Sáp nhập trường học thuộc Bộ Nội vụ: Sinh viên sẽ được thụ hưởng nhiều hơn

NDO - Trường Đại học Nội vụ Hà Nội vừa chính thức sáp nhập vào Học viện Hành chính Quốc gia từ ngày 15/9. Theo lãnh đạo nhà trường, khi sáp nhập, ngoài việc được bảo đảm các quyền lợi, sinh viên sẽ được thụ hưởng nhiều hơn trong học tập và nghiên cứu.
0:00 / 0:00
0:00
Trường Đại học Nội vụ Hà Nội.
Trường Đại học Nội vụ Hà Nội.

Mở rộng quy mô, tăng cường nguồn lực

Theo cơ cấu tổ chức mới được Bộ Nội vụ phê duyệt, Trường Đại học Nội vụ Hà Nội sáp nhập với Học viện Hành chính Quốc gia từ ngày 15/9.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Bá Chiến, Hiệu trưởng Trường Đại học Nội vụ Hà Nội cho biết, hiện cán bộ quản lý, viên chức và người lao động của trường đã sẵn sàng bước sang 1 trang sử mới của sự nghiệp đào tạo, bồi dưỡng và nghiên cứu khoa học khi Trường Đại học Nội vụ Hà Nội sáp nhập vào Học viện Hành chính Quốc gia...

“Việc sáp nhập Trường Đại học Nội vụ Hà Nội vào Học viện Hành chính Quốc gia để mở rộng quy mô, tăng cường nguồn lực, tiết kiệm chi tiêu và cơ sở vật chất phục vụ cho việc nghiên cứu, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ các cấp, đồng thời tạo điều kiện để nâng cao trình độ chuyên môn của đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên...", Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Bá Chiến cho biết thêm.

Sáp nhập trường học thuộc Bộ Nội vụ: Sinh viên sẽ được thụ hưởng nhiều hơn ảnh 1
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Bá Chiến, Hiệu trưởng Trường Đại học Nội vụ Hà Nội. (Ảnh: THÀNH ĐẠT)

Hiệu trưởng Trường Đại học Nội vụ Hà Nội khẳng định, việc sáp nhập không ảnh hưởng gì đến kế hoạch, việc học tập của sinh viên. Chương trình và kế hoạch đào tạo được tổ chức theo đúng kế hoạch đã ban hành.

"Sinh viên và các bậc phụ huynh yên tâm về ngành đào tạo mà các sinh viên đang theo học. Khi sáp nhập trường vào học viện, sẽ có thêm một đội ngũ các thầy, cô giáo có học hàm, học vị và kinh nghiệm giảng dạy nhiều năm ở học viện để tham gia đào tạo, truyền đạt kiến thức, kỹ năng cho sinh viên...", Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Bá Chiến nhấn mạnh.

Lãnh đạo trường cũng cho biết, nhà trường bảo đảm đầy đủ quyền lợi cho sinh viên, bao gồm sinh viên khóa mới chuẩn bị nhập trường.

Khi sáp nhập, sinh viên sẽ được thụ hưởng nhiều hơn trong học tập, nghiên cứu với đội ngũ nhà giáo giàu kinh nghiệm giảng dạy và cơ sở vật chất tốt của học viện.

Đơn vị "đặc biệt" của Chính phủ, Bộ Nội vụ

Về phía các giảng viên, 1 giảng viên lâu năm tại Trường Đại học Nội vụ Hà Nội là Tiến sĩ Trương Quốc Việt, Phó Trưởng Khoa Hành chính học bày tỏ, đây là chủ trương đúng của Đảng, Chính phủ, trong thực hiện Nghị quyết 19 của Ban Chấp hành Trung ương về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.

"Với bề dày truyền thống 50 năm xây dựng và phát triển, thương hiệu Trường Đại học Nội vụ Hà Nội ngày càng được khẳng định và nhận được sự tin cậy của thí sinh và xã hội. Việc sáp nhập trường vào học viện sẽ là cơ hội tốt để cộng hưởng sức mạnh đào tạo, phát huy thế mạnh của cả 2 đơn vị trong thời gian tới", Tiến sĩ Trương Quốc Việt nói.

Định hướng cho năm học mới 2022-2023, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Bá Chiến cho biết, khi sáp nhập sẽ tạo động lực mới để nâng cao vị thế chính trị, pháp lý của Học viện Hành chính Quốc gia và Trường Đại học Nội vụ Hà Nội.

"Theo tinh thần của dự thảo đề án sáp nhập, đơn vị thành lập mới sẽ là đơn vị sự nghiệp công lập hạng đặc biệt của Chính phủ và Bộ Nội vụ là Bộ chủ quản. Như vậy sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyên nghiệp; đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng các ngành nghề có trình độ đại học và sau đại học cho ngành nội vụ, nền công vụ và cho xã hội; bổ sung cán bộ nghiên cứu khoa học phục vụ công tác quản lý nhà nước của Chính phủ, Bộ Nội vụ và nhu cầu của xã hội..."