Siết chặt quản lý hoạt động khai thác khoáng sản ở Phú Yên

NDO -

NDĐT - Thực trạng gây thất thoát tài nguyên, ảnh hưởng đến môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường ở tỉnh Phú Yên đang được dư luận quan tâm. Mới đây, HĐND tỉnh này đã có chuyến khảo sát, phát hiện nhiều bất cập trong khai thác, chế biến khoáng sản cũng như công tác quản lý của các ngành chức năng và chính quyền địa phương.

Các doanh nghiệp đã hết hạn khai thác, nhưng tại khu vực mỏ đá xã An Phú, TP Tuy Hòa vẫn còn nhiều ao tù, hố sâu lớn chưa được hoàn nguyên.
Các doanh nghiệp đã hết hạn khai thác, nhưng tại khu vực mỏ đá xã An Phú, TP Tuy Hòa vẫn còn nhiều ao tù, hố sâu lớn chưa được hoàn nguyên.

Tại khu vực khai thác, chế biến đá làm vật liệu xây dựng thông thường ở xã An Phú, thành phố Tuy Hòa có bốn doanh nghiệp được UBND tỉnh Phú Yên cấp phép là Công ty Cổ phần Quản lý và Sửa chữa đường bộ Phú Yên, Công ty CP 3.2, Công ty CP Xây dựng giao thông Phú Yên, Công ty CP Đầu tư và Xây dựng 1.5.

Đến nay, các doanh nghiệp này đã hết thời hạn cho phép hoạt động, thậm chí có doanh nghiệp đã được gia hạn nhiều lần, nhưng vẫn chưa hoàn tất hồ sơ đề án đóng cửa mỏ, chưa di dời toàn bộ máy móc, tài sản trong khu vực mỏ và chưa chấm dứt hoàn toàn hoạt động khai thác, tận thu, chế biến đá theo thời gian quy định của UBND tỉnh Phú Yên.

Có doanh nghiệp phải di chuyển khu chế biến đá đến vị trí mới từ năm 2011 hoặc nhiều lần xin gia hạn chấm dứt khai thác, chậm nhất trong năm 2015, nhưng đến nay vẫn còn hoạt động với nhiều lý do khác nhau, như: chưa tìm được khu chế biến và địa điểm khai thác mới hoặc có nhưng chất lượng đá không đạt yêu cầu; còn gần 4.000 m3 đá thô chưa chế biến hết; thời gian di chuyển lâu, ảnh hưởng đến sản xuất hoặc quá tốn kém trong lúc doanh nghiệp đang gặp khó khăn…

Điều đáng nói, mặc dù các doanh nghiệp này mắc nhiều sai phạm, thậm chí có trường hợp chây ỳ không chấp hành các quy định của Nhà nước về hoạt động khai thác, chế biến đá làm vật liệu xây dựng thông thường, nhưng không được các ngành chức năng xử phạt nghiêm. Theo quan sát của phóng viên, tuy đã hết thời gian gia hạn giấy phép từ lâu, song việc hoàn nguyên môi trường tại khu vực này vẫn chưa được hoàn tất, tồn tại nhiều ao tù, hố sâu lớn gây nguy hiểm cho người và gia súc qua lại.

Ông Võ Minh Thức, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Phú Yên khẳng định: “Các doanh nghiệp này có vi phạm, nhưng chưa trường hợp nào bị các ngành chức năng xử phạt theo quy định. Tuy nhiên, HĐND tỉnh xét thấy, cũng cần tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hoạt động trong giai đoạn khó khăn để tồn tại, giải quyết việc làm cho người lao động và nộp nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước”. Ông Thức cho biết thêm, một mỏ đá bị đào nơi cao, nơi thấp thì không lấy đất đâu mà lấp đủ để trả lại nguyên trạng. Vì vậy, các ngành chức năng phải thẩm định kỹ các phương án hoàn nguyên, làm sao bảo đảm cảnh quang chung quanh và khôi phục dần môi trường, đặc biệt không làm ảnh hưởng đến việc đi lại và đời sống của nhân dân.

Nhằm tạo điều kiện trong sản xuất, HĐND tỉnh Phú Yên đã đề nghị UBND tỉnh cho phép các doanh nghiệp gia hạn lần cuối, chấm dứt hoạt động, di dời chậm nhất đến tháng 12-2016 và sớm hoàn nguyên môi trường theo quy định. Sau thời gian này, nếu các doanh nghiệp không chấp hành, kiên quyết thu hồi giấy phép và xử phạt nghiêm theo Luật Khoáng sản; đồng thời siết chặt công tác quản lý hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh, tránh lặp lại tình trạng trên và nhiều năm không phục hồi môi trường như một số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này trước đây, từng gây bức xúc trong nhân dân.