Đại biểu Nguyễn Thị Phúc (Hưng Yên) cho rằng Bộ Nội vụ là cơ quan được Chính phủ giao nhiệm vụ chủ trì trong việc tuyển dụng, sử dụng giáo viên nhưng công tác kiểm tra, giám sát, xây dựng quy hoạch, dự báo nhu cầu về biến động số lượng giáo viên chưa kịp thời và hiệu quả.
“Việc điều động, luân chuyển giáo viên từ nơi thừa sang nơi thiếu gây xáo trộn, bức xúc, thậm chí là tiêu cực cho giáo viên, khiến giáo viên không yên tâm công tác”, đại biểu nhận xét.
Đại biểu Nguyễn Thị Phúc đề nghị Bộ trưởng Nội vụ làm rõ hơn trách nhiệm của bộ và địa phương trong vấn đề này. “Nếu trách nhiệm thuộc về địa phương thì vai trò của bộ ở đâu? Các cơ quan chuyên môn là sở giáo dục, phòng giáo dục không thể chủ động điều tiết số lượng, cơ cấu đội ngũ theo môn học, cấp học vì vướng Thông tư 11 là Thông tư liên tịch giữa Bộ Nội vụ và Bộ GD-ĐT được ban hành năm 2015”.
“Để hạn chế tình trạng trên, cần giao cho cơ quan chuyên môn là sở, phòng giáo dục chủ trì trong việc tuyển dụng, sử dụng giáo viên vì chỉ có cơ quan giáo dục mới nắm rõ, xử lý nhanh, kịp thời những biến động của giáo viên?” – đại biểu đặt vấn đề với Bộ trưởng.
Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết hai Bộ Nội vụ và Bộ GD-ĐT đã có hai Thông tư liên tịch số 71/2007 và hướng dẫn định mức về biên chế, sự nghiệp đối với giáo dục mầm non; Thông tư liên tịch số 35/2006, hướng dẫn thực hiện về biên chế đối với cơ sở giáo dục công lập. Đối với Bộ Nội vụ có chức năng xây dựng quy định nhà nước trong việc tuyển dụng và sử dụng đối với viên chức nói chung, trong đó có giáo viên.
Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.
Tuy nhiên, Bộ Nội vụ nhận khuyết điểm trong thời gian qua việc tổ chức, kiểm tra chưa thường xuyên, thực hiện việc tuyển dụng và sử dụng giáo viên theo định mức và biên chế được giao vẫn còn xảy ra tình trạng thực hiện vấn đề hợp đồng để dạy trong khi biên chế chưa sử dụng hết.
Khắc phục tình trạng này, Bộ trưởng cho biết Chính phủ mới ban hành Nghị định 127 ngày 21-9-2018 và sẽ có hiệu lực vào tháng 11-2018, quy định rõ về quản lý nhà nước của ngành giáo dục, tức là phân cấp cho UBND tỉnh trình HĐND phê duyệt tổng số lượng người làm việc của các cơ sở giáo dục công lập thuộc phạm vi quản lý của tỉnh theo quy định pháp luật.
UBND cấp huyện bảo đảm số lượng người làm việc theo đề án vị trí việc làm được phê duyệt, đáp ứng được các điều kiện về cơ sở vật chất, chất lượng giáo dục và tiến tới tổ chức học ngày hai buổi đối với mầm non và tiểu học.
Sở GD-ĐT tham mưu UBND tỉnh cùng cấp phê duyệt tổng số người làm việc ở các cơ sở giáo dục công lập thuộc phạm vi quản lý theo quy định của pháp luật. Chủ tịch UBND huyện quyết định tuyển dụng hoặc ủy quyền việc tuyển dụng theo quy định hiện hành và phân bổ số lượng người làm việc theo vị trí việc làm.
Phòng GD-ĐT phối hợp Phòng Nội vụ thực hiện quy trình và trình Chủ tịch UBND huyện để quy định và tuyển dụng viên chức và chủ trì xây dựng kế hoạch hằng năm số lượng người làm việc tại phòng GD-ĐT và các cơ sở giáo dục công lập do UBND huyện trình cho cấp thẩm quyền phê duyệt. Thẩm quyền này đã được quy định rất rõ trong Nghị định 127 sẽ có hiệu lực vào tháng 11 tới đây.
“Tôi đề nghị các địa phương và Bộ GD-ĐT sớm có thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định 127 để giúp cho các địa phương thực hiện tốt, còn vấn đề ủy quyền của Chủ tịch UBND huyện và tỉnh là giao cho ai là người tuyển dụng cụ thể, đề nghị nên có hướng dẫn cụ thể và có sự phối hợp”, Bộ trưởng nói.