Sạt lở các tuyến kênh rạch tăng dần tại An Giang

NDO -

Ngày 4/3, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang thông tin, sạt lở bờ sông đang diễn biến ngày càng phức tạp, xu thế sạt lở trên các tuyến kênh, rạch cấp I, cấp II sẽ tăng dần theo thời gian, đặc biệt là đối với các kênh rạch tại 7 huyện, thị xã, thành phố.

Sạt lở bờ sông Hậu.
Sạt lở bờ sông Hậu.

Theo đó, tổng số các đoạn sông cảnh báo sạt lở gồm 56 đoạn, trong đó, có 6 đoạn thuộc sông Tiền, sông Hậu, sông Vàm Nao, sông Châu Đốc được cảnh báo ở mức độ đặc biệt nguy hiểm, 36 đoạn ở mức độ nguy hiểm; 14 đoạn ở mức độ bình thường. Theo thống kê, trong năm 2021, toàn tỉnh xảy ra 43 điểm sạt lở, sụt lún, rạn nứt bờ sông, kênh, rạch với tổng chiều dài hơn 2 km, ảnh hưởng đến 39 căn nhà và gây tổng thiệt hại về nhà và đất hơn 2 tỷ đồng.

Qua kiểm tra rà soát tình hình sạt lở bờ sông, kênh, rạch trên địa bàn tỉnh, hiện nay còn 496 đoạn sạt lở bờ sông, kênh, rạch trên 288 tuyến, tổng chiều dài hơn 10 km. Trong đó sạt lở trên các kênh cấp I, cấp II nối ra sông Hậu, sông Tiền có tổng số là 127 đoạn. Xu thế sạt lở trên các tuyến kênh, rạch cấp I, cấp II sẽ tăng dần theo thời gian, đặc biệt là đối với các kênh rạch ở các huyện, thị, thành gồm An Phú, Phú Tân, Chợ Mới, Châu Phú, Châu Thành và thị xã Tân Châu, thành phố Long Xuyên. 

Nguyên nhân sạt lở do diễn biến thời tiết bất thường, tác động của quá trình biến đổi khí hậu và ảnh hưởng của các đập thủy điện trên sông Mekong gây suy giảm bùn cát từ thượng nguồn về đồng bằng sông Cửu Long, yếu tố thủy lực, dòng chảy, hình thái dòng sông, cấu trúc địa chất bờ sông, vận động kiến tạo và hoạt động kinh tế-xã hội (ghe tàu, khai thác cát, hoạt động xây dựng, vận tải hai bên bờ sông...). 

Ngoài ra, dân cư phát triển làm tăng tải trọng xây dựng từ nhà ở, công trình xây dựng công trình kho bãi, nhà máy kiên cố, công trình giao thông, chất tải gần bờ sông làm tăng tải trọng vượt khả năng chịu tải của bờ sông; việc gia tăng phương tiện giao thông trên bờ, dưới sông làm gia tăng tải trọng động và sóng… là những nguyên nhân dẫn đến sạt lở đất ven sông, kênh, rạch trên địa bàn tỉnh.

Xuất phát từ thực trạng nêu trên, nhằm chủ động phòng tránh, ngăn ngừa và hạn chế thiệt hại về người và tài sản do sạt lở đất bờ sông, kênh, rạch trong thời gian tới, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất UBND tỉnh các nguyên tắc, giải pháp và tổ chức thực hiện như ưu tiên di dời khẩn cấp người, tài sản ra khỏi khu vực sạt lở và có nguy cơ sạt lở cao để bảo đảm an toàn, tính mạng, tài sản của nhà nước và nhân dân; nghiên cứu, ứng dụng các phương án kè mềm, các khối vật liệu sẵn có tại địa phương (cành cây, nhánh cây, lục bình,...), trồng cây bảo vệ mái, chân đê,…. tại những nơi phù hợp; ứng dụng các giải pháp trồng cây chắn sóng (tràm, tre, bạch đàn,...) trên mái sông, mái kênh, cơ đê để bảo vệ cơ, đường bờ, giảm thiểu sạt lở.

Đối với các khu vực, tuyến có khả năng sạt lở cao, sạt lở nhiều đoạn, không đảm bảo ổn định lâu dài, kinh phí gia cố, khắc phục lớn thì nghiên cứu làm đường tránh qua khu vực sạt lở đó hoặc tịnh tuyến tim, tuyến lùi vào bên trong bảo đảm ổn định lâu dài.