Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm Covid-19 cao trong ngày là: Hà Nội (12.850 ca), Quảng Ninh (9.105 ca), Nghệ An (3.958 ca), Bắc Ninh (3.572 ca), Hưng Yên (3.309 ca), Lào Cai (3.233 ca), Nam Ðịnh (2.921 ca), Phú Thọ (2.887 ca)... Sở Y tế Quảng Ninh đăng ký bổ sung 28.095 ca bệnh Covid-19 sau khi rà soát, bổ sung đầy đủ thông tin. Trong ngày cũng có 27.039 người mắc Covid-19 được công bố khỏi bệnh và ghi nhận 108 ca tử vong tại 33 tỉnh, thành phố.
Trên cơ sở các nghiên cứu đánh giá độ ổn định liên quan đến hạn dùng của vắc-xin được bổ sung, các cơ quan chuyên môn đã xem xét thẩm định và Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) đồng ý tăng hạn dùng của vắc-xin phòng Covid-19 Abdala. Theo đó, hạn dùng mới cho vắc-xin Abdala ban đầu là sáu tháng sẽ tăng lên chín tháng ở điều kiện bảo quản từ 2 đến 8oC. Cũng như các vắc-xin phòng Covid-19 khác, vắc-xin Abdala được nghiên cứu và phê duyệt theo hình thức cuốn chiếu, nghĩa là phê duyệt cho những phần đã hoàn thiện trong khi nhà sản xuất vẫn phải tiếp tục nghiên cứu bổ sung. Bộ Y tế khẳng định việc tăng hạn dùng đối với vắc-xin Abdala không làm thay đổi chất lượng cũng như độ an toàn, hiệu quả của vắc-xin.
Ngày 28/2, Bộ Y tế đã có bổ sung hướng dẫn về hai loại thuốc kháng vi-rút Remdesivir và Molnupiravir trong điều trị Covid-19. Theo đó, đối với thuốc Remdesivir, người bệnh điều trị nội trú ở mức độ nhẹ và có ít nhất một yếu tố nguy cơ tiến triển nặng; mức độ trung bình và nặng, khởi phát bệnh chưa quá 10 ngày có suy hô hấp phải thở oxy, thở HFNC, thở máy không xâm nhập.
Nên phối hợp với corticoid (ưu tiên dexamethason). Với các trường hợp đã được điều trị bằng Remdesivir trước khi thở máy xâm nhập hoặc ECMO thì có thể tiếp tục dùng Remdesivir cho đủ liệu trình. Ðối với thuốc Molnupiravir, người bệnh Covid-19 người lớn từ 18 tuổi trở lên mức độ nhẹ đến trung bình và có ít nhất một yếu tố nguy cơ làm bệnh tiến triển nặng. Thuốc sử dụng trong vòng năm ngày kể từ khi khởi phát các triệu chứng hoặc có kết quả xét nghiệm dương tính. Bệnh nhân cần nhập viện đã được khởi trị molnupiravir trước đó có thể tiếp tục sử dụng thuốc để hoàn thành phác đồ điều trị năm ngày tùy theo quyết định của bác sĩ điều trị.
Bộ Y tế vừa có văn bản gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND các tỉnh, thành phố tăng cường quản lý chất thải với các trường hợp mắc Covid-19 tại nhà. Theo đó, Bộ Y tế đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị, địa phương triển khai các giải pháp tăng cường vận chuyển, xử lý chất thải trong phòng, chống dịch Covid-19 bảo đảm kịp thời và an toàn phòng, chống dịch; phối hợp các địa phương kiểm tra việc vận chuyển, xử lý chất thải trong phòng, chống dịch Covid-19 theo thẩm quyền, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.
UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cấp, các ngành và đơn vị liên quan tại địa phương xây dựng phương án thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải phát sinh đối với các F0 đang quản lý tại nhà trên địa bàn; hướng dẫn người dân phân loại chất thải tại nhà. Trong quá trình thu gom chất thải, các đơn vị phải bảo đảm không bị rơi, rò rỉ chất thải làm phát tán mầm bệnh ra bên ngoài...
Ngày 28/2, Sở Y tế Hà Nội có công văn khẩn gửi 22 trung tâm y tế quận, huyện và các bệnh viện: Tâm thần Hà Nội, Phổi Hà Nội, Thanh Nhàn, Ðống Ða, Hà Ðông về việc phân bổ 401 nghìn viên Molnupiravir 200 mg điều trị Covid-19. Sở Y tế yêu cầu Bệnh viện Ðống Ða liên hệ với nhà cung ứng, làm thủ tục nhận thuốc Molnupiravir 200 mg và có trách nhiệm bảo quản theo đúng điều kiện bảo quản ghi trên nhãn; thực hiện việc cấp phát cho các đơn vị. Sở Y tế Hà Nội cũng lưu ý, các đơn vị phải bổ sung tiêu chuẩn lựa chọn bệnh nhân là các yếu tố nguy cơ tiến triển nặng để giảm tỷ lệ biến cố bất lợi, giảm khả năng đột biến kháng thuốc ở vi-rút.
Bác sĩ Trần Văn Dũng, Phó Giám đốc Sở Y tế Sóc Trăng cho biết, thực hiện chiến dịch "tiêm phòng mùa xuân" từ 29/1 đến hết ngày 28/2 tỷ lệ tiêm mũi ba vắc-xin phòng Covid-19 của tỉnh Sóc Trăng đạt 99,9% đối với người từ 18 tuổi trở lên, thuộc nhóm có tỷ lệ cao nhất cả nước.