23 chốt kiểm dịch trắng đêm làm việc
Trước những diễn biến dịch bệnh phức tạp trên địa bàn Thủ đô và các địa phương trên cả nước, với chủng virus Delta có tốc độ lây lan nhanh, phức tạp và nguy hiểm, TP Hà Nội đã quyết định thực hiện cách ly toàn xã hội trong vòng 15 ngày kể từ 6 giờ ngày 24/7.
Bắt đầu từ thời điểm thực hiện giãn cách, nhiệm vụ của 23 chốt kiểm dịch tại các “cửa ngõ” ra vào Thủ đô Hà Nội vốn đã vất vả càng thêm nặng nề.
Tại mỗi chốt kiểm dịch, lực lượng Cảnh sát giao thông phối hợp cùng các lực lượng chức năng phải tiến hành kiểm soát 100% lượng phương tiện lưu thông qua chốt. Mỗi ca trực 6 tiếng được duy trì thành 4 ca để bảo đảm đủ thời gian trực 24/24 giờ.
Tại chốt kiểm dịch Covid-19 đặt tại trạm thu phí cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, chốt có lượng phương tiện từ phía nam lưu thông vào Hà Nội lớn nhất, để kiểm soát các phương tiện vào TP Hà Nội, lực lượng Cảnh sát giao thông đã bố trí lập barie, căng dây tại các làn hướng vào thành phố và chỉ để một làn xe cho các phương tiện đủ điều kiện đi "luồng xanh" qua sau khi đã kiểm tra.
Để bảo đảm chống ùn tắc tại chốt kiểm soát phòng, chống dịch bệnh, lực lượng chức năng đã tăng cường lực lượng; đồng thời, bố trí cho các phương tiện không đủ điều kiện một làn riêng để quay đầu vì không thuộc diện xe đi "luồng xanh".
Theo ghi nhận thực tế, có khá nhiều phương tiện không đủ điều kiện đi vào thành phố khi đến chốt kiểm soát đã phải quay đầu trở lại. Đáng chú ý, dù đã có chỉ thị dừng nhưng vẫn còn không ít phương tiện kinh doanh vận tải xe tuyến cố định vẫn cố tình hoạt động. Điều này khiến công tác kiểm tra, phân luồng của các chiến sĩ công an tại đây tốn nhiều công sức.
Đại úy Bùi Đức Minh, cán bộ thuộc Đội Cảnh sát giao thông (CSGT) số 14, Phòng CSGT Công an Hà Nội, thường xuyên tham gia ứng trực tại chốt kiểm dịch trạm thu phí cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ nên hơn nửa tháng nay, anh thường xuyên vắng nhà trong những bữa cơm tối.
Anh Minh cho biết, kiểm soát phòng dịch tại một tuyến đường huyết mạch vào Thủ đô không phải dễ dàng. Ban đầu, mỗi ca trực có 11 người nhưng UBND TP Hà Nội sau đó quyết định tăng cường thêm lực lượng cho các chốt trọng điểm lên 20 người, gồm: cảnh sát giao thông, cảnh sát cơ động, công an huyện, thanh tra giao thông, cán bộ y tế, kiểm soát quân sự và đại diện UBND quận/huyện.
Thượng úy Nguyễn Mạnh Tùng, thuộc Đội Cảnh sát giao thông số 7, những ngày này cũng đang tăng cường trực chiến tại chốt kiểm soát dịch số 5 tại khu vực cầu Phù Đổng (huyện Gia Lâm, Hà Nội). Mặc dù có 2 con còn nhỏ nhưng Thượng úy Tùng vẫn cố gắng thu xếp công việc gia đình, bám chốt cùng đồng đội cả ngày nắng lẫn ngày mưa, cố gắng hoàn thành nhiệm vụ.
Tính riêng trong 15 ngày giãn cách đầu tiên, các chốt kiểm soát dịch đã kiểm soát 351.682 lượt phương tiện (yêu cầu 39.585 lượt phương tiện quay đầu, phun khử khuẩn 9.193 phương tiện, kiểm tra y tế và cho 279.262 phương tiện vào thành phố); kiểm tra 360.814 lượt người, qua đó phát hiện 9 trường hợp nghi nhiễm Covid-19, đưa 2 người đi cách ly, thông báo cho chính quyền địa phương về 54 trường hợp có biểu hiện ho, sốt để theo dõi...
