Số ca mắc Covid-19 tại Malaysia xu hướng gia tăng trở lại

Số liệu từ Bộ Y tế Malaysia cho biết, số ca mắc Covid-19 tại quốc gia Đông Nam Á này đang tiếp tục xu hướng gia tăng trở lại kể từ cuối tháng 4.
0:00 / 0:00
0:00
Lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 ở Petaling Jaya, Malaysia. (Ảnh: Reuters)
Lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 ở Petaling Jaya, Malaysia. (Ảnh: Reuters)

Trong 3 ngày gần đây nhất (từ ngày 14 đến 16/7), số ca mắc mới đều ở mức trên 4.000 ca/ngày, lần lượt là 4.098 ca, 5.230 ca và 5.047 ca.

Số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 đã tăng 42,7% trong vòng 14 ngày qua, nâng tổng số người mắc Covid-19 tại Malaysia lên 42.481 người.

Với 4 bệnh nhân không qua khỏi trong ngày 16/7, tổng số ca tử vong do mắc Covid-19 tại Malaysia hiện là 35.848 ca.

Đáng chú ý, trong tuần qua, tỷ lệ tử vong/số người mắc bệnh cũng tăng nhẹ lên mức 5,6 người/ngày so với mức 3,9 người/ngày 1 tháng trước đó.

Theo Bộ trưởng Y tế Malaysia Khairy Jamaluddin, dòng phụ BA.5 của biến thể Omicron chiếm chủ yếu trong số ca mắc mới Covid-19 tại nước này. Biến thể trên rất dễ lây lan và có thể “thoát miễn dịch”, làm tăng nguy cơ tái nhiễm ở những người đã từng nhiễm Omicron.

Để ứng phó với nguy cơ dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trở lại, Bộ Y tế Malaysia đang cân nhắc khả năng tái áp đặt quy định giãn cách xã hội.

Ông Jamaluddin cho biết nếu số ca mắc mới tăng mạnh, Bộ trên có thể sẽ áp đặt trở lại việc thực thi Đạo luật Phòng, chống và kiểm soát dịch bệnh truyền nhiễm (Đạo luật 342), trong đó có việc bắt buộc đeo khẩu trang.

Trong khi đó, mặc dù số ca mắc mới Covid-19 những ngày qua ở Hong Kong (Trung Quốc) luôn ghi nhận trên 3.000 ca, song 4 chuyên gia y tế thuộc Đại học Hong Kong lại ủng hộ việc nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội.

Các chuyên gia trên bao gồm giáo sư Viên Quốc Dũng - Khoa Vi sinh, ông Khổng Phồn Nghị - Chủ nhiệm Khoa bệnh truyền nhiễm, Phó giáo sư Long Chấn Bang và Giáo sư Siddharth Sridhar thuộc Khoa Vi sinh là đồng tác giả của 1 bài báo, đề xuất chính quyền Hong Kong nới lỏng dần các biện pháp giãn cách xã hội vào mùa hè, và nỗ lực để đạt được “miễn dịch hỗn hợp” trước mùa đông thông qua việc tiêm vaccine ngừa Covid-19 và lây nhiễm tự nhiên.

Theo các chuyên gia này, việc xét nghiệm bắt buộc gây tốn kém, phiền phức cho người dân và lãng phí, do vậy nếu đạt đến “miễn dịch hỗn hợp” thì nên dỡ bỏ những biện pháp trên và việc xét nghiệm nhanh kháng nguyên hàng ngày trước khi đến trường, tuy nhiên vẫn cần tiếp tục áp dụng ở những nơi có nguy cơ cao như bệnh viện, nhà trẻ, nhà chăm sóc nội trú.

Sau khi nới lỏng các biện pháp này, những người chưa được tiêm vaccine cần thực hiện các biện pháp tự bảo vệ mình như đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà, tránh các hoạt động bỏ khẩu trang và người nhà nên xét nghiệm nhanh kháng nguyên hàng ngày.

Về vấn đề thông quan, do Trung Quốc đại lục vẫn duy trì chính sách “Không Covid” năng động, các chuyên gia trên đề xuất nên ưu tiên thông quan ra nước ngoài, yêu cầu du khách đến Hong Kong phải hoàn thành việc tiêm vaccine và rút ngắn dần thời gian cách ly tại khách sạn, chuyển sang cách ly tại nhà.

Về lâu dài, việc cách ly tại khách sạn hoặc nhà riêng có thể được thay thế bằng việc sắp xếp xét nghiệm theo chỉ định và đeo vòng tay điện tử, kết hợp với “hộ chiếu vaccine”, cấm người nhập cảnh vào nhà hàng và quán bar trong 7 ngày đầu tiên đến Hong Kong.

Cũng theo những chuyên gia này, các ca bệnh nhập cảnh hiện tại ít ảnh hưởng đến tình hình dịch bệnh tại Hong Kong. Họ đều đã hoàn thành việc tiêm vaccine nên dù mắc Covid-19 cũng không gây áp lực lên hệ thống y tế.

Sau khi số ca mắc mới tăng trở lại từ 200 ca/ngày vào đầu tháng 6 lên trên 1.000 ca/ngày, chính quyền Hong Kong đã quyết định không nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội giai đoạn 3 theo lịch trình. Thay vào đó, các biện pháp giãn cách xã hội hiện tại đã được kéo dài từ ngày 14/7-27/7.

Trong khi đó, chính quyền Đặc khu hành chính Macau (Trung Quốc) tiếp tục yêu cầu các công ty và các doanh nghiệp thương mại ngừng hoạt động đến ngày 22/7 nhằm ngăn chặn lây lan dịch Covid-19.

Tuy nhiên, các cơ sở kinh doanh những mặt hàng thiết yếu như các chợ, siêu thị, nhà hàng... tiếp tục được phép hoạt động. Nhân viên nấu ăn, giao hàng mang đi và người lái phương tiện giao thông công cộng sẽ phải xét nghiệm axit nucleic hàng ngày.