cứ là giấy mượn đất cho nên việc đòi lại đất là có căn cứ pháp lý. Bởi việc giải quyết trả lại đất cho mượn đã được quy định rõ tại Điều 116, Luật Đất đai 2003.

Luật Đất đai hiện hành thì không có quy định trường hợp này nhưng ông Trình đòi lại đất cho mượn từ lâu. Việc Ủy ban nhân dân xã Đông Thái di dời không báo nên ông Trình không biết để làm thủ tục đòi. Hơn nữa căn cứ theo quy định Bộ luật Dân sự hiện hành thì bên cho mượn vẫn có quyền đòi lại tài sản miễn thời hiệu khởi kiện chưa hết.

Theo luật sư Đoàn Công Thiện, Đoàn Luật sư tỉnh Kiên Giang, nói về lẽ công bằng thì trong Bộ luật Dân sự, tại Điều 6 có quy định: Trong trường hợp mà pháp luật không có quy định thì áp dụng lẽ công bằng.

Về vụ việc này, gia đình liệt sĩ không có đất, mà đất hiện nay trụ sở xã không còn sử dụng nữa thì lẽ ra phải trả lại, hoặc cấp cho họ. Trong khi đó, diện tích đất không có tranh chấp, mà gia đình liệt sĩ này không có đất ở và sản xuất thì lẽ ra cấp trả cho họ mới hợp tình, hợp lý, mới đúng lẽ công bằng.

Cũng theo luật sư Thiện, nếu phần diện tích đất này đã nằm trong quy hoạch làm dự án công ích hay khu thương mại thì chính quyền phải có chính sách hỗ trợ ông Trình về giá trị đất ở mức phải bảo đảm giá trị thực và tùy thuộc vào khả năng, mức độ sinh lợi.

Ví dụ quy hoạch nơi này thành khu thương mại, nhà ở thương mại thì có thể thu tiền từ bán nhà thương mại rồi tính xem phần nào nộp ngân sách, phần nào trả lại cho gia đình ông Trình.