Xử nghiêm người ra ngoài không cần thiết
Cùng với 23 chốt kiểm dịch tại các “cửa ngõ”, trong các khu vực nội thành, Công an TP Hà Nội đã phối hợp cùng chính quyền địa phương các quận, huyện, thị xã, phường, xã lập hơn 1600 chốt kiểm soát cơ động để kiểm soát việc thực hiện giãn cách xã hội, bảo đảm việc phòng, chống dịch thực hiện nghiêm minh.
Tại địa bàn quận Đống Đa, thực hiện nghiêm Chỉ thị 17 của Chủ tịch UBND TP Hà Nội về giãn cách xã hội, quận Đống Đa đã thành lập 64 chố kiểm soát tại 21 phường, khép kín địa bàn, kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm quy định phòng chống dịch.
Từ chiều 28/7, trên các tuyến đường chính, tuyến phố xuyên tâm, xuyên trục qua địa bàn quận Đống Đa, các chốt đã triển khai lực lượng, tăng cường kiểm soát, xử lý vi phạm. Trong đó, một số tuyến phố chính như Tây Sơn, Tôn Đức Thắng, Khâm Thiên, Xã Đàn,… lực lượng chức năng của phường sở tại đã lập chốt, dựng lều bạt, sẵn sàng làm nhiệm vụ trong mọi điều kiện thời tiết, thời gian, bảo đảm công tác chống dịch kiên quyết, kiên trì.
Tại địa bàn quận Hoàn Kiếm, chỉ huy Công an quận cho biết, đơn vị đã chủ động xây dựng và triển khai Phương án số 54/PA-CAHK về “Bố trí lực lượng bảo vệ, kiểm soát, phong tỏa, cách ly, bảo đảm an ninh, trật tự phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn quận Hoàn Kiếm” với nguyên tắc bố trí lực lượng theo 4 cấp độ cách ly.
Tại địa bàn quận Tây Hồ, nơi có nhiều khu chợ dân sinh đông đúc như chợ Nhật Tân, chợ Yên Phụ, chợ Tứ Liên, lực lượng Công an quận đã phối hợp cùng công an phường, UBND phường lên kế hoạch phát phiếu đi chợ cho người dân.
Tại các tổ dân phố, cảnh sát khu vực lập các nhóm Zalo để thông báo về việc phát phiếu, địa điểm nhận phiếu. Đồng thời, lập các chốt cơ động, rào chắn tại các lối vào chợ để kiểm soát việc tập trung đông người. Tuyệt đối không cho người không có lý do xác đáng tự do đi lại, bảo đảm phòng, chống dịch bệnh.
Trong 2 tuần đầu giãn cách (6 giờ ngày 24/7 đến ngày 9/8), toàn lực lượng Công an TP Hà Nội đã xử lý 12.430 trường hợp (không đeo khẩu trang, không thực hiện các biện pháp cách ly, ra khỏi nhà khi không có lý do cấp thiết…).
Theo Đại tá Trần Ngọc Dương, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tại các quận, huyện trên địa bàn Thủ đô có quyền lập các chốt với thành phần có lực lượng công an để xử lý vi phạm liên quan phòng, chống dịch bệnh.
Tuy nhiên, để tránh gây ùn tắc tại các điểm chốt, Công an TP Hà Nội đã quán triệt tinh thần đến cán bộ, chiến sĩ công an khi làm việc tại các chốt tập trung chủ yếu vào công tác tuyên truyền, nhắc nhở và phát hiện, xử lý những vi phạm trong phòng, chống dịch. Chủ yếu là các trường hợp ra ngoài không cần thiết, không đeo khẩu trang.
Các chốt kiểm dịch sẽ làm việc theo tinh thần linh hoạt, vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Kiểm tra, xử lý các vi phạm phải thực hiện nhanh, bảo đảm giãn cách, không làm tăng áp lực giao thông dẫn tới ùn tắc.