"Sếu đầu đàn" trên hai tuyến đầu

NDO -

Đóng góp lớn, thậm chí vượt trội của một số doanh nghiệp tư nhân trong phòng, chống đại dịch Covid-19 cho thấy cần tạo điều kiện hình thành thêm nhiều hơn nữa những con "sếu đầu đàn" của nền kinh tế để thực hiện các nhiệm vụ rộng lớn cần huy động các nguồn lực xã hội.

Đồng chí Trần Thanh Mẫn; đồng chí Mai Tiến Dũng và đồng chí Nguyễn Thanh Long tiếp nhận ủng hộ 500 máy thở MV20 phục vụ phòng chống dịch Covid-19. (Ảnh: Bộ Y tế)
Đồng chí Trần Thanh Mẫn; đồng chí Mai Tiến Dũng và đồng chí Nguyễn Thanh Long tiếp nhận ủng hộ 500 máy thở MV20 phục vụ phòng chống dịch Covid-19. (Ảnh: Bộ Y tế)

Những “người hùng thầm lặng”

Ngày 5-6, Quỹ vaccine phòng Covid-19 chính thức ra mắt với sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chứng kiến tấm lòng vàng của nhiều tổ chức, cá nhân.

Trong buổi tối đáng nhớ ấy, Anh hùng Lao động, doanh nhân cựu chiến binh Lê Văn Kiểm, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư và Kinh doanh Golf Long Thành đã trao tặng Quỹ 500 tỷ đồng.

Trước và sau buổi lễ ra mắt Quỹ, còn rất nhiều doanh nghiệp tư nhân khác cũng đã lặng lẽ đóng góp rất lớn, chung sức chung lòng cùng Đảng, Nhà nước và nhân dân, giúp đất nước vượt qua đại dịch.

Tập đoàn Vingroup cũng là một trong những doanh nghiệp tiên phong đi đầu trong các hoạt động tài trợ phòng, chống dịch Covid-19 tại Việt Nam.

Ngay từ năm ngoái, trong đợt dịch Covid-19 đầu tiên, khi biết ngành y tế gặp khó khăn về kit xét nghiệm, Vingroup đã liên hệ và tiến hành hỗ trợ ngay để phục vụ nhu cầu xét nghiệm nhanh phòng, chống dịch ở các địa phương.

Khi biết tin Singapore đã cấp phép cho thiết bị xét nghiệm Covid-19 qua hơi thở đầu tiên trên thế giới, Tập đoàn Vingroup đã liên hệ để mua thiết bị này và trao đổi để giúp ngành y tế nâng cao năng lực xét nghiệm, giảm áp lực cho cán bộ, nhân viên lấy mẫu.

Tại buổi lễ trao tặng 30 máy xét nghiệm Covid-19 qua hơi thở và vật tư tiêu hao phục vụ cho hai triệu mẫu test, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cũng ghi nhận Vingroup không chỉ đóng góp lớn về tiền của mà chủ động chung tay cùng Bộ trong công tác phòng chống dịch.

Tính từ đầu đại dịch Covid-19, tổng trị giá Vingroup đóng góp cho công tác phòng chống dịch là hơn 2.200 tỷ đồng. Gồm: Tài trợ bốn triệu liều vaccine, trị giá gần 500 tỷ đồng; hỗ trợ khẩn cấp hai tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh trang thiết bị y tế giá trị khoảng hơn 30 tỷ đồng; tài trợ 20 tỷ đồng để nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng vaccine phòng Covid-19 “Made in Vietnam” Coviac, tài trợ cho ba dự án nghiên cứu ứng phó nhanh với dịch Covid-19; tri ân các bác sĩ tuyến đầu chống dịch, sản xuất và trao tặng hàng ngàn máy thở cho Bộ Y tế và các nước bạn; tặng Bộ Y tế 30 máy xét nghiệm Covid-19 qua hơi thở và vật tư tiêu hao phục vụ cho hai triệu mẫu test giá trị hơn 460 tỷ đồng…

Nếu ở Hà Nội có Vingroup thì ở TP Hồ Chí Minh, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát cũng là một “người hùng thầm lặng” nhưng luôn đi đầu với sự đóng góp, ủng hộ lớn không kém.

