Bên cạnh các gian hàng trưng bày sản phẩm sáng tạo nổi bật, tọa đàm “Thực phẩm bền vững-Food for all, all for food” đã thu hút sự quan tâm của đông đảo bạn trẻ. Tại đây, đại diện Ngân hàng Thực phẩm Việt Nam và các doanh nghiệp đã chia sẻ những vấn đề xoay quanh việc nâng cao nhận thức về sử dụng thực phẩm một cách hiệu quả, chống lãng phí thực phẩm; trong đó, chú trọng vai trò của giới trẻ.
Theo thống kê của Ngân hàng Thực phẩm Việt Nam, số lượng rác thải tại các thành phố lớn đang ngày một tăng, tạo áp lực không hề nhỏ đến môi trường. Điều đáng nói là một phần ba số rác đó đến từ nguồn thực phẩm dư thừa do con người bỏ đi. Ông Nguyễn Tuấn Khởi, Chủ tịch Ngân hàng Thực phẩm Việt Nam cho rằng: Khái niệm thực phẩm bền vững, phát triển bền vững gắn liền với nhiều hoạt động trong xã hội với nhiều đối tượng chịu tác động chứ không riêng gì lĩnh vực nuôi trồng, sản xuất, chế biến.
Việc hướng đến xã hội sản xuất và sử dụng thực phẩm bền vững có thể bắt đầu bằng một hành vi không quá khó nhưng đòi hỏi sự kiên trì ở người trẻ, đó là “Ăn có trách nhiệm”. Ăn có trách nhiệm là không lãng phí và biết cách bảo quản, bảo vệ thực phẩm, ăn vừa đủ, tích cực hơn là hình thành lối sống xanh với thói quen ăn uống điều độ, lành mạnh.
Điều này còn thể hiện ở xu hướng chọn lựa và tin dùng những sản phẩm nguồn gốc rõ ràng từ các đơn vị sản xuất, nhà cung cấp có trách nhiệm với môi trường, biết hỗ trợ cộng đồng “yếu thế”. Khi ý thức bảo vệ nguồn thực phẩm bền vững được giới trẻ đón nhận, việc thực hiện những dự án, chương trình tác động tích cực đến môi trường và đời sống xã hội sẽ có sức lan tỏa lớn.
Các diễn giả khác cũng cho rằng, việc thay đổi hành vi, hình thành thói quen tốt trong tiếp cận, sử dụng thực phẩm sẽ khiến người tiêu dùng dễ dàng chung tay cùng các doanh nghiệp, tổ chức bảo vệ sự cân bằng trong môi trường. Đặc biệt với nhóm khách hàng trẻ tuổi như học sinh, sinh viên, ý thức khác đi sẽ tạo nên xu hướng tiêu dùng tích cực.
Chuỗi hoạt động lần này còn có hội thảo “Kiến thức nền tảng về công nghệ Blockchain, Web3, Metaverse cho giới trẻ” nhằm cung cấp các kiến thức nền tảng về các công nghệ hiện đại cho sinh viên. Cùng với đó là chương trình tập huấn “Kỹ năng sử dụng Chatbot AI” cung cấp những kiến thức, hiểu biết cơ bản về trí tuệ nhân tạo nhằm giúp bạn trẻ nâng cao ý thức về tầm quan trọng của việc học hỏi và rèn luyện các kỹ năng số cần thiết. Các chương trình tập huấn sẽ tập trung vào việc thực hành để sinh viên gia tăng trải nghiệm, có cái nhìn bao quát về nhiều giải pháp công nghệ trong thời đại số ngày nay; từ đó, chọn lựa hướng đi phù hợp cho sự phát triển của bản thân.
“Tuần lễ Đổi mới sáng tạo và Chuyển đổi số 2023” đã thu hút khoảng 1.000 lượt người tham gia và quy tụ hơn 20 chuyên gia trong các lĩnh vực. Điểm nhấn của tuần lễ là 20 gian hàng trưng bày của ba dự án ươm tạo, năm dự án nghiên cứu của nhà trường cùng các doanh nghiệp của cựu sinh viên và đối tác. Sinh viên chủ động đến các gian hàng tìm hiểu thông tin, trải nghiệm sản phẩm, dịch vụ và học hỏi thêm kinh nghiệm về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, nhất là trong lĩnh vực chuyển đổi số. “Thông qua các hoạt động nêu trên, nhà trường mong muốn thúc đẩy việc phát triển các giải pháp chuyển đổi số, giải pháp công nghệ và đổi mới sáng tạo trong cuộc sống, nhất là khu vực giáo dục. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng hy vọng sẽ truyền cảm hứng khởi nghiệp trong cộng đồng, gắn kết chặt chẽ giữa nhà trường với cựu sinh viên và các doanh nghiệp đối tác, từ đó, tạo tiền đề hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo mang bản sắc riêng của trường”, PGS, TS Đinh Đức Anh Vũ, Phó Hiệu trưởng Phụ trách Trường đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cho hay.