Ngày 11/6, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát vừa ủng hộ thêm 20 tỷ đồng hỗ trợ đội ngũ y, bác sĩ làm công tác lấy mẫu xét nghiệm và các lực lượng truy vết phòng chống dịch bệnh tại cơ sở.

Trước đó, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát cũng đã tài trợ 1.450 tỷ đồng ủng hộ quỹ vaccine vào cuối tháng 5/021 và kêu gọi các doanh nghiệp khác đóng góp gần 600 tỷ đồng tiền mặt và hỗ trợ cho công tác phòng chống dịch thông qua các hoạt động thiết thực như trao tặng trang thiết bị vật tư y tế, thực phẩm tiếp sức cho lực lượng tuyến đầu phòng chống dịch Covid-19.

Đáng chú ý ngay từ tháng 2/2020, Tập đoàn này đã cùng Trường Đại học Văn Lang nghiên cứu, tìm cách để có được 2.000 máy thở MV20 tiêu chuẩn Nhật Bản hỗ trợ cho việc điều trị các bệnh nhân Covid-19 chỉ sau 5 tháng.

Khi tiếp nhận đợt đầu với 500 máy thở (trị giá 120 tỷ đồng) vào tháng 8/2020 lúc cả nước đang căng mình chống làn sóng dịch Covid-19 thứ hai tại miền trung, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long đã khẳng định, 500 máy thở MV20 do Đại học Văn Lang và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát trao tặng là món quà vô cùng ý nghĩa trong bối cảnh lúc đó - đúng lúc “nước sôi lửa bỏng”.

Tinh thần “Tuần lễ vàng” mới

Trong những chia sẻ hiếm hoi với báo chí, ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Tập đoàn Vingroup cho biết: “Mục đích của việc sản xuất máy thở hoàn toàn là đóng góp cho xã hội vào thời điểm quan trọng này. “Trong thời gian này, chúng tôi sẽ tập trung vào việc sản xuất nhiều máy thở và làm việc đó thật tốt”, “Chúng tôi muốn hợp tác để giải quyết một phần của vấn đề đại dịch”.

Những “người hùng thầm lặng” trên hai tuyến đầu -0
Đồng chí Nguyễn Thanh Long tiếp nhận 30 máy xét nghiệm Covid-19 qua hơi thở do Tập đoàn Vingroup trao tặng. (Ảnh: Bộ Y tế) 

Còn với Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, bà Trương Huệ Vân, Tổng Giám đốc Tập đoàn khẳng định: Trong suốt 30 năm qua, Tập đoàn luôn đồng hành cùng với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đúng theo tinh thần mà lúc sinh thời Bác Hồ mong muốn đó là tự lập, tự cường.

“Chúng tôi tự ý thức được rằng đóng góp của mình chỉ là một phần rất nhỏ trong công cuộc phòng chống dịch bệnh. Việc có thể gắn kết và chung tay với nhiều doanh nghiệp khác mới thật sự là động lực lớn nhất của chúng tôi. Tập đoàn Vạn Thịnh Phát luôn tâm niệm, qua mỗi việc nhỏ mình làm đều đặt vào đó một trái tim lớn”, bà Trương Huệ Vân trả lời báo chí.

Còn nhớ năm xưa khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ ra đời, Quốc khố gần như trống rỗng, kinh tế kiệt quệ, ngân quỹ Chính phủ chỉ vẻn vẹn có 1,25 triệu đồng Đông Dương, nhưng trong đó có tới 580 nghìn đồng rách nát đang chờ tiêu huỷ, các khoản nợ của chính phủ bù nhìn, tay sai để lại lên đến 564 triệu đồng…

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa ra chủ trương tổ chức “Tuần lễ Vàng” động viên nhân dân tình nguyện ủng hộ xây dựng “Quỹ Độc Lập”. Chỉ trong một thời gian ngắn, nhân dân cả nước đã quyên góp được 20 triệu tiền đồng và 370 kg vàng (khoảng trên 3.000 tỷ đồng quy đổi theo giá hiện tại).

Điểm nổi bật là phong trào “Tuần lễ Vàng” đã ghi nhận sự tham gia tích cực của nhiều nhà tư sản yêu nước như vợ chồng ông Đỗ Đình Thiện, gia đình ông Trịnh Văn Bô và bà Hoàng Minh Hồ…

Sau này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đánh giá:“Tuần lễ vàng sẽ tỏ cho toàn quốc đồng bào và cho toàn thế giới biết: Trong khi các chiến sĩ quyết hy sinh giọt máu cuối cùng để giữ vững nền tự do, độc lập của nước nhà, thì đồng bào ở hậu phương nhất là những nhà giàu có, cũng có thể hy sinh được chút VÀNG để phụng sự Tổ quốc”. 

Tinh thần đóng góp tiên phong mà thầm lặng của những đơn vị như Vingroup, Vạn Thịnh Phát thêm một lần nữa minh chứng điều Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định trong lễ ra mắt Quỹ vaccine phòng Covid-19.

“Lịch sử dựng nước và giữ nước đã chứng minh, khi đất nước ta gặp khó khăn, tinh thần đoàn kết, sức dân là vũ khí tối tân nhất, sắc bén nhất để chúng ta chiến thắng mọi kẻ thù và viết nên những chiến thắng vẻ vang của dân tộc, như Bác Hồ kính yêu đã căn dặn: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu. Khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Không có sức mạnh nào lớn hơn sức mạnh của tinh thần đoàn kết, của tình yêu thương…”. 

Sự đóng góp ấy cũng như một minh chứng của sức mạnh đại đoàn kết và tinh thần dân tộc, tình yêu Tổ quốc luôn được đặt lên trên hết với những doanh nghiệp tư nhân đã trở thành “sếu đầu đàn” của nền kinh tế đất nước.

Xung kích trên hai tuyến đầu

Đóng góp lớn, thậm chí vượt trội của một số doanh nghiệp tư nhân trong phòng, chống đại dịch Covid-19 còn cho thấy, nhiều doanh nghiệp tư nhân đã chung tay cùng các bộ, ngành và Chính phủ góp phần chống dịch hiệu quả, thể hiện vai trò to lớn trong những nhiệm vụ cần huy động các nguồn lực xã hội rộng lớn.

Hiện nay, khu vực kinh tế tư nhân trong nước đang tạo ra khoảng 40% GDP, 30% ngân sách nhà nước, thu hút khoảng 85% lực lượng lao động cả nước. Sau 4 năm thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW năm 2017 đến nay, khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam có sự phát triển mạnh cả về chất, lượng và quy mô, tiếp tục là động lực chính trong tăng trưởng kinh tế Việt Nam.

Kinh tế Việt Nam hiện nay được thế giới biết đến qua những tên tuổi các tập đoàn tư nhân như: Vingroup, Sun Group, Vinamilk, Vạn Thịnh Phát, T&T Group, Thaco,...

Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng tiếp tục khẳng định, phát triển mạnh mẽ khu vực kinh tế tư nhân cả về số lượng, chất lượng, hiệu quả “thực sự trở thành một động lực quan trọng trong phát triển kinh tế”; “khuyến khích hình thành, phát triển những tập đoàn kinh tế tư nhân mạnh”; “Xóa bỏ mọi rào cản, định kiến, tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế tư nhân.” 

Để đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp với tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP đạt 60%-70%, cần khuyến khích hình thành, phát triển những tập đoàn kinh tế tư nhân lớn, tiềm lực mạnh, có khả năng cạnh tranh trong khu vực và quốc tế; và tiếp tục có những cơ chế, chính sách để doanh nghiệp tư nhân phát triển mạnh hơn nữa, giúp có nhiều hơn nữa những con “sếu đầu đàn” của nền kinh tế trong giai đoạn hậu Covid-19.

Nỗ lực thực hiện mục tiêu